Những con người tận cùng bất hạnh lại tìm thấy bình yên

ANTD.VN - Phật giáo tin vào “Duyên”, còn chúng tôi thì tin rằng sợi dây nối kết nhiệm màu giữa con người với con người đã đưa chúng tôi đến Nhà tình thương Vĩnh Sơn - Phaolo ở giáo xứ Trung Lao, Nam Định, trong sớm thu se lạnh ấy.         

Ma sơ có tới… 9 đứa con

Thấy khách về đúng hẹn, sơ Rosa Nguyễn Thị Hiên, người đứng đầu Nhà tình thương mừng lắm. Tóc sơ đã bạc gần hết, trông già hơn nhiều sơ với cái tuổi 55, khuôn mặt khắc khổ đầy nếp nhăn. Người ta bảo, mỗi nếp nhăn trên khuôn mặt người phụ nữ ẩn chứa một câu chuyện buồn, hình như là vậy.

Buồn thì rõ rồi, nhưng suốt thời gian chúng tôi ở đó, chỉ thấy sơ cười. Cũng phải thôi, sơ mà buồn bã, mà quỵ ngã trước buồn đau thì biết lấy ai làm chỗ bám víu cho những cuộc đời khốn khó ở đây. Nhất là 9 đứa trẻ “ăn chưa no, lo chưa tới”.

Hầu hết những đứa trẻ mà sơ Hiên đang nuôi dưỡng đều được đưa đến Trung Lao khi còn đỏ hỏn, nhiều đứa thì tới đây khi còn trong bụng mẹ - những người mẹ vì hoàn cảnh xô đẩy mà không thể sinh con bình thường.

“Mỗi đứa một hoàn cảnh khác nhau, đều đến khi còn chưa được khai sinh”, sơ Hiên kể, “Thế là các dì lại ra xã làm thủ tục để chúng có được cái tên như bao đứa trẻ khác, sau này còn đi học chứ”. Vì không có bố mẹ, hoặc ít nhất là mẹ thì không thể khai sinh, vậy là sơ Hiên đứng ra nhận làm mẹ. Từ đứa con đầu tiên, Bảo Khánh, đến giờ sơ đã có 9 đứa con, đều mang họ Nguyễn của sơ.

Nhà tình thương Vĩnh Sơn - Phaolo ở thôn Trung Lao, xã Trung Đông, Trực Ninh, Nam Định

Chia đều tình thương cho những đứa con tội nghiệp, nhưng sơ Hiên vẫn có vẻ vui hơn khi nhắc đến cậu con trai lớn nhất. Khánh được làm người là nhờ sự dũng cảm của người mẹ, một cô gái trẻ gặp nhiều trắc trở trong tình yêu.

Lần đầu có thai, người yêu bắt bỏ, nhưng đến lần thứ hai cô không thể tiếp tục làm chuyện nhẫn tâm ấy nữa nên quyết định chia tay và sinh con một mình. Song vì hoàn cảnh éo le, cô đành đến Trung Lao nương nhờ các sơ rồi dứt áo ra đi để tìm đường sống khi đứa con còn trứng nước.

Ban đầu, cậu bé bị buộc đưa đi nơi khác vì đây là nhà tu nữ; song với sự kiên trì thuyết phục của sơ Hiên, Khánh đã được trở lại và lớn lên trong tình thương của các mẹ.

Cậu bé lớn lên, khỏe mạnh và ngoan ngoãn, giờ đã học lớp 2 và giúp được khối việc trong nhà. Ngoài giờ đi học, Khánh lại giúp các mẹ trông em. Trong số những đứa em của Khánh, đáng thương nhất là Nguyễn Mai Chi, cô bé 2 tuổi cả ngày nằm im một chỗ, không nói không cười, mắt luôn nhìn đăm đắm vào khoảng không vô định.

Những con người tận cùng bất hạnh lại tìm thấy bình yên ảnh 2 

Khác với bố mẹ Khánh, bố mẹ Mai Chi có cưới hỏi hẳn hoi và là vợ chồng chính thức. Nhưng vì mãi mới được nhà chồng chấp nhận, người mẹ trẻ chết đứng khi được bác sĩ thông báo thai nhi trong bụng bị não úng thủy – căn bệnh khủng khiếp gây dị dạng, đau đớn và cuối cùng là cái chết cho đứa trẻ.

Lo gia đình nhà chồng – vốn hà khắc trong việc con nối dõi – chối bỏ, hai vợ chồng bàn với nhau mang con đến gửi các sơ khi đứa bé chưa đầy 2 tháng. Lại sợ người đời phỉ báng, họ nói dối là nhặt được con bé trong nhà trọ…

“Lúc mới đến đây, con bé đẹp lắm, trông bình thường, kháu khỉnh. Nhưng được một thời gian, nó khóc ròng suốt ngày đêm, đầu to dần, mắt lồi ra. Các dì đưa đi bệnh viện ở Nam Định khám, mới phát hiện nó bị não úng thủy. Bác sĩ bảo bệnh này không chữa được, gia đình đem về lo hậu sự thôi”, sơ Hiên kể. Không chịu bỏ cuộc, sơ Hiên tiếp tục gom góp tiền đưa Mai Chi ra Hà Nội.

Được bác sĩ đặt ống thoát nước từ não xuống hậu môn, đầu con bé nhỏ dần, đỡ khóc. Nhưng liệu pháp đó cũng chỉ giúp kéo dài thêm sự sống, dù là sống như thực vật. “Một ngày nào đó nó sẽ ra đi, các sơ đều biết vậy nên cố dành tình thương cho con được ngày nào hay ngày đó”, sơ Hiên rơm rớm nước mắt khi nói đến điều không ai muốn dù đành chấp nhận.

Người ta thường bảo mẹ nghèo thì con biết thân biết phận, nên hầu hết con nhà nghèo lớn lên như cây cỏ, nhưng điều đó lại không đúng với “nhà nghèo” xứ đạo Trung Lao. Đứa con bé nhất của sơ Hiên, Nguyễn Khánh Linh mới được 4 tháng tuổi, từ khi về ở đây thì số ngày không uống thuốc chỉ đếm trên đầu ngón tay.

“Chắc tại khi có thai, mẹ con bé lê la đầu đường xó chợ, có gì ăn nấy nên cũng ảnh hưởng đến con”, sơ Teresa Nguyễn Thị Huệ, nữ tu có đôi mắt đượm buồn kể lại.

Nhìn khu nhà cấp bốn nằm lặng lẽ mặc trầm bên ao nước nhỏ thanh bình, ai nghĩ bên trong lại chất chứa nhiều bất hạnh đến dường này. Những nỗi bất hạnh có khuôn mặt khác nhau được các sơ đón nhận với chung một tấm lòng bao dung vị tha như thánh nữ. Và ai biết đâu, tình thương ấy sẽ chữa lành mọi bệnh tật tai ương, cả những vết thương trong lòng và vết thương trên da thịt.

Hóa ra mẹ Khánh Linh bị tâm thần, thường lang thang ở Cổ Lễ. Người đàn bà đáng thương không biết mình có chửa trong trường hợp nào, gần đến ngày đẻ thì được người dân đưa vào “nhà sơ Hiên”. “Cô ấy có một đứa con gái chừng hơn 10 tuổi cũng bị tâm thần giống mẹ, không rõ bố là ai, lang thang vất vưởng với nhau. Giờ lo nhất là con bé này cũng bị di truyền như vậy…”, sơ Huệ lo lắng nói, “Thế nên dù có người muốn xin về nuôi, các dì cũng không dám cho đi”.

Những người không tuổi

Lúc nhóm tình nguyện Hoa Cúc xanh mới đến, một cô gái trưởng thành hớn hở chạy ra chào. “Mày làm gì mà vui đến chảy dãi ra thế hả con”, sơ Huệ mắng yêu. Nhung – cô gái không ai biết bao nhiêu tuổi ấy cười hềnh hệch, cầm tay từng khách dắt vào nhà.

Nhung cũng là một trường hợp đặc biệt ở Nhà tình thương Vĩnh Sơn. “Năm 2012, mấy người bán hàng ở Cổ Lễ đưa nó vào đây”, sơ Huệ nhớ lại, “Họ chỉ kể có chiếc xe dừng giữa chợ, thả con bé xuống đấy với một chiếc túi du lịch cũ rồi nổ máy đi ngay. Chiếc túi đựng một bộ quần áo cùng vài cái bánh hoàn toàn không có chút manh mối nào giúp tìm được gốc tích của con bé”. Nhung – cái tên sau này được các sơ đặt – bò lê bò càng ở chợ, đến đâu cũng bị người bán hàng xua đuổi vì sợ “ám quẻ”. Thế rồi người ta bảo nhau đưa nó vào gửi các sơ.

5 năm đầu, Nhung ngồi đâu ngồi đấy, để cho tự ăn thì bữa được vài thìa, nhưng nếu đút cho thì 5 phút hết bát tô. Tự dưng hơn 1 năm qua, Nhung nói cười liên tục, hò hát suốt ngày. Có khi đang đêm, nó cũng bật dậy hát váng lên “Mẹ ơi mẹ ở đâu. Chị ơi chị ở đâu”, làm các sơ vừa thương vừa bực. Chẳng biết làm gì, Nhung chạy nhồng nhỗng suốt ngày, về đến phòng ở là rút chiếu bện thành thừng, xé chăn bện thành bùi nhùi treo quanh nhà. Quần áo cũng không “thọ” được lâu vì nó lấy thìa xoắn, móc cho rách mới thôi.

Nhưng nỗi lo lớn nhất với các sơ vẫn là việc Nhung có thể đã bị HIV. “Năm 2015, một cháu ở đây chết vì AIDS. Nó được đưa từ Ninh Bình đến, thời gian đầu vẫn khỏe mạnh bình thường, chịu khó giúp việc các dì lắm. Nhưng được 2 năm thì toàn thân bắt đầu lở loét, đi khám bệnh mới phát hiện bị HIV”, sơ Hiên kể. Những tháng cuối đời, con bé ấy và cái Nhung vẫn như hình với bóng, chấy rận cho nhau suốt, nên biết đâu…

Chăm trẻ đã vất vả, trông nom người lớn không tự chủ còn khổ hơn gấp bội, vậy mà các sơ vẫn kiên trì thực hiện sứ mệnh mà Đức Chúa đã trao cho mình. Ở nhà tình thương Vĩnh Sơn có 3 anh em ông Đại đều bị mù, câm, điếc. Nhà ấy có 7 anh chị em thì 5 người khuyết tật được đưa vào đây, 2 người đã chết, giờ còn 3.

Các sơ bảo, trước đây họ sống cực lắm, mò mẫm quềnh quàng đến nhà nào vớ được nồi cám lợn thì vét đáy, còn không thì nhặt được thứ gì cũng bỏ vào mồm. Vào đây họ được ăn ngày 3 bữa, song vì hoàn toàn cách biệt với thế giới bên ngoài nên vẫn sống bản năng như con vật, tiện đâu thải đó, các sơ đành đi theo dọn dẹp hàng ngày.

Nhà tình thương Vĩnh Sơn - Phaolo thuộc Tu viện Đa Minh, giáo xứ Trung Lao, xã Trung Đông, Trực Ninh, Nam Định. Đây là nơi 3 sơ đang chăm sóc 15 người tàn tật, cô đơn và 10 trẻ mồ côi. Nhà tình thương hoạt động nhờ vào khoản thu nhập ít ỏi do các sơ trông trẻ, trồng rau, chăn nuôi mà có; cùng đóng góp của những tấm lòng hảo tâm.

Trong thâm tâm tôi tự hỏi, khi người ta không nghe thấy, nhìn thấy và nói được, thì sẽ giao tiếp với nhau thế nào, làm thế nào để hiểu được nhau? Và cũng tự tôi có câu trả lời: Chính tình thương là sợi dây kết nối đưa những con người ấy đến gần nhau, hiểu được nhau và giao tiếp với nhau như những người bình thường khác.

25 cuộc đời đầy những vết cứa tâm hồn đang nương tựa vào nhau và tựa vào đôi vai gầy của 3 sơ bé nhỏ. Đi tu để xa lánh cuộc đời, các sơ giờ đây lại đang phải sống rất đời, sống giữa những nỗi đau của tha nhân khi chính mình cũng còn những nỗi đau riêng. Và ngay cả khi được hỏi mình mong mỏi điều gì, các sơ cũng dành “điều ước” ấy cho những con người mà mình đang che chở. Như sơ Hiên, chỉ muốn được mạnh tay khỏe chân để gồng gánh mọi việc, ít nhất là không để các con bị đói…