Duyên định mệnh
Bà Graca Simbine sinh ngày 17-10-1945 trong một gia đình nông dân tại bờ biển Mozambique. Cha mất sớm, mọi việc trong gia đình đều do một tay mẹ của Graca lo lắng. Thấu hiểu sự hy sinh và kỳ vọng của cha mẹ, Graca học hành rất chăm chỉ, luôn dẫn đầu cả lớp về thành tích học tập. Khi học tiểu học, Graca đã xuất sắc nhận được học bổng loại giỏi ở Thủ đô Maputo. Đáng khâm phục hơn, Graca là một người da đen châu Phi duy nhất trong một lớp học có tới 40 người da trắng. Graca học triết học ở Bồ Đào Nha, sau đó lấy thêm bằng cấp về ngành Luật. Bà Graca Machel thông thạo tiếng Bồ Đào Nha, Đức, Pháp, Tây Ban Nha, Anh.
Ban đầu, cũng giống như Nelson Mandela, bà Graca là một nhà đấu tranh tự do tại châu Phi với sứ mệnh giải phóng đất nước, giáo dục cho người dân. Sau một thời gian ở Bồ Đào Nha, bà Graca tham gia Mặt trận Giải phóng Mozambique. Tháng 8-1975, Graca kết hôn với Samora Machel - người đứng đầu phong trào Mặt trận Giải phóng Mozambique. Khi ông Samora Machel trở thành Tổng thống, bà Graca Machel trở thành Bộ trưởng Văn hóa và Giáo dục. Dưới sự lãnh đạo của cặp vợ chồng hết mực vì đất nước này, Mozambique dần thay da đổi thịt sau hàng thế kỷ sống trong cảnh thuộc địa của Bồ Đào Nha. Cuộc sống riêng tư của vợ chồng Tổng thống Samora cũng rất hạnh phúc, với sự ra đời của hai cậu con trai.
Nhưng tai họa bất ngờ đổ xuống. Phong trào du kích Renamo đã gây ra cuộc nội chiến (1975 - 1992), gây ra sự hỗn loạn và phá hoại nền kinh tế Mozambique. Mất mát đau đớn hơn khi trở về từ chuyến thăm Nam Phi, phi cơ của Tổng thống Mozambique bất ngờ nổ tung một cách đầy bí ẩn. Nén nỗi đau, bà Graca kiên cường đứng lên lo tổ chức tang lễ cho chồng và các thành viên cao cấp khác của Chính phủ cũng bị thiệt mạng trong chuyến bay định mệnh ấy.
Trong số các bức điện chia buồn từ khắp nơi trên thế giới gửi về có lời chia buồn của một người đặc biệt: ông Nelson Mandela. Cái tên này vốn không xa lạ với Graca, bởi lúc sinh thời, chồng bà thường hay nhắc đến Mandela với lòng ngưỡng mộ của một người cùng chí hướng.
Trong một cuộc họp diễn ra vào năm 1996, Tổng Thư ký Liên hợp quốc lúc đó - ông Kofi Annan đề nghị về sự có mặt của bà Graca Machel dưới danh nghĩa là người bảo vệ quyền lợi của phụ nữ và trẻ em trên thế giới. Chính trong một cuộc họp đầu tiên kể từ khi nhà lãnh đạo ANC Nelson Mandela được thả khỏi nhà tù vào năm 1990, cặp bài trùng Nelson - Graca đã gặp nhau.
Ông Nelson Mandela được biết đến là một vị Anh hùng giải phóng dân tộc, biết dùng đức tính bao dung, kiên nhẫn, khôn ngoan, biết nhìn xa thấy rộng để vực dậy một đất nước bị phân hóa bởi màu da, chủng tộc, xã hội - giáo dục, kinh tế - chính trị và cả văn hóa lịch sử kéo dài hơn 300 năm từ thời nô lệ, thuộc địa cho đến thời kỳ Nam Phi độc lập. Nhưng về đời tư, cuộc sống hôn nhân của ông Nelson Mandela gặp nhiều bão táp.
Để vơi nhẹ nỗi buồn đau, trên cương vị Tổng thống mới của Nam Phi, ông Nelson Mandela đã đi thăm nước láng giềng Mozambique. Cũng chính tại đây, ông Nelson Mandela thêm lần nữa gặp được bà Graca. Bản thân bà Graca, với công tác mới ở Liên hiệp quốc cũng có nhiều điều kiện để được thường xuyên đến Nam Phi, gặp gỡ và tiếp xúc với ông Nelson Mandela…
Cuối năm 1996, tuy đã ở tuổi 78, nhưng ông Nelson Mandela nói một câu khiến mọi người kinh ngạc: “Tôi lại rơi vào biển tình”. Đúng ngày sinh nhật lần thứ 80, ông Nelson Mandela kết hôn với bà Graca Machel.
5 tháng sau ngày tổ chức hôn lễ, Mandela đã tự nguyện rút khỏi chức Chủ tịch ANC và không ra tranh cử Tổng thống. Ông đã chính thức rút khỏi chính trường hơn 10 năm và sống những năm cuối đời tại một làng nhỏ nơi ông sinh thành thuộc thành phố Cape Town, miền Nam Nam Phi.
Hạnh phúc đời thường
Trong mắt của ông Nelson Mandela, bà Graca rất giản dị. Họ rất hợp nhau ở nhiều điểm, từ sự hiểu biết, cách sống, cách ứng xử..., biết yêu những điều giản dị của cuộc sống. Quan trọng là cả hai biết tôn trọng và rất mực yêu thương nhau. Bà Graca làm cho ông Nelson Mandela yêu đời hơn, biết chăm lo cho chính mình và những người xung quanh.
Ngay kể cả với các người con riêng của ông Nelson Mandela, bà cũng chăm sóc rất chu đáo và đối xử công bằng. Có lẽ, chính vì thế mà suốt 15 năm chung sống, vợ chồng ông Nelson Mandela chưa bao giờ to tiếng.
Ông Nelson Mandela thừa nhận, đã đến “tuổi thất thập cổ lai hy”, vậy mà chỉ lúc này ông mới cảm nhận được thế nào gọi là hạnh phúc đời thường. Ông Nelson Mandela tự hào vì chính người vợ thứ ba - bà Graca đã thổi vào quan hệ riêng tư giữa hai người một làn gió mới.
Trước khi chính thức rút khỏi chính trường - năm 2004, ông Nelson Mandela đóng vai trò như một đại sứ danh tiếng cho đất nước này, hai ông bà nói chuyện với nhau qua điện thoại mỗi ngày. Nếu không gặp được, ông nhờ nhân viên hoặc lái xe đến tận nơi thăm bà. Ông Nelson Mandela bắt đầu xin lỗi vợ khi quên gọi điện. Về phần mình, mỗi khi không thấy chồng gọi điện về, lo lắng, bà Graca lại lặn lội tới tận văn phòng thăm ông Mandela. Gặp khi ông bị ốm, bà tự tay chăm sóc, thuốc men và động viên chồng.
Không ít lần xuất hiện trước công chúng, bà Graca ân cần dìu ông Nelson Mandela. Một tay cầm gậy ba toong, còn tay kia ông Nelson Mandela nắm chặt tay bà Graca. Họ rất vui vẻ, hạnh phúc trước sự tôn kính, khâm phục của mọi người…
Những lần ông Nelson Mandela nhập viện, dù thời gian điều trị ngắn hay dài, không kể ngày đêm bà Graca luôn túc trực bên chồng, cùng đau, cùng thấp thỏm và cùng hy vọng. Người ta hiếm thấy bà Graca Machel bên ngoài bệnh viện.
Món quà lớn nhất đó là sự thống nhất, hòa bình và giàu lòng yêu thương
Trong thời ông Nelson Mandela điều trị tại bệnh viện, ngoài việc chăm sóc chồng chu đáo, bà Graca Machel còn đại diện thay ông phát ngôn. Trong buổi ra mắt Ngày Thể thao và Văn hóa Mandela của Quỹ từ thiện Nelson Mandela vào đầu tháng 7-2013 tổ chức tại Johannesburg, bà Graca Machel rời bệnh viện, dành chút thời gian hiếm hoi xuất hiện và phát biểu ngắn gọn: “Dù Madiba (tên thân mật của Mandela) không cảm thấy dễ chịu lắm, thỉnh thoảng bị những cơn đau hành hạ, nhưng nhìn chung ông ấy ổn. Mặc dù còn đang nằm trong bệnh viện, nhưng từ sâu trong trái tim, ông Mandela một lần nữa tạo ra một cơ hội cho tất cả chúng ta. Tôi nghĩ, món quà lớn nhất mà ông đã mang lại cho đất nước này, đó là sự thống nhất, hòa bình và giàu lòng yêu thương”.
Ngày 18-7-2013, người dân Nam Phi đã tổ chức các hoạt động kỷ niệm sinh nhật lần thứ 95 của cựu Tổng thống Nelson Mandela, cũng là ngày kỷ niệm 15 năm ngày cưới của Nelson Mandela và Graca Machel. Trong giờ phút trọng đại và đầy ý nghĩa ấy, bà Graca Machel luôn bên chồng. Bà Graca Machel nâng đỡ và làm điểm tựa cho ông Nelson Mandela ngồi dậy. Họ cùng xem truyền hình, nghe đài về những hoạt động kỷ niệm sinh nhật lần thứ 95 của ông Nelson Mandela. Họ nắm tay nhau, nở nụ cười rất hiền hòa, tràn ngập hạnh phúc, yêu thương.