Sử dụng rượu bia khi tham gia giao thông:

Nhức nhối vi phạm

ANTĐ - Lạm dụng rượu bia là nguy cơ hàng đầu ảnh hưởng đến sức khỏe. Đồng thời sử dụng rượu bia khi tham gia giao thông đã trở thành một thói quen xấu khó bỏ của một bộ phận không nhỏ người dân.

Cần xử lý nghiêm khắc hành vi sử dụng rượu bia khi tham gia giao thông


Chế tài còn nhẹ

Việt Nam đã có nhiều quy định cũng như các chế tài xử phạt người điều khiển phương tiện cơ giới đường bộ uống rượu bia khi tham gia giao thông. Tuy nhiên, theo nhận định của hầu hết các chuyên gia trong lĩnh vực này, việc xử phạt còn quá nhẹ, dẫn đến hiện tượng nhờn luật.

Đại tá Nguyễn Anh Tuấn, Phó Cục trưởng Cục CSGT đường bộ - đường sắt cho biết, năm 2010, lực lượng CSGT toàn quốc đã xử lý gần 30.000 trường hợp lái xe vi phạm nồng độ cồn. Tuy nhiên, số vụ vi phạm không giảm đi, mà có xu hướng tăng, 6 tháng đầu năm 2011 đã xử lý gần 25.000 trường hợp vi phạm. Riêng tháng ATGT năm nay, đã xử lý hơn 12.000 trường hợp. Đại tá Nguyễn Anh Tuấn nhận định: “Một số lái xe dù biết được tác hại của rượu bia khi điều khiển phương tiện, biết được chế tài xử phạt nhưng vẫn cố tình vi phạm”. Qua các năm, chế tài xử lý đã được nâng lên đáng kể so với các quy định xử phạt trước đây, song, so với yêu cầu thực tiễn thì mức phạt vẫn chưa đủ mạnh, vẫn chỉ dừng lại ở phạt hành chính, nên chưa có tính răn đe, giáo dục cao. Đồng tình với quan điểm này, ông Đặng Thanh Sơn, Giám đốc Trung tâm Lý lịch tư pháp Quốc gia - Bộ Tư pháp cho rằng, cần phải có chế tài xử phạt mạnh mẽ hơn “Làm sao để các lái xe, khi họ nghĩ đến hậu quả của việc uống rượu bia khi tham gia giao thông là thấy sợ, phải từ bỏ thói quen của mình”, ông Sơn nói.

Theo Đại tá Nguyễn Anh Tuấn, hiện các nước trên thế giới đã có quy định về nồng độ cồn trong máu và pháp luật cũng xử lý rất nghiêm khắc với hành vi vi phạm này. Đơn cử như tại Thái Lan, Singapore hoặc một số bang của nước Mỹ cho rằng, việc vi phạm quy định về nồng độ cồn được coi là hành vi nguy hiểm cho xã hội, có thể xâm hại trực tiếp đến tính mạng và tài sản hợp pháp của công dân. Do vậy, mức xử phạt rất nặng; người vi phạm còn có thể bị phạt tù có thời hạn và tước quyền lái xe vĩnh viễn.

Rượu bia phát triển, tai nạn nhiều

Ông Nguyễn Văn Tiên, Phó chủ nhiệm Ủy ban Các vấn đề xã hội của Quốc hội cho rằng, văn hóa rượu bia tại Việt Nam đã bị biến thái và bị lạm dụng. Ông Tiên cho biết, sản xuất rượu bia ở Việt Nam ngày càng phát triển mạnh, ước tính tăng 15%/ năm. Hiện, cả nước có đến 500 cơ sở sản xuất bia, với sản lượng 2,5 tỷ lít. Dự kiến, con số này sẽ tăng lên 4 tỷ lít vào năm 2015. Năm 2006, bình quân mỗi người dân Việt Nam sử dụng khoảng 18 lít bia, thì năm 2010 đã tăng lên 29l/người. Tại các nước Nam Á, rượu đứng thứ 3 trong 5 nguy cơ hàng đầu với sức khỏe. Còn khu vực các nước như Việt Nam, Lào, Campuchia…, rượu được coi là nguy cơ hàng đầu.

Tuy nhiên, hiện ở Việt Nam theo ông Tiên, lại chưa có một nghiên cứu, đánh giá được mất, do rượu bia gây ra, nên định hướng tại các văn bản, quy định pháp luật cũng chưa được cụ thể rõ ràng. Trong khi đó, quyết tâm chính trị chưa cao, nên đã phần nào làm giảm hiệu quả kiểm soát. Việc quảng cáo rượu bia vẫn tràn lan, đặc biệt đối với các loại rượu mạnh, trên 35 độ.

Do vậy, ông Tiên cho rằng, chính sách rượu bia ở Việt Nam trong thời gian tới cần phải được siết chặt như tăng thuế, cấm quảng cáo, cấm bán rượu cho trẻ em… Còn dưới góc độ luật pháp, ông Sơn kiến nghị, tiếp tục hoàn thiện quy định, chế tài trách nhiệm hình sự đối với hành vi sử dụng rượu bia theo hướng nghiêm khắc, chặt chẽ xuất phát từ mức độ nguy hiểm của hành vi như xử lý tù giam mà hạn chế áp dụng án treo, tước bằng lái xe vĩnh viễn…