Nhìn lại TTVN sau Olympic London: Kết quả phản ánh đúng thực lực

ANTĐ - Mục tiêu có huy chương Olympic đã không thể hoàn thành, tuy nhiên theo Tổng cục trưởng Tổng cục TDTT Vương Bích Thắng, sẽ là bất công nếu nói đoàn thể thao Việt Nam đã thi đấu thất vọng.

Sự chuyên nghiệp lẫn yếu tố tâm lý của VĐV Việt Nam vẫn còn hạn chế

- PV: Ông đánh giá như thế nào về kết quả của đoàn Việt Nam tại Olympic này?

- Ông Vương Bích Thắng: Có 2 luồng dư luận trái ngược. Người cho rằng đoàn Việt Nam có một kỳ Olympic thành công với số lượng VĐV giành vé chính thức đông kỷ lục. Người lại cho rằng đoàn đã không thành công, khi có trong tay nhiều VĐV đủ khả năng nhưng lại không thể giành huy chương. Theo tôi, các VĐV của ta đã thi đấu rất nỗ lực, nhiều VĐV vượt qua thành tích bản thân, phá kỷ lục quốc gia. Những Xuân Vinh, Thanh Phúc, Ánh Viên, Tiến Nhật… đã có một kỳ Olympic rất thành công. Có điều phải thừa nhận rằng, với các VĐV Việt Nam, từ việc giành vé dự đến giành huy chương còn khoảng cách quá xa. 

- Theo ông nguyên nhân nào dẫn đến kết quả chưa như ý đó?

- Có rất nhiều nguyên nhân. Cụ thể như trường hợp của Quốc Toàn, đôi khi chỉ một sơ suất nhỏ sẽ tạo kết quả đáng tiếc, trường hợp của Xuân Vinh cũng vậy. Thẳng thắn mà nói, sự chuyên nghiệp lẫn yếu tố tâm lý của VĐV Việt Nam khi dự các giải lớn dù đã tiến bộ nhiều song vẫn còn hạn chế. Theo tôi cái này xuất phát từ nhiều yếu tố. Thứ nhất chúng ta chưa có nhiều tài năng thể thao đích thực kiểu như Hoàng Anh Tuấn (HCB Olympic 2008). Có một thực tế là khoảng 10 năm trở lại đây, vì nhiều lý do mà không nhiều người mặn mà theo nghiệp thể thao. Thứ hai, điều kiện kinh tế còn khó khăn, VĐV, HLV chưa được tạo điều kiện tốt nhất để phát triển. Cái này trách nhiệm thuộc về chúng tôi. 

- Nhiều ý kiến cho rằng, ngành thể thao có phần tắc trách khi để nhiều VĐV không có sự chuẩn bị tốt nhất cho Olympic?

- Thời gian qua có nhiều ý kiến cho rằng ngành thể thao “bỏ rơi” một số VĐV dự Olympic. Tôi nghĩ cần phải có sự hiểu đúng và cảm thông với cái khó của ngành. Hà Thanh 4 tháng không có HLV là vì 2 chuyên gia gặp trường hợp bất khả kháng (1 người bị tai nạn, 1 người có mẹ ốm nặng). Để tìm người thay thế không hề đơn giản. Hay như Nguyễn Thị Lụa bị chấn thương nên không thể đi tập huấn chứ không phải ngành không đầu tư. Trước Olympic, ngành xác định và đầu tư trọng điểm cho Quốc Toàn (cử tạ) và Xuân Vinh (bắn súng) nhưng cả 2 không thể giành huy chương, chúng tôi cũng buồn lắm chứ. 

- Có vẻ như  mục tiêu giành HCV Olympic 2016 mà ngành thể thao đặt ra sẽ khó hoàn thành?

- Không hoàn thành mục tiêu có huy chương nhưng Olympic 2012 cho thể thao Việt Nam nhiều kinh nghiệm, bài học. Ngoài ra, việc có tới 18 VĐV ở 11 bộ môn cho thấy nhiều VĐV Việt Nam đạt trình độ châu lục, 1 vài người tiệm cận mức huy chương thế giới. Mục tiêu HCV Olympic 2016 theo tôi là rất khó nhưng không có nghĩa là không thể. Vấn đề là chúng ta còn phải làm rất nhiều việc để biến điều đó thành hiện thực.

- Ông có thể nói cụ thể hơn?

- Các nước có nền thể thao phát triển, đôi khi họ chỉ cần chuẩn bị Olympic vài ba tháng là được, còn chúng ta do đẳng cấp còn quá thua kém nên sẽ phải chuẩn bị sớm hơn. Dự tính sau khi đoàn Việt Nam trở về vào sáng 14-8, ngành thể thao sẽ họp rút kinh nghiệm và phác thảo kế hoạch cho kỳ Olympic 2016. Những VĐV có khả năng giành huy chương sẽ được đầu tư mạnh ngay từ bây giờ. Bên cạnh việc phát triển các môn đạt trình độ châu lục, ngành sẽ chọn ra vài VĐV thuộc các nội dung thế mạnh, có khả năng giành huy chương để đầu tư trọng điểm. Hạng tư Olympic Trần Lê Quốc Toàn là một trong số đó.

- Xin cảm ơn ông!