Nhìn lại sự kiện J-8II Trung Quốc bị EP-3 Mỹ "hạ gục" trên bầu trời đảo Hải Nam

ANTD.VN - Sự kiện ngày 1/4/2001 diễn ra trên bầu trời đảo Hải Nam, khi máy bay trinh sát EP-3 của Mỹ va chạm với tiêm kích J-8II của Trung Quốc đã gây nên một cuộc khủng hoảng ngoại giao cực kỳ trầm trọng.

EP-3 ARIES II (Airborne Reconnaissance Integrated Electronic System) là loại máy bay trinh sát điện tử của Hải quân Mỹ, được chuyển đối từ phiên bản chống ngầm P-3C Orion. Đặc điểm phân biệt EP-3 ARIES II với P-3C Orion là máy bay không có cái đuôi dài chứa từ kế và có thêm một đĩa radar tròn dưới bụng.

Chiếc EP-3 được điều khiển bởi phi hành đoàn 22 người, nó có chiều dài 35,57 m; sải cánh 30,36 m; chiều cao 10,27 m; trọng lượng rỗng 35.000 kg, trọng lượng cất cánh tối đa 64.400 kg; máy bay được trang bị 4 động cơ cánh quạt Allison T56-A-14 công suất 4.600 shp (3.450 kW) mỗi chiếc cho tốc độ tối đa 780 km/h, tầm hoạt động 4.400 km, trần bay 9.150m

EP-3 có thể hút rất nhạy và phân loại chính xác các tín hiệu điện tử từ bất kỳ thiết bị nào của đối phương. Trung Quốc tỏ ra rất lo ngại và không thể chấp nhận việc máy bay EP-3 của Hải quân và RC-135 của Không quân Mỹ thường xuyên hoạt động sát bờ biển nước mình vì rất có thể những điểm yếu chết người trong hệ thống phòng không của Trung Quốc sẽ bị lộ diện.

Máy bay trinh sát EP-3 ARIES II của Hải quân Mỹ

Máy bay trinh sát EP-3 ARIES II của Hải quân Mỹ

Trong khi đó Shenyang J-8II là loại tiêm kích đánh chặn một chỗ ngồi khá linh hoạt do Trung Quốc tự nghiên cứu chế tạo trên cơ sở chiếc J-8I (một phiên bản mở rộng của J-7).

Trước việc người tiền nhiệm J-8I sau khi đi vào phục vụ tỏ ra không đáp ứng được các kỳ vọng thiết kế, Trung Quốc đã cải tiến bằng cách lai ghép nó với Su-15 Flagon để cho ra đời J-8II. Đây là phiên bản thành công hơn khi có khoảng 390 chiếc đã được sản xuất. Máy bay có khả năng mang theo 4.500 kg vũ khí, gồm tên lửa không đối không, bom, rocket không điều khiển.

Thông số cơ bản của J-8II: Phi hành đoàn 1 người, chiều dài 21,52 m; sải cánh 9,34 m; chiều cao 5.41 m; trọng lượng rỗng 9.820 kg, trọng lượng cất cánh tối đa 17.800 kg; máy bay được trang bị 2 động cơ phản lực WP-13A-II công suất 65,9 KN mỗi chiếc cho tốc độ tối đa Mach 2,2, tầm hoạt động 4.000 km, trần bay 20.500m.

Tiêm kích J-8II của Không quân Trung Quốc

Tiêm kích J-8II của Không quân Trung Quốc

Vào lúc 9h15 ngày 1/4/2001, chiếc EP-3 của Hải quân Mỹ đang trên đường trở về căn cứ trên đảo Okinawa (Nhật Bản) sau khi kết thúc 6 giờ hoạt động trên không thì bị 2 chiếc J-8II của Không quân Trung Quốc chặn đường.

Một vụ va chạm đã xảy ra, phần đầu chiếc EP-3 đâm vào đuôi chiếc J-8II khiến mũi máy bay bị thủng, một cánh quạt rơi ra và 2 trong số 4 động cơ hỏng nặng khiến cho chiếc EP-3 phải hạ cánh khẩn cấp xuống sân bay quân sự Linh Thuỷ, trên đảo Hải Nam. Trong khi đó chiếc J-8II của Trung Quốc đã bị rơi khiến phi công điều khiển là Vương Vĩ thiệt mạng.

Theo người đứng đầu hạm đội Mỹ ở Thái Bình Dương, Đô đốc Dennis Blair, đây là một tai nạn do máy bay chiến đấu Trung Quốc tìm cách chặn chiếc EP-3 của Mỹ. Các thành viên phi hành đoàn EP-3 cũng phụ họa thêm rằng 2 máy bay J-8II đã “thực hiện nhiều thao tác nguy hiểm.

Còn theo Triệu Vũ, phi công lái chiếc J-8II thứ hai, thì lúc đó 2 máy bay chiến đấu của Trung Quốc đang bay ở phía bên trong Hải Nam, còn chiếc EP-3 của Mỹ thì lượn lờ phía bên ngoài. Khoảng hai phút sau, chiếc EP-3 đột nhiên nghiêng một góc rộng về phía những chiếc máy bay của Trung Quốc, rồi đâm vào máy bay của Vương Vĩ.

“Tôi thấy mũi và cánh trái máy bay Mỹ đâm vào máy bay của Vương Vĩ, cánh quạt trái bên ngoài của cánh trái máy bay Mỹ đâm vào bề mặt đứng của đuôi máy bay Vương Vĩ. Người Mỹ phải chịu trách nhiệm về việc máy bay Trung Quốc rơi và sự hy sinh của Vương Vĩ", phi công Triệu Vũ nhấn mạnh.

Phía Trung Quốc cũng đưa ra một loạt ảnh mô phỏng máy tính vụ va chạm máy bay ngày 1/4/2001 cho thấy máy bay J-8II đang bay bình thường, chiếc EP-3 tiếp cận phía sau, đột nhiên chao nghiêng, cánh quạt ở đầu chiếc EP-3 và phá hủy đuôi chiếc J-8II.

Hình ảnh minh họa vụ tai nạn do phía Trung Quốc đưa ra

Hình ảnh minh họa vụ tai nạn do phía Trung Quốc đưa ra

Tuy nhiên theo Strategypage, J-8II của Trung Quốc là một loại máy bay rất khó kiểm soát và Trung Quốc đã đặt mình vào một vị trí đáng “xấu hổ” với cộng đồng hàng không quốc tế khi cáo buộc EP-3 gây tai nạn.

Phi công EP-3 không những bình tĩnh không nhảy ra mà còn xác định được nhiệm vụ chính của EP-3 là bay theo một đường bay chính xác để có những tín hiệu tốt nhất đảm bảo máy bay hoạt động trong không phận hàng không quốc tế.

Về phần chiếc EP-3, trong khoảng 26 phút tính từ thời điểm “hôn” đuôi chiếc J-8II tới lúc nó phải chật vật hạ cánh khẩn cấp xuống Hải Nam, phi hành đoàn người Mỹ đã cố gắng hết mức để phá huỷ các phần mềm cũng như các thiết bị nhạy cảm trên chiếc máy bay công nghệ cao này.

Tiếp đó, Washington khẳng định chiếc EP-3 là “lãnh thổ có chủ quyền” của mình, yêu cầu Bắc Kinh phải trả người cùng máy bay của họ ngay lập tức và không được lục lọi gì thêm (ảnh chụp vệ tinh của Mỹ cho thấy Trung Quốc đã khám xét chiếc máy bay).

Nhưng người phát ngôn Bộ Ngoại giao Trung Quốc - Chu Bang Tạo, lại tuyên bố rằng căn cứ theo luật pháp Trung Quốc và thực tiễn quốc tế, phía Trung Quốc có quyền tiến hành điều tra và nếu chiếc máy bay này là lãnh thổ có chủ quyền của Mỹ, sao nó lại hạ cánh trên đất Trung Quốc?

Chiếc EP-3 của Mỹ sau khi hạ cánh khẩn cấp xuống đảo Hải Nam

Chiếc EP-3 của Mỹ sau khi hạ cánh khẩn cấp xuống đảo Hải Nam

Cuối cùng, những căng thẳng trong quan hệ giữa Mỹ và Trung Quốc xung quanh vụ va chạm máy bay trên bầu trời đảo Hải Nam cũng dần lắng dịu.

Với phương châm đặt quan hệ song phương lên ưu tiên cao nhất, trong khi giải quyết tranh chấp, thông qua con đường ngoại giao, Bắc Kinh và Washington đã tìm ra giải pháp phù hợp giải quyết sự kiện 1/4.

Chiều 11/4, phía Trung Quốc đồng ý trao trả 24 thành viên trên chiếc EP-3, 6h00 sáng 12/4, họ rời Trung Quốc về nước. Sau đó, ngày 3/7, các phần “chia nhỏ” của EP-3 được mang ra khỏi lãnh thổ Trung Quốc đưa về Mỹ trên chiếc máy bay vận tải khổng lồ An-124 của Nga.