Nhìn lại chính sách “ngoại giao bóng bàn” 50 năm trước

0:00 / 0:00
0:00
  • Nam miền Bắc
  • Nữ miền Bắc
  • Nữ miền Nam
  • Nam miền Nam
ANTD.VN - Cách đây 50 năm, đội tuyển bóng bàn Mỹ đã đặt chân đến Trung Quốc (10-4-1971) và trở thành những người Mỹ đầu tiên đến Bắc Kinh kể từ năm 1949. Năm nay, Trung Quốc đã rầm rộ kỷ niệm sự kiện đánh dấu chính sách “ngoại giao bóng bàn” này trong bối cảnh quan hệ Mỹ - Trung tiếp tục leo thang căng thẳng.

Ngay sau Giải vô địch bóng bàn quốc tế tại Nhật Bản kết thúc vào tháng 3-1971, thế giới đã đổ dồn ánh mắt vào đội tuyển bóng bàn Mỹ, nhưng không hẳn là vì sức mạnh của họ trong môn thể thao này. Đó là bởi đội Mỹ đã nhận được lời mời tham gia chuyến du đấu kéo dài 8 ngày tới Trung Quốc. Chuyến thi đấu kết hợp giao lưu, tham quan đó đóng một vai trò quan trọng giúp 2 bên xích lại gần nhau, mở đường cho chuyến thăm của Tổng thống Mỹ Nixon vào năm sau, để rồi 2 bên đồng ý hướng tới bình thường hóa quan hệ.

Các vận động viên Mỹ và Trung Quốc giao lưu trên tinh thần “ngoại giao bóng bàn” trước và sau 50 năm

Các vận động viên Mỹ và Trung Quốc giao lưu trên tinh thần “ngoại giao bóng bàn” trước và sau 50 năm

Những chuyến thăm “phá băng”

Chuyến thăm năm 1971 đã chứng kiến 9 vận động viên Mỹ đến Trung Quốc đại lục. Judy Bochenski sống ở Eugene (bang Oregon) là thành viên của đội tuyển bóng bàn Mỹ năm 1971 lúc đó mới 15 tuổi. Cho đến bây giờ, bà Bochenski vẫn lưu giữ nhiều kỷ niệm từ sự kiện mùa xuân ấy. Cựu vận động viên này cho biết, phần lớn người Trung Quốc khi ấy không có nhiều tài sản. Hầu như không ai có tivi hoặc điện thoại, nghĩa là họ không có cách nào để lấy thông tin từ thế giới bên ngoài.

Trên thực tế, thế giới lúc đó cũng không hình dung rõ ràng về Trung Quốc. Thế nên, các vận động viên Mỹ trong chuyến đi đã trở thành đôi mắt quan sát để phần còn lại của thế giới có được cái nhìn về Trung Quốc. Khi cả đội trở lại Mỹ, họ đã được các phương tiện truyền thông săn đón ngay từ khi bước xuống máy bay. Từ San Francisco, Judy Bochenski được mời đi trò chuyện ở New York và nhiều nơi mà bà chưa từng đến. Chuyến du lịch nước Mỹ của bà thậm chí còn dài hơn khoảng thời gian đội Trung Quốc đến thăm nước Mỹ vào năm 1972 để đáp lại lời mời từ Washington. Đỉnh điểm, đội tuyển bóng bàn Mỹ được mời đến Nhà Trắng để gặp Tổng thống Nixon, người đặc biệt quan tâm đến quan hệ với Trung Quốc.

Trong một đoạn băng ghi âm giữa Tổng thống Nixon và Ngoại trưởng Henry Kissinger vào ngày 13-4-1971, ông chủ Nhà Trắng nói: “Tôi muốn giải quyết mọi việc với Trung Quốc vì những lý do tầm xa, những lý do rất, rất quan trọng. Điều đó đưa chúng ta đến điều hiện tại: Bóng bàn”. Ông Nixon hy vọng các chuyến giao hữu bóng bàn sẽ mở ra các đường dây liên lạc giữa 2 nước.

Vào thời điểm đó, Mỹ không có Đại sứ quán ở Trung Quốc nên việc liên lạc giữa 2 bên không có hoặc rất ít. Mặt khác, Tổng thống Mỹ cho rằng Trung Quốc rất “khó đoán”, trong khi Liên Xô thì dễ đoán hơn. Thế nên, nước Mỹ sẵn sàng phản hồi khi người Trung Quốc ra tín hiệu mong muốn làm “tan băng” quan hệ giữa 2 nước. Kết quả, Trung Quốc và Hoa Kỳ thiết lập quan hệ ngoại giao chính thức vào năm 1979.

Điểm “thắt nút” trong quan hệ Trung - Mỹ

Trong khi đó, Bochenski vẫn tiếp tục chơi bóng bàn và điều hành một cửa hàng ở Oregon có tên là Paddle Palace. Năm 1997, bà trở lại Trung Quốc để kỷ niệm 25 năm ngày nhóm vận động viên Trung Quốc đầu tiên đến thăm nước Mỹ. Với bà, mọi thứ ở Trung Quốc đã thay đổi nhanh chóng và bất ngờ. “25 năm sau, họ đã có mọi thông tin đến từ thế giới bên ngoài. Chúng tôi ở khách sạn có tivi, có thể xem bóng bàn trên truyền hình. Mọi người đi đâu cũng nói chuyện trên điện thoại di động. Điều đó làm tôi kinh ngạc vì năm 1997 người Mỹ chưa phổ biến điện thoại di động thì ở Trung Quốc họ đã chuyển từ không có điện thoại sang loại điện thoại mới này”.

Ngay cả khán giả cũng cư xử khác, thay vì đồng loạt im lặng và vỗ tay thì đến năm 1997, họ đều mặc quần áo sặc sỡ, có tinh thần tự do, cởi mở hơn. Năm nay, bà Bochenski muốn quay trở lại Trung Quốc để kỷ niệm 50 năm sự kiện, nhưng đại dịch Covid-19 đã khiến mọi việc không thể diễn ra.

Cũng vào thời điểm này, Bắc Kinh dự kiến tổ chức Thế vận hội Mùa đông vào năm 2022, trở thành thành phố đầu tiên trên thế giới là chủ nhà của cả Thế vận hội Mùa đông và Thế vận hội Mùa hè (2008). Tuy nhiên, có rất nhiều chính trị gia Mỹ đang kêu gọi tẩy chay vì nhiều lý do căng thẳng trong quan hệ song phương.

“Tôi cảm thấy chúng ta thực sự cần có sự giao lưu. Thế vận hội chỉ diễn ra 4 năm/lần, và các vận động viên thực sự làm việc chăm chỉ cho điều đó. Nếu tẩy chay thì không công bằng với các vận động viên. Việc giao lưu thể thao cũng thực sự quan trọng, để cố gắng hiểu nhau ở mức độ cá nhân, ở cấp độ thể thao ngoài chính trị. Chúng ta cần tìm ra điểm chung trước khi có thể giải quyết những vấn đề lớn trên thế giới” - bà Bochenski bày tỏ quan điểm.

50 năm trước, quả bóng bàn nhỏ đã giúp thay đổi quả bóng lớn Trái đất. Sự kiện này vượt ra ngoài một cuộc giao lưu thể thao và giúp khôi phục quan hệ Mỹ - Trung. Hai bên nên kế thừa và phát huy tinh thần ngoại giao bóng bàn, đó là tôn trọng lẫn nhau và tìm kiếm điểm chung trong khi bảo lưu những khác biệt.

Cui Tiankai - Đại sứ Trung Quốc tại Washington