Nguy cơ đụng độ từ sự phô trương sức mạnh quân sự ở Biển Đông

0:00 / 0:00
0:00
  • Nam miền Bắc
  • Nữ miền Bắc
  • Nữ miền Nam
  • Nam miền Nam
ANTD.VN - Việc Trung Quốc liên tiếp có những hành động phô trương sức mạnh như đưa cả 2 biên đội tác chiến tàu sân bay vào Biển Đông đã không chỉ gây thêm căng thẳng, cản trở tự do hàng hải, hàng không mà còn tiềm ẩn nguy cơ xảy ra va chạm, đụng độ quân sự trên vùng biển huyết mạch kinh tế quan trọng này.
Sự hiện diện của biên đội tác chiến tàu sân bay Liêu Ninh ở Biển Đông luôn khiến các nước phải cảnh giác, đề phòng

Sự hiện diện của biên đội tác chiến tàu sân bay Liêu Ninh ở Biển Đông luôn khiến các nước phải cảnh giác, đề phòng

Sự hiện diện đáng ngờ

Những hình ảnh do các vệ tinh của Mỹ và châu Âu chụp mới đây cho thấy, Trung Quốc đang triển khai 2 biên đội tác chiến tàu sân bay ở Biển Đông. Đây được xem là điều khá bất thường bởi hiếm khi Trung Quốc cùng lúc để cả 2 tàu sân bay Liêu Ninh và Sơn Đông hoạt động tại vùng biển này.

Sau khi tờ Thời báo Hoàn cầu (ấn phẩm của Nhân dân nhật báo) ngầm xác nhận biên đội tác chiến tàu sân bay Liêu Ninh tiến vào Biển Đông, những hình ảnh được chụp bởi vệ tinh Sentinel của Cơ quan Vũ trụ châu Âu ngày 11-4 cũng cho thấy, sau khi tập trận ở gần đảo Đài Loan, tàu Liêu Ninh cùng các tàu hộ tống đã di chuyển về phía Tây Nam, vượt qua quần đảo Đông Sa (hiện do Đài Loan kiểm soát) và đi vào Biển Đông, hướng về đảo Hải Nam. Trong khi đó, vệ tinh của Công ty Planet (Mỹ) đã chụp được tàu sân bay Sơn Đông tại căn cứ hải quân Du Lâm ở đảo Hải Nam.

Việc cả 2 biên đội tác chiến tàu sân bay của Trung Quốc hiện nay cùng đang ở Biển Đông đã thu hút sự chú ý và quan tâm sâu sắc. Cho dù có những đánh giá khác nhau về sức mạnh, song năng lực tác chiến của 2 biên đội tàu sân bay này vượt trội so với lực lượng hải quân các quốc gia ở khu vực Biển Đông. Liêu Ninh là tàu sân bay đầu tiên của Trung Quốc, được nâng cấp và hiện đại hóa từ tàu Varyag trong biên chế của Hải quân Liên Xô trước đây (thuộc sở hữu của Ukraine sau khi Liên Xô tan rã), đã được đưa vào trực chiến từ tháng 11-2016.

Tàu Liêu Ninh tương đương như tàu sân bay Đô đốc Kuznetsov (tàu sân bay duy nhất hiện nay của Hải quân Nga) với chiều dài hơn 304 m, rộng 73 m, được trang bị 24 máy bay chiến đấu J-15 thuộc thế hệ máy bay chiến đấu 4,5 mà Trung Quốc phát triển dựa trên nguyên mẫu Su-33 của Nga. Trong khi đó, Sơn Đông là tàu sân bay thứ hai của Trung Quốc, hoàn toàn do nước này phát triển trên nguyên mẫu tàu sân bay Liêu Ninh, song lớn hơn với lượng giãn nước lên tới 65.000 tấn, dài 315,5m, rộng 75m. Tàu Sơn Đông có thể mang tới 36 máy bay chiến đấu J-15, nhiều gấp rưỡi so với tàu Liêu Ninh, cùng nhiều trang thiết bị vũ khí hiện đại hơn.

Trung Quốc không công bố chính thức, song giới quân sự cho rằng mỗi tàu sân bay Trung Quốc còn được hộ tống bởi đội ngũ tàu chiến hùng hậu gồm: 2 tàu khu trục Type 052D (thuộc lớp Lữ Dương 3) là tàu khu trục có hệ thống phòng thủ tên lửa tương tự kiểu Aegis của Mỹ; 2 tàu hộ tống Type 054, là tàu hộ vệ tên lửa hạng nặng (lớp Giang Khải 2); 1 tàu hậu cần Type-901 có lượng giãn nước tới 55.000 tấn.

Tàu sân bay USS Theodore Roosevelt (phải) và tàu khu trục USS Mustin đang cùng hiện diện ở Biển Đông với 2 tàu sân bay Liêu Ninh và Sơn Đông của Trung Quốc

Tàu sân bay USS Theodore Roosevelt (phải) và tàu khu trục USS Mustin đang cùng hiện diện ở Biển Đông với 2 tàu sân bay Liêu Ninh và Sơn Đông của Trung Quốc

Lên án toan tính dùng sức mạnh

Với sức mạnh vượt trội so với lực lượng hải quân của các nước quanh Biển Đông, biên đội tác chiến tàu sân bay Trung Quốc mỗi khi triển khai đều khiến các nước ở vùng biển mà Bắc Kinh đòi hỏi chủ quyền phi pháp này quan tâm, cảnh giác. Việc 2 biên đội tác chiến tàu sân bay cùng hiện diện đúng vào giai đoạn vùng biển chiến lược này đang căng thẳng (do hàng trăm tàu dân quân biển của Trung Quốc tập trung trong vùng biển thuộc quần đảo Trường Sa của Việt Nam) là điều bất thường.

Đáng chú ý là tại Biển Đông hiện còn xuất hiện biên đội tác chiến tàu sân bay USS Theodore Roosevelt của Mỹ. Giới chuyên gia cho rằng, năng lực tác chiến của USS Theodore Roosevelt vượt xa cả 2 tàu sân bay Liêu Ninh và Sơn Đông khi có lượng giãn nước tới hơn 117.000 tấn, chở được 90 máy bay gồm máy bay chiến đấu F/A-18, máy bay tuần thám, máy bay chống ngầm, trực thăng vũ trang… Cùng với tàu sân bay USS Theodore Roosevelt, tàu đổ bộ tấn công USS Makin Island của Mỹ cũng đang hiện diện ở đây với khả năng tác chiến chẳng khác gì tàu sân bay khi có thể chở theo tới 20 máy bay chiến đấu tàng hình F-35B cùng nhiều máy bay các loại khác.

Việc các biên đội tác chiến tàu sân bay của Trung Quốc và Mỹ cùng hiện diện ở một vùng biển rộng gần 140.000 km2 ở phía Đông - Đông Bắc quần đảo Hoàng Sa của Việt Nam khiến dư luận cảnh báo, lo ngại về khả năng xảy ra va chạm, thậm chí đụng độ giữa các nhóm tàu vốn có năng lực tác chiến mạnh nhất trên biển. Điều này càng có cơ sở hơn khi cách đây vài ngày, tàu khu trục USS Mustin có hệ thống phòng thủ chống tên lửa đạn đạo của Mỹ đã “chọc thủng” đội hình hộ tống để tiến sát vào tàu sân bay Liêu Ninh của Trung Quốc.

Sự so kè giữa các nhóm tàu hạng nặng của Mỹ và Trung Quốc làm liên tưởng tới các vụ va chạm, đụng độ quân sự giữa 2 cường quốc này. Một trong những vụ nghiêm trọng nhất xảy ra năm 2001 khi một máy bay chiến đấu của Trung Quốc đã va chạm với một máy bay do thám Mỹ trên không phận quốc tế ngoài khơi đảo Hải Nam khiến máy bay Trung Quốc bị rơi, còn máy bay Mỹ phải hạ cánh khẩn cấp xuống sân bay trên đảo Hải Nam.

Trung Quốc kể từ khi chính thức công bố cái gọi là yêu sách “đường lưỡi bò” và thuyết “Tứ Sa” phi pháp đòi chủ quyền đối với khoảng 80% diện tích Biển Đông đã ráo riết tiến hành quân sự hóa hòng dùng sức mạnh để áp đặt chủ quyền đã bị bác bỏ theo luật pháp quốc tế. Biên đội tác chiến tàu sân bay được Trung Quốc xem là con “át chủ bài” trong việc dùng sức mạnh quân sự để hiện thực hóa tham vọng phi pháp về chủ quyền ở Biển Đông. Và điều này luôn tiềm ẩn các nguy cơ va chạm, đụng độ gây căng thẳng tình hình, đe dọa an ninh, hòa bình và ổn định ở chính vùng biển này.

Mọi tranh chấp chủ quyền ở Biển Đông phải được thương lượng và giải quyết bằng biện pháp hòa bình trên cơ sở luật pháp quốc tế, nhất là Công ước Liên hợp Quốc về Luật Biển (UNCLOS) năm 1982. Mọi toan tính, hành động dùng sức mạnh, biện pháp quân sự đều phải bị lên án, chặn đứng bằng sự hợp tác, chung sức đồng lòng của các quốc gia khu vực, cũng như các nước có lợi ích liên quan khác.