Nhiều ưu điểm vượt trội của thiết bị laser Việt Nam

(ANTĐ) - Những năm gần đây, số lượng người có nhu cầu sử dụng các sản phẩm thiết bị laser trong y tế đang tăng lên rất mạnh. Điều đó xuất phát từ tính hiệu quả trong điều trị góp phần giảm đau và giảm thời gian trị liệu đối với một số bệnh khó, phức tạp. Nhu cầu này hiện đang được các nhà khoa học Việt Nam đáp ứng với việc chế tạo thành công thiết bị laser trong phẫu thuật nội soi...

Nhiều ưu điểm vượt trội của thiết bị laser Việt Nam

(ANTĐ) - Những năm gần đây, số lượng người có nhu cầu sử dụng các sản phẩm thiết bị laser trong y tế đang tăng lên rất mạnh. Điều đó xuất phát từ tính hiệu quả trong điều trị góp phần giảm đau và giảm thời gian trị liệu đối với một số bệnh khó, phức tạp. Nhu cầu này hiện đang được các nhà khoa học Việt Nam đáp ứng với việc chế tạo thành công thiết bị laser trong phẫu thuật nội soi...

Laser (sự khuếch đại ánh sáng bằng phát xạ cưỡng bức) được phát minh năm 1960, là một trong những thành tựu lớn nhất của vật lý hiện đại trong thế kỷ XX và hiện nay ứng dụng của nó đã nhanh chóng rộng khắp trong nhiều lĩnh vực. Trong y học, laser được ứng dụng vào 3 lĩnh vực chính là laser trị liệu, laser phẫu thuật và laser cho chuẩn đoán. Đặc biệt, laser dùng trong phẫu thuật có khả năng áp dụng rất rộng lớn ở nhiều chuyên khoa như: thần kinh, da liễu, tiết niệu, tim mạch... cho cả điều trị bệnh lý lẫn phẫu thuật thẩm mỹ.

Trên thế giới hiện nay có 5 loại laser: Laser He-Ne tùy vào công suất từ vài mW đến hàng trăm mW được ứng dụng vào các chuyên khoa khác nhau, là loại thiết bị được ứng dụng sớm nhất ở Việt Nam. Laser CO2: được triển khai rộng rãi từ rất sớm trong lĩnh vực phẫu thuật vô trùng ít chảy máu, phẫu thuật thẩm mỹ. Laser bán dẫn: dùng để châm cứu không tiếp xúc, vô trùng, dần dần thay thế phương pháp châm cứu bằng kim cổ truyền. Laser He-Cd: được ứng dụng để tạo các ảnh Hologramm và chữa các bệnh khó đặc biệt trong da liễu và chống phong. Laser Argon: Khả năng ứng dụng rất đa dạng và đang trong quá trình nghiên cứu.

Mổ nội soi bằng laser ít gây đau đớn cho bệnh nhân
Mổ nội soi bằng laser ít gây đau đớn cho bệnh nhân

Tại Việt Nam, những thiết bị laser đầu tiên được nhập vào từ năm 1987, tuy nhiên tính ứng dụng còn khá khiêm tốn so với sự phát triển của công nghệ laser trên thế giới. Hiện nay, ứng dụng laser trong y học tại Việt Nam đang dần trở thành một liệu pháp chữa bệnh hiệu quả, ít tốn kém và không gây nhiều đau đớn. Tuy nhiên, phần lớn các thiết bị laser hiện đang được sử dụng tại các bệnh viện đều là sản phẩm nhập ngoại, có giá thành đắt và hạn chế khi phụ thuộc vào chuyên gia nước ngoài trong việc bảo hảnh, sửa chữa, do vậy số lượng thiết bị laser tại các bệnh viện còn chưa nhiều. Điều này đã dẫn đến việc điều trị bằng thiết bị laser chưa được phổ cập một cách rộng rãi và chưa đáp ứng được yêu cầu của đông đảo người dân.

Trước nhu cầu này, Trung tâm Công nghệ Laser, Viện Ứng dụng công nghệ (Bộ Khoa học và Công nghệ) đã chế tạo thành công 3 thiết bị laser với chất lượng tương đương với các thiết bị nhập khẩu từ nước ngoài nhưng giá thành lại rẻ hơn 1/3. Bộ 3 thiết bị laser chế tạo thành công bao gồm: Laser CO2 phẫu thuật công suất 45W dùng trong phẫu thuật ngoại khoa, da liễu, phụ khoa, thẩm mỹ… Laser He-Ne trị liệu công suất 50mW ứng dụng rộng rãi ở nhiều chuyên khoa như vât lý trị liệu, phục hồi chức năng… Laser bán dẫn hồng ngoại công suất 4.5W dùng trong phẫu thuật, châm cứu, chống viêm loét, nha khoa...

So với các sản phẩm hiện có trên thị trường, các thiết bị laser “made in Vietnam” được tích hợp nhiều ưu điểm vượt trội. Ngoài việc thiết kế thêm bộ phận nối với camera kỹ thuật số, giúp bác sỹ nhìn rõ vùng mổ và giảm thiểu tác dụng không mong muốn do laser gây ra, những thiết bị này còn được gắn bộ phận hắt tia dùng để truyền và điều chỉnh tiết diện của chùm tia laser đến vùng cần điều trị của bệnh nhân.

Bên cạnh việc chế tạo thành công thiết bị laser trong phẫu thuật nội soi, hiện nay Viện Ứng dụng công nghệ đã và đang nghiên cứu, chế tạo một số thiết bị laser trong y học khác như hệ nguồn nuôi, hệ điều khiển của các thiết bị laser mà trước đây trong nước chưa làm được. Trong thời gian tới, nhóm nghiên cứu sẽ tiếp tục chế tạo các thiết bị y tế công nghệ cao như dao điện dùng trong phẫu thuật nội soi, laser dùng trong tán sỏi nội soi... Việc chế tạo thành công các thiết bị này sẽ tiến tới hoàn toàn thay thế phương pháp mổ mở ở một số bệnh như hiện nay.

Hiện nay, các thiết bị laser trong phẫu thuật nội soi đang được ứng dụng điều trị tại Bệnh viện Da Liễu, Bệnh viện Hữu Nghị, Bệnh viên Trung ương Quân đội 108, các phòng khám tư nhân và một số bệnh viện địa phương khác. Với thành công này, hy vọng thiết bị laser sẽ được ứng dụng rộng rãi hơn để người bệnh có nhiều cơ hội tiếp xúc với sản phẩm chữa bệnh kỹ thuật cao, giá thành rẻ.

Duy Minh