Ngành nghề đầu tư kinh doanh có điều kiện:

Nhiều thủ tục rắc rối khiến doanh nghiệp tốn kém

ANTD.VN - Phòng Thương mại và Công nghiệp Việt Nam (VCCI) vừa công bố kết quả rà soát danh mục ngành nghề đầu tư kinh doanh có điều kiện. Theo đó, VCCI phát hiện có 16 ngành nghề không phù hợp được đưa vào danh mục kinh doanh có điều kiện, 10 ngành nghề cần điều chỉnh phạm vi kiểm soát.

Nhiều thủ tục rắc rối khiến doanh nghiệp tốn kém ảnh 1Quy định điều kiện cơ sở sản xuất mũ bảo hiểm được cho là không phù hợp

Nhiều điều kiện không phù hợp

Ông Đậu Anh Tuấn - Trưởng ban Pháp chế của VCCI cho biết, có những ngành nghề không có tác động nào đáng kể đến lợi ích công cộng nhưng vẫn phải chịu điều kiện kinh doanh. “Chẳng hạn, trong khi 2 ngành nghề gồm: Kinh doanh dịch vụ quản lý, vận hành hệ thống chiếu sáng, cây xanh; Kinh doanh dịch vụ quản lý, vận hành hệ thống cơ sở hạ tầng dùng chung đã được loại bỏ khỏi danh mục kinh doanh có điều kiện, thì ngành nghề kinh doanh quản lý vận hành nhà chung cư vẫn phải có điều kiện. Ngành nghề này không ảnh hưởng gì đến lợi ích công cộng”, ông Đậu Anh Tuấn nói. 

Theo vị chuyên gia này, rất nhiều lĩnh vực khác đang bị đặt thêm điều kiện, mà lẽ ra, các Bộ, ngành có thể quản lý bằng biện pháp khác. Quy định về việc sản xuất mũ bảo hiểm cho người đi mô tô, xe máy là một ví dụ. Nếu việc quản lý được thực hiện ở khía cạnh chất lượng, quy chuẩn kỹ thuật và dán tem kiểm định thì cần thiết, nhưng ngành nghề này còn có các quy định về điều kiện sản xuất.

Luật sư Nguyễn Anh Ngọc - Công ty Investip cũng dẫn chứng, ngành kinh doanh dịch vụ giám định về sở hữu trí tuệ của Bộ Khoa học và Công nghệ (KH-CN) mới chỉ đề cập đến các điều kiện cần có, mà không chỉ ra làm thế nào để cá nhân được cơ quan Nhà nước có thẩm quyền cấp thẻ giám định viên sở hữu trí tuệ? Chưa có một kỳ kiểm tra nghiệp vụ nào về giám định được tổ chức công khai để được cấp thẻ giám định viên. Hậu quả là đến nay, vẫn chỉ có 1 đơn vị độc quyền kinh doanh trong lĩnh vực này là Viện Khoa học sở hữu trí tuệ (Bộ KH-CN). Đây thực sự là rào cản lớn đối với doanh nghiệp.

Quy định vô tội vạ

Theo ông Lê Xuân Hiền - Trưởng phòng Đăng ký Kinh doanh, Sở Kế hoạch và Đầu tư tỉnh Hải Dương cho rằng, Luật Đầu tư quy định chỉ có 243 ngành nghề kinh doanh có điều kiện, nhưng sau cùng vẫn có tới hơn 3.400 điều kiện kinh doanh, cho thấy mỗi ngành nghề đã chịu rất nhiều thủ tục.

Ông Lê Xuân Hiền cảnh báo: “Bộ, ngành địa phương không ban hành điều kiện kinh doanh và ít vi phạm, nhưng họ có thể ban hành các tiêu chuẩn, quy chuẩn kỹ thuật ngành, quy hoạch ngành, rồi giá cả hàng hóa… một cách tùy tiện, vô tội vạ. Những chuyện này đang hành doanh nghiệp làm ăn chân chính. Có doanh nghiệp cho biết, mỗi năm lại phải công bố việc tuân thủ các tiêu chuẩn kỹ thuật, rất tốn kém, thực chất vẫn là kiếm cho được cái giấy đủ điều kiện kinh doanh”.

Luật sư Trương Thanh Đức, Chủ tịch HĐTV Công ty Luật BASICO cho rằng, mặc dù Luật Đầu tư năm 2014 đã được sửa đổi, bổ sung năm 2016 nhưng vẫn còn nhiều bất cập. Điều kiện kinh doanh bớt 10 thì thêm 7.

“Việc giảm từ 267 ngành nghề kinh doanh có điều kiện xuống còn 243 ngành nghề không có nghĩa là sau 2 năm, giảm được 24 ngành, nghề mà phần lớn là do sắp xếp lại, thay đổi từ ngữ và sáp nhập một số ngành nghề vào nhau. Ví dụ ngành nghề kinh doanh vàng được gộp lại từ 4 ngành nghề kinh doanh khác trong cùng lĩnh vực” - ông Trương Thành Đức nói. Theo vị luật sư này, với những thủ tục phức tạp, phiền hà, rắc rối như trên, doanh nghiệp vẫn rất tốn kém.