“Nhiều người trên 70 tuổi cũng mua sắm online”

0:00 / 0:00
0:00
  • Nam miền Bắc
  • Nữ miền Bắc
  • Nữ miền Nam
  • Nam miền Nam
ANTD.VN -  Bà Đặng Thúy Hà- Giám đốc nghiên cứu hành vi khách hàng, đại diện khu vực phía Bắc tại NielsenIQ Việt Nam cho biết, mua sắm trực tuyến (online) đang ngày càng phổ biến tại Việt Nam, thậm chí cả những người trên 70 tuổi cũng đã mua sắm online.
Các ngành hàng người mua sắm trực tuyến quan tâm

Các ngành hàng người mua sắm trực tuyến quan tâm

Chia sẻ nghiên cứu về hành vi tiêu dùng tại diễn đàn “Tiếp thị trực tuyến” 2023 diễn ra ngày 30-11, bà Đặng Thúy Hà cho biết, trên thế giới cũng như tại Việt Nam, mua sắm online có rất nhiều triển vọng. Năm 2023, thế giới có thể đạt doanh thu 100 tỷ USD từ thương mại điện tử.

Trong khi đó tại Việt Nam, con số được dự báo là 20,5 tỷ USD, tăng khoảng 25% so với năm ngoái và so với thời điểm năm 2018 đạt 8,06 tỷ USD, doanh thu thương mại điện tử hiện đã tăng gấp khoảng 2,5 lần.

Nghiên cứu của NielsenIQ cho thấy, 60,7% người dùng Internet tại Việt Nam mua sản phẩm trực tuyến hàng tuần. Các nhóm hàng được quan tâm nhiều là: chăm sóc cá nhân, hàng tiêu dùng nhanh, hàng thời trang, chăm sóc nhà cửa, công nghệ…

“Hiện tại mọi thứ đều có thể mua online, từ hàng tiêu dùng nhanh đến ô tô, xe máy. Một bộ phận không nhỏ người tiêu dùng có xu hướng thắt chặt túi tiền khi 55% người được hỏi đều lo âu, căng thẳng, dè dặt trong chi tiêu nhưng mua sắm online vẫn tăng. Thậm chí, nhiều người trên 70 tuổi cũng mua sắm online”- bà Đặng Thúy Hà nói.

Theo đại diện NielsenIQ, người tiêu dùng có xu hướng lo lắng về chất lượng sản phẩm, phương thức vận chuyển và hình thức thanh toán khi mua sắm trực tuyến. Đây là những vấn đề doanh nghiệp phải quan tâm để phục vụ người tiêu dùng tốt hơn.

Ông Đỗ Hữu Hưng- Chi hội trưởng Chi hội Tiếp thị và Công nghệ số DTM cũng cho rằng, có 7 yếu tố ảnh hưởng đến việc ra quyết định của khách hàng khi mua sắm online là: đa dạng sự lựa chọn, tính năng phù hợp, thời gian nhận hàng, đánh giá cộng đồng, mức độ khan hiếm, ý kiến chuyên gia và khuyến mãi.

Đặc biệt, với đánh giá của cộng đồng, theo ông Đỗ Hữu Hưng, 71% khách hàng ra quyết định mua hàng từ ảnh hưởng của “lời khuyên”, “tư vấn” “đề xuất” từ bạn bè, chuyên gia.

Theo Báo cáo Chỉ số thương mại điện tử Việt Nam 2023 do Hiệp hội Thương mại điện tử Việt Nam (VECOM) phát hành, 2 dấu ấn quan trọng nhất của thương mại điện tử hiện nay có thể kể đến là: Số người tiêu dùng trực tuyến mới tiếp tục tăng lên cả về số lượng và chất lượng, thể hiện ở việc người tiêu dùng mua nhiều hơn, giá trị mua hàng càng ngày càng cao lên;

Và đông đảo người mua đã trở thành người tiêu dùng thông minh, thành thạo kỹ năng mua sắm trực tuyến hơn.

Hai là thương nhân, đặc biệt là các doanh nghiệp thương mại điện tử đã tích cực chuyển đổi số: Chuyển đổi số để thích nghi với đại dịch cũng như chuẩn bị cho hoạt động kinh doanh trong trạng thái “bình thường mới”.

Tuy nhiên, theo VECOM, song song với tốc độ phát triển nhanh như hiện nay, cần định hướng để thương mại điện tử có thể phát triển một cách bền vững hơn, từ đó mới giúp thúc đẩy lĩnh vực này tăng trường vững chắc, dài hạn trong thời gian tới. Trong đó ba trụ cột quan trọng cần đẩy mạnh là: nguồn nhân lực cho thương mại điện tử, khoảng cách số và thương mại điện tử xanh.