Nhiều mặt hàng trang trí nhà cửa, nội- ngoại thất của Việt Nam bán chạy trên Amazon

0:00 / 0:00
0:00
  • Nam miền Bắc
  • Nữ miền Bắc
  • Nữ miền Nam
  • Nam miền Nam
ANTD.VN -  Các mặt hàng trang trí nhà cửa, nội- ngoại thất của Việt Nam đang bán chạy trên Amazon nhưng bên cạnh đó, nhiều doanh nghiệp vẫn chưa biết bắt đầu từ đâu để kinh doanh trên nền tảng này.
Amazon là kênh phân phối tốt cho hàng Việt

Amazon là kênh phân phối tốt cho hàng Việt

Ngày 7-6, Cục Thương mại Điện tử và Kinh tế số (Bộ Công Thương) phối hợp cùng Amazon Global Selling khai mạc hội nghị Thương mại thương mại điện tử xuyên biên giới (TMĐT XBG) “Tinh hoa châu Á, bứt phá toàn cầu”.

Đây là hội nghị về TMĐT XBG độc lập quy mô lớn đầu tiên tại Việt Nam với sự có mặt của đại diện từ các cơ quan chính phủ, các hiệp hội ngành hàng, 14 nhà cung cấp dịch vụ cùng các đối tác bán hàng thành công trên Amazon đến từ châu Á.

Ông Gijae Seong- Giám đốc Điều hành Amazon Global Selling Việt Nam chia sẻ, giá trị xuất khẩu của các doanh nghiệp bán hàng Việt Nam trên Amazon đã tăng 45% trong năm 2022. Nhiều doanh nghiệp Việt đã sẵn sàng xuất khẩu trực tuyến nhưng chưa biết bắt đầu từ đâu và làm sao để mở rộng quy mô.

Ông Gijae Seong cho biết, đến nay doanh nghiệp Việt Nam đang kinh doanh rất tốt một số nhóm sản phẩm trên Amazon, đó là nhóm các sản phẩm liên quan đến nhà cửa, bếp, trang trí nội ngoại thất, đồ gỗ nội thất; ngoài ra còn có sản phẩm dệt may, các sản phẩm chăm sóc cá nhân, nhóm sản phẩm tiêu dùng.

Bà Lại Việt Anh- Phó Cục trưởng Cục Thương mại điện tử và Kinh tế số Việt Nam (IDEA) cho biết, TMĐT XBG đang là xu hướng bùng nổ tại nhiều quốc gia trên thế giới. Tại Việt Nam, với tốc độ tăng trưởng TMĐT bán lẻ trên 20%/năm, đây là một ngành mới được đánh giá có nhiều tiềm năng và phù hợp với chủ trương phát triển nền kinh tế số của Chính phủ.

IDEA đã và đang đa dạng hóa các chương trình để thúc đẩy quá trình chuyển đổi số, hoàn thiện các chính sách xuất khẩu trực tuyến, tìm hiểu các rào cản mà doanh nghiệp nhỏ và vừa gặp phải, đồng thời cung cấp tài nguyên giáo dục và các chương trình đào tạo để giúp các doanh nghiệp Việt Nam mở rộng kinh doanh quốc tế và đạt được thành công trên quy mô toàn cầu.

Ở góc độ doanh nghiệp, ông Nguyễn Lê Thăng Long- Phó Tổng giám đốc An Phát Holdings cho biết, thông qua Amazon, doanh nghiệp này đã từ một nhà sản xuất truyền thống trở thành một doanh nghiệp phát triển quốc tế năng động. Với khả năng tiếp cận các nguồn tài nguyên có giá trị, các công cụ đổi mới và sự hỗ trợ của đội ngũ bán hàng toàn cầu tại từng địa phương, An Phát Holdings đã có thể giới thiệu sản phẩm xanh mang thương hiệu AnEco của mình một cách hiệu quả, kết nối với khách hàng trên toàn thế giới và phát triển một cách vượt bậc.

Theo nghiên cứu mới nhất của Access Partnership, doanh thu xuất khẩu TMĐT của Việt Nam có thể đạt đến 296,3 nghìn tỷ đồng vào năm 2027 nếu như các doanh nghiệp trong nước được hỗ trợ đầy đủ và đẩy nhanh tốc độ áp dụng TMĐT để xuất khẩu sản phẩm và dịch vụ. Nghiên cứu được thực hiện bằng khảo sát với 300 doanh nghiệp siêu nhỏ, nhỏ và vừa (MSMEs) tại Việt Nam cho thấy, 86% các doanh nghiệp được khảo sát cho rằng họ sẽ không thể thực hiện hoạt động xuất khẩu nếu không có TMĐT.

Bên cạnh đó, các MSMEs địa phương cũng đang hướng tới việc mở rộng thị trường đến các quốc gia khác như: Hoa Kỳ, Nhật Bản và nhiều nước châu Âu trong vòng 5 năm tới.

Tuy nhiên, báo cáo của Access Partnership cũng chỉ ra, dù đã ghi nhận nhiều nỗ lực hỗ trợ, các doanh nghiệp siêu nhỏ, nhỏ và vừa của Việt Nam vẫn đối mặt với một số thách thức khi xuất khẩu thương mại điện tử. Những thách thức này tập trung vào 4 vấn đề chính gồm: kiến thức, năng lực, quy định và chi phí.