Góc khuất trong ngành du lịch chữa bệnh tại Đức:

Nhiều kẻ dối trá và trục lợi

ANTĐ - Các bệnh viện ở Đức đang kiếm được một tỷ euro mỗi năm nhờ khám và điều trị cho bệnh nhân người nước ngoài. Nhưng đằng sau lợi nhuận “khủng” đó là không ít sự dối trá và thất vọng của bệnh nhân khi gặp phải những bác sĩ tham lam. 

Gia đình ông Sarkis Sargsyan tại bệnh viện Klinik rechts der Isar ở Munich (Đức)

Tiền mất, tật mang

Vào một ngày tháng 7-2013, ông Sarkis Sargsyan, 46 tuổi, người Nga, bị bệnh ung thư và phải nằm điều trị tại bệnh viện Klinikum rechts der Isar ở thành phố Munich (Đức). Hai phụ nữ trong bộ áo choàng trắng bật máy xạ trị lên rồi chiếu tia laser vào khối u trong não bệnh nhân. Bác sĩ cho biết, các tế bào ung thư đã di căn tới gan, phổi và não bệnh nhân.  

Mọi chuyện bắt đầu vào tháng 9-2012, khi ông Sargsyan phát hiện thấy máu trong phân của mình. Ông liền tới khám tại một bệnh viện ở Matxcơva và được bác sĩ chỉ định nội soi. “Ông có một khối u trong ruột. Nếu có tiền, ông nên tới Đức, việc điều trị sẽ tốt hơn”, vị bác sĩ nói với vẻ mặt rất nghiêm trọng. Lời khuyên khiến ông Sargsyan hoàn toàn tin tưởng. Ông cùng vợ và em trai tìm kiếm trên mạng internet những địa chỉ khám chữa bệnh cũng như bác sĩ có uy tín ở Đức. Khi gõ cụm từ “điều trị tại Đức” vào công cụ tìm kiếm trên internet, họ nhận được khoảng 3 triệu kết quả, trong đó có các trang web với những lời quảng cáo hoa mỹ như hỗ trợ bệnh nhân về ngôn ngữ, thị thực, đặt vé máy bay và điều quan trọng nhất là sắp xếp lịch hẹn tại các bệnh viện hàng đầu tại Đức. 

Mặc dù không rõ độ tin cậy của các trang web này đến đâu, nhưng ông Sargsyan vẫn chọn một cơ sở khám bệnh có cái tên nghe rất “kêu” là Trung tâm Y tế cải tiến, viết tắt là IMZ GmbH có trụ sở tại Munich. Khi gia đình liên lạc tới cơ sở này, bác sĩ hứa hẹn bệnh ung thư của ông Sargsyan chắc chắn sẽ khỏi. Vài ngày sau, ông Sargsyan cùng vợ và em trai mua vé máy bay tới Munich. Và họ không ngờ rằng đó cũng là khởi đầu cho một giai đoạn tồi tệ nhất trong cuộc đời. 

Ông Sargsyan cho biết, trước khi tới Munich, gia đình ông đã chuyển khoản trước 3.500 euro cho IMZ để đặt cọc tiền điều trị. Bệnh nhân sau đó tiếp tục được chỉ định nội soi lần hai. Bác sĩ chẩn đoán ông Sargsyan có khối u ác tính và tế bào ung thư đã di căn tới gan và phổi. Sau khi thực hiện hóa trị, họ lại chuyển sang phương pháp xạ trị và viện đủ lý do để moi tiền của gia đình ông. Ước tính ban đầu, số tiền gia đình ông trả cho bác sĩ đã lên tới 30.000 euro. Tưởng rằng như thế đã xong, nhưng trên thực tế việc điều trị lại phức tạp và tốn kém hơn nhiều so với dự đoán lúc đầu. Gia đình ông Sargsyan sau đó bỏ dở việc điều trị và trở lại Matxcơva, nhưng chỉ 2 tuần sau, sức khỏe ông Sargsyan đột ngột trở nên suy sụp. Khi tới khám tại bệnh viện ở Matxcơva, bác sĩ nói rằng khối u đã di căn đến não. Gia đình ông sau đó trở lại Đức và may mắn tìm được cơ sở điều trị uy tín là bệnh viện tư Isar Medizin Zentrum ở Munich. 

Tìm cách trục lợi từ người bệnh

Giống như ông Sargsyans, mỗi năm có hàng trăm nghìn người đi du lịch kết hợp chữa bệnh ở nước ngoài. Ngành công nghiệp này giúp các bệnh viện và bác sĩ ở Đức kiếm được khoảng 1 tỷ euro (1,35 tỷ USD) hàng năm. Theo thống kê, trong năm 2011, đã có 82.854 bệnh nhân người nước ngoài được điều trị nội trú tại Đức và khoảng 123.000 người điều trị ngoại trú. 

Ngành y tế Đức nổi tiếng là có nhiều bác sĩ giỏi và công nghệ điều trị tiên tiến, nhưng vẫn có những kẻ tham lam, mờ mắt vì lợi nhuận, và tìm đủ mọi cách trục lợi trên thân thể người bệnh như thúc giục họ thực hiện một số xét nghiệm không cần thiết, độn thêm chi phí vào hóa đơn hay tồi tệ hơn là điều trị qua loa khiến bệnh tình của bệnh nhân thêm trầm trọng rồi trả về… trong khi các bệnh viện nhắm mắt làm ngơ nhằm thu lợi nhuận tối đa.

Hầu hết các công ty môi giới điều trị qua mạng internet đều không đăng ký, phần nhiều trong số đó chỉ có 1 người, 1 điện thoại di động và 1 trang web. Một công ty có tên Baden-Tour quảng cáo trên trang web tiếng Nga của mình là có mối quan hệ với 256 bệnh viện đối tác, nhưng đa số các bệnh viện này đều hoàn toàn phủ nhận mối quan hệ đó. Tất cả các dịch vụ từ chăm sóc y tế cơ bản đến điều trị chuyên sâu đều có thể được đăng ký thông qua những tổ chức trá hình này. Các dịch vụ thường là trọn gói với các lời giới thiệu hoa mỹ nhưng chủ các trang web quảng cáo này không hề nêu chi tiết chi phí điều trị cũng như phí bệnh nhân phải trả là bao nhiêu. Trong khi đó, nhiều bệnh viện ở Đức mới gia nhập thị trường này thường tìm cách “đào mỏ” bệnh nhân bằng cách trở thành đối tác của những trang web môi giới không đáng tin cậy.