Nhiều “cạm bẫy” với trẻ em trên các nền tảng xuyên biên giới

0:00 / 0:00
0:00
  • Nam miền Bắc
  • Nữ miền Bắc
  • Nữ miền Nam
  • Nam miền Nam
ANTD.VN - Việc hai “ông lớn” Microsoft và Amazon liên tiếp bị phạt do vi phạm quyền riêng tư của trẻ em thêm một lần nữa cho thấy nhiều “cạm bẫy” với trẻ em trên các nền tảng xuyên biên giới trong khi thiếu vắng, hạn chế các chế tài đủ mạnh, đủ sức răn đe, nhất là chế tài về pháp luật.

Đua nhau thu thập trái phép thông tin cá nhân trẻ em

Ủy ban Thương mại Liên bang Mỹ (FTC) ngày 5-6 công bố quyết định buộc Tập đoàn phát triển phần mềm Microsoft phải nộp 20 triệu USD để dàn xếp các cáo buộc về thu thập trái phép thông tin cá nhân của trẻ em. Theo FTC, Microsoft bị cáo buộc vi phạm Đạo luật Bảo vệ quyền riêng tư của trẻ em trên không gian mạng (COPPA) do thu thập trái phép thông tin cá nhân của những trẻ em đăng ký tài khoản chơi trò chơi điện tử Xbox.

Bên cạnh những lợi ích, có nhiều dấu hiệu cho thấy nền tảng mạng xã hội xuyên biên giới cũng có nguy cơ gây hại nghiêm trọng đối với trẻ em

Bên cạnh những lợi ích, có nhiều dấu hiệu cho thấy nền tảng mạng xã hội xuyên biên giới cũng có nguy cơ gây hại nghiêm trọng đối với trẻ em

FTC đã yêu cầu “gã khổng lồ” công nghệ Microsoft cải thiện vấn đề bảo vệ quyền riêng tư cho trẻ em sử dụng dịch vụ trò chơi điện tử Xbox. Không những thế, FTC còn sẽ mở rộng phạm vi áp dụng COPPA sang những nhà xuất bản trò chơi điện tử bên thứ ba mà Microsoft chia sẻ dữ liệu.

Ông Samuel Levine, người đứng đầu Cục Bảo vệ người tiêu dùng của FTC, cho biết, quyết định mới của FTC sẽ giúp các phụ huynh bảo vệ quyền riêng tư của con cái trên Xbox và giới hạn thông tin nào Microsoft có thể thu thập. Cũng theo quan chức này, những thông tin như hình đại diện, dữ liệu sinh trắc học và thông tin sức khỏe của trẻ em không được miễn trừ theo COPPA.

Luật pháp Mỹ hiện quy định các trang mạng và dịch vụ trực tuyến hướng tới đối tượng người dùng là trẻ em dưới 13 tuổi phải phải nhận được sự đồng ý có thể kiểm chứng của cha mẹ trước khi thu thập và sử dụng bất kỳ thông tin cá nhân nào từ con em họ. Bên cạnh đó, phải đồng thời thông báo cho phụ huynh những thông tin liên quan tới con em họ mà các dịch vụ trực tuyến này thu thập.

FTC cho biết, từ năm 2015-2020, Microsoft đã lưu giữ dữ liệu, nhiều trường hợp trong nhiều năm, mà hãng đã thu thập từ trẻ em trong quá trình tạo tài khoản, ngay cả khi cha mẹ không hoàn tất quá trình này. Trong khi đó, luật COPPA cấm lưu giữ thông tin cá nhân về trẻ em lâu hơn mức cần thiết hợp lý để hoàn thành mục đích mà thông tin được thu thập. Đây không phải lần đầu tiên FTC quyết định xử phạt một nền tảng mạng xã hội, công ty công nghệ về việc thu thập trái phép thông tin cá nhân của trẻ em. Mới đây nhất, ngày 1-6, Amazon đã đồng ý trả khoản tiền phạt 25 triệu USD cho FTC, cũng như một khoản thanh toán riêng cho các khách hàng sử dụng dịch vụ của Ring.

FTC và Bộ Tư pháp Mỹ cáo buộc, Amazon vi phạm Luật COPPA bằng cách lừa dối phụ huynh và người dùng Alexa về các hoạt động xóa dữ liệu của Amazon để lưu giữ bản ghi của trẻ em vô thời hạn và sử dụng dữ liệu vị trí địa lý và giọng nói nhạy cảm cho các mục đích riêng của mình. Ngoài khoản phạt 25 triệu USD, Amazon còn phải sửa đổi các hoạt động xóa và đưa ra các biện pháp bảo vệ quyền riêng tư nghiêm ngặt cho Alexa, trợ lý giọng nói AI (trí tuệ nhân tạo) của hãng này.

Trước đó, khoản tiền phạt lớn nhất vì vi phạm quyền riêng tư của trẻ em là đối với “ông lớn” mạng xã hội YouTube. Nền tảng mạng xã hội xuyên biên giới này hồi năm 2019 đã bị FTC phạt 170 triệu USD với cáo buộc thu thập và chia sẻ dữ liệu từ trẻ em một cách trái phép trên dịch vụ chia sẻ video YouTube. Đây là khoản tiền phạt lớn nhất từng được ghi nhận trong một vụ việc liên quan tới đạo luật COPPA ban hành năm 1998 và sửa đổi vào năm 2013.

Ngoài việc phải trả khoản tiền phạt kỷ lục, dịch vụ chia sẻ video YouTube còn phải đảm bảo khắc phục tối đa các hậu quả và không được tái phạm trong tương lai. Điều đó cũng đồng nghĩa Google sẽ phải có trách nhiệm thông báo cho người sử dụng về nghĩa vụ của họ và trước khi thu thập thông tin phải có sự đồng ý của phụ huynh, nếu người xem đó là trẻ em dưới 13 tuổi. Dịch vụ chia sẻ này cũng phải ngừng các nội dung quảng cáo nhằm vào những dịch vụ dành cho trẻ em, và xóa bỏ một số tính năng như bình luận hay lưu ý trên kênh.

Hợp tác bảo vệ trẻ em trên không gian mạng

Việc Microsoft, Amazon … hay trước đó là YouTube của “gã khổng lồ” Google bị phạt càng cho thấy tình trạng báo động về các nguy cơ trên các nền tảng mạng xã hội xuyên biên giới với trẻ em ở nước Mỹ cũng như thế giới. Tổng Y sĩ Mỹ Vivek Murthy vào cuối tháng 5 vừa qua đã cảnh báo các phụ huynh, các công ty công nghệ và cơ quan quản lý về việc ngày càng có nhiều bằng chứng cho thấy việc sử dụng mạng xã hội có thể ảnh hưởng tiêu cực đến trẻ em.

Bên cạnh những lợi ích, có nhiều dấu hiệu cho thấy nền tảng mạng xã hội xuyên biên giới cũng có nguy cơ gây hại nghiêm trọng đối với trẻ em như bị thu thập trái phép thông tin cá nhân, tác động tiêu cực với sức khỏe tâm thần và hạnh phúc của trẻ em và thanh thiếu niên… Mạng xã hội có thể giúp trẻ em và thanh thiếu niên tìm thấy một cộng đồng để kết nối, song môi trường xuyên biên giới này có thể ẩn chứa những nội dung cực đoan, không phù hợp và độc hại ví dụ như việc “bình thường hóa” hành vi tự làm hại bản thân và tự sát. Ngoài ra, mạng xã hội có thể khiến trẻ không hài lòng về cơ thể mình, dẫn đến chứng rối loạn ăn uống và trầm cảm. Các em cũng đối mặt với nguy cơ bị bắt nạt trực tuyến đúng lúc não bộ đang trong giai đoạn phát triển quan trọng.

Bộ Y tế và Dịch vụ Nhân sinh Mỹ cho rằng, nước này đang phải đối mặt với cuộc khủng hoảng sức khỏe tâm thần của giới trẻ mà mạng xã hội là một trong những tác nhân quan trọng. Trước tình hình này, các nhà hoạch định chính sách cần tăng cường tiêu chuẩn an toàn trên mạng xã hội, đồng thời hối thúc các công ty công nghệ đánh giá một cách có trách nhiệm tác động của mạng xã hội đối với trẻ em và chia sẻ dữ liệu này với các nhà nghiên cứu. Các bậc cha mẹ nên thiết lập các khu vực không sử dụng công nghệ tại nhà để thúc đẩy khả năng giao tiếp, cũng như giáo dục trẻ em sử dụng mạng xã hội một cách lành mạnh và có trách nhiệm.

Trên bình diện toàn cầu, Liên hợp quốc những năm qua liên tục cảnh báo về những rủi ro trên không gian mạng đã và đang tác động sâu sắc đến trẻ em theo chiều hướng ngày càng nghiêm trọng hơn. Liên hợp quốc xác định bản chất không biên giới của các nền tảng mạng xã hội đồng nghĩa với việc bảo đảm an toàn cho trẻ em trên mạng là một thách thức toàn cầu. Bên cạnh những mối nguy về bắt nạt trực tuyến, rò rỉ thông tin cá nhân, bí mật riêng tư, tiếp xúc với ngôn từ và hình ảnh bạo lực, trẻ em còn là đối tượng của những tội phạm nguy hiểm về bóc lột, quấy rối, lạm dụng tình dục trực tuyến và các hình thức bạo lực trực tuyến khác.

Theo số liệu mới nhất của UNICEF, khoảng 20% trẻ em sử dụng Internet ở 12 quốc gia có thu nhập thấp và trung bình cho biết, đã từng bị bóc lột hoặc lạm dụng tình dục trực tuyến trong năm 2022; hơn 1/3 trẻ em trên 30 quốc gia nói rằng các em đã bị bắt nạt qua mạng và 1/5 trong số đó đã phải chuyển trường hoặc nghỉ học. Trong khi đó, có khoảng 750.000 cá nhân thực hiện tìm kiếm để kết nối với trẻ vì mục đích tình dục trên phạm vi toàn cầu và không giới hạn về thời gian; và số lượng phản ánh về các vụ việc lạm dụng trẻ em trực tuyến ghi nhận sự gia tăng trong những năm gần đây.

Liên hợp quốc cho rằng, các xu hướng, thách thức mới và các loại hình tội phạm phức tạp, tinh vi, nguy hiểm đang ngày càng gia tăng, mở rộng phạm vi đa quốc gia. Vì thế, Liên hợp quốc kêu gọi, các tổ chức quốc tế và các chính phủ phải tăng cường hợp tác, thúc đẩy nhiều giải pháp, thắt chặt các quy định pháp luật để bảo vệ trẻ em trên không gian mạng.