Nhật quyết tâm “bẻ khóa” 3 nguyên tắc xuất khẩu vũ khí

ANTĐ - Ngày 26-2, hãng tin Kyodo cho biết, chính phủ Nhật Bản dự định sẽ thông qua những nguyên tắc mới về xuất khẩu vũ khí trong tháng tới. 

Theo các cơ quan hữu trách Nhật Bản, chính phủ nước này đã soạn thảo xong một văn kiện mang tính chất chiến lược, có ý nghĩa quyết định. Văn bản này trù định việc thay đổi 3 nguyên tắc cấm xuất khẩu vũ khí được Nhật lập ra vào năm 1967.

Nếu kế hoạch mới được chính phủ phê duyệt và quốc hội thông qua, Nhật Bản sẽ có thể sửa chữa ở nước ngoài những thiết bị quân sự của Mỹ ở trong nước đã bị hư hỏng, cũng như cung cấp vũ khí cho các tổ chức quốc tế và các quốc gia có biên giới nằm gần đường thương mại hàng hải quốc tế của Nhật.

Theo nguồn thông tin có liên quan đến bộ quốc phòng cho biết, chính phủ Nhật Bản có thể cấp phép xuất khẩu một số loại vũ khí của mình cho một số quốc gia và tổ chức quốc tế, với điều kiện là họ sẽ không đứng về phía nào trong các cuộc xung đột vũ trang, hoặc sẽ sử dụng trong các “hoạt động của cộng đồng quốc tế”.

Điều này có thể hiểu, những đối tượng được phép xuất khẩu vũ khí bao gồm: Các cơ quan, tổ chức có liên quan đến các hoạt động gìn giữ hòa bình của Liên Hợp Quốc, "Tổ chức cấm vũ khí hóa học" … và các quốc gia được cộng đồng quốc tế giao đảm nhận những nhiệm vụ cụ thể nào đó.

Nhật Bản đã “lách luật” cung cấp tàu tuần tiễu cho Philippines và Indonessia

Theo 3 nguyên tắc xuất khẩu vũ khí được thông qua vào năm 1967, Nhật Bản không được phép xuất khẩu vũ khí đến các quốc gia, trong đó có các nước đang nằm dưới lệnh trừng phạt của Liên Hợp Quốc và các nước thành viên của các cuộc xung đột quốc tế. 

Kế hoạch sửa đổi 3 nguyên tắc này được khởi xướng bởi đảng “Dân chủ tự do” cầm quyền, nhằm nới lỏng đáng kể những chế ước này. Ý định này của Tokyo đã vấp phải sự phản đối quyết liệt của Bắc Kinh, vì Trung Quốc sợ rằng Nhật sẽ cung cấp vũ khí cho 1 số nước có tranh chấp chủ quyền để đối phó với Trung Quốc.

Trước đây, Nhật đã rất nhiều lần lách luật để viện trợ tàu tuần tiễu cho một số nước đông nam Á như Philippines, Indonesia dưới dạng viện trợ phát triển của chính phủ (ODA) với các lí do hết sức hợp lí là: Chống hải tặc, bảo vệ các tuyến đường giao thông trên biển Đông hoặc sử dụng cho các “hoạt động chung của cộng đồng quốc tế”.

Vừa qua, Nhật đã tiến hành hàng loạt chương trình hợp tác, bàn bạc về vấn đề chia sẻ công nghệ thủy phi cơ US-2 cho Ấn Độ và tàu ngầm động cơ AIP cho Ấn Độ và Australia. Ngoài ra, còn có một số thông tin cho rằng, Nhật còn có ý định bán cả tàu ngầm và tàu quét lôi cho Đài Loan để chung tay đối phó với Trung Quốc.