Nhật lên kịch bản Trung Quốc tấn công tàu chở dầu

ANTĐ - Báo Asahi Shimbun dẫn lời các nhà phân tích cho rằng, Trung Quốc có thể nhằm mục tiêu vào các tàu chở dầu, vận tải nhiên liệu để khống chế Nhật Bản. 

Các nguồn tin nhận định: "Nhật Bản chủ yếu vận tải dầu và các tài nguyên thiên nhiên khác bằng đường biển, nên không có gì tồi tệ hơn kịch bản Trung Quốc tấn công là các tàu chở dầu".

Báo Asahi đã giả định một kịch bản cụ thể: vào một ngày trong tháng 01-2014, hai máy bay chiến đấu J-10 của Trung Quốc "vi phạm không phận Nhật Bản", ngay lập tức Nhật Bản điều 2 máy bay chiến đấu F-15 thuộc chi đội 204 của trung đoàn không quân hỗn hợp tây nam, đóng tại căn cứ Naha ở Okinawa bay lên đối phó.

Máy bay J-10 của Trung Quốc đã phóng tên lửa tầm ngắn, chiếc F-15 của Nhật Bản tránh được tên lửa, một máy bay chiến đấu khác của Nhật Bản khai hỏa tên lửa bắn hạ máy bay J-10 của Trung Quốc...

Nhật lên kịch bản Trung Quốc tấn công tàu chở dầu ảnh 1
Máy bay chiến đấu J-10 Trung Quốc

Thực tế, để tăng cường khả năng phòng thủ ở các đảo thuộc quần đảo Senkaku, ngăn chặn tình huống Trung Quốc cắt đứt giao thông trên biển và đối phó với các máy bay chiến đấu của Trung Quốc trong “vùng nhận dạng phòng không” của Trung Quốc, lực lượng phòng vệ trên không của Nhật Bản đã triển khai thêm ở căn cứ Naha một chi đội máy bay chiến đấu F-15, nâng số phi đội máy bay chiến đấu F-15 ở căn cứ này lên hai chi đội.

Trong "kế hoạch tổng thể lực lượng phòng vệ giai đoạn trung hạn” của Nhật Bản, "đối phó với tình huống các đảo bị tấn công là vấn đề trọng điểm”, “ưu tiên hoàn thiện năng lực phòng vệ, lấy thực hiện tiền đề ngăn chặn và đối phó có hiệu quả để bảo đảm duy trì ưu thế trên không và trên biển”.

Ngoài ra, Nhật Bản còn mua thêm máy bay vận tải cánh quạt nghiêng, cất hạ cánh thẳng đứng V-22 Osprey để tăng cường khả năng vận tải, đổ quân tầm xa trong tác chiến đổ bộ, nhằm nhanh chóng ứng phó với các hoạt động đổ bộ đánh chiếm đảo, phong tỏa khu vực và cắt giao thông trên biển của đối phương.