Nhật Bản - Trung Quốc giành giật kiểm soát "yết hầu" chiến lược

ANTD.VN - Nhật Bản và Trung Quốc không ngại leo thang khi tung máy bay chiến đấu ngăn chặn và tổ chức tập trận tại khu vực eo biển được cho là “yết hầu” chiến lược trên con đường tiến ra đại dương của Trung Quốc.

Hai máy bay chiến đấu F-15J của Nhật Bản đang tuần tra trên vùng biển quần đảo Okinawa

Nhật Bản ngày 11-12 đã lên tiếng bác bỏ cáo buộc của phía Trung Quốc cho rằng, 2 máy bay chiến đấu Nhật Bản đã tìm cách ngăn chặn và gây nguy hiểm cho các máy bay quân sự Trung Quốc khi bay qua eo biển Miyako thuộc quần đảo Okinawa của Nhật Bản.

Tokyo nêu rõ, Lực lượng Phòng vệ trên không (ASDF) của nước này đã cho các chiến đấu cơ xuất kích “theo đúng các thủ tục nghiêm ngặt dựa trên luật pháp quốc tế cũng như đạo luật quản lý hoạt động của Lực lượng Phòng vệ Nhật Bản”.

Tokyo cho rằng, cáo buộc “máy bay chiến đấu Nhật Bản đã có hành động gây nguy hiểm cho các máy bay cùng phi hành đoàn” của Bắc Kinh là “không đúng sự thật”. Bộ Quốc phòng Nhật Bản nhấn mạnh, các chiến đấu cơ nước này không hề cản trở máy bay Trung Quốc ở cự ly gần, các tuyên bố của Trung Quốc “hoàn toàn khác xa sự thật” và “vô cùng đáng tiếc bởi nó như một thứ gây tổn hại tới quan hệ song phương”.

Nhật Bản lên tiếng phản bác chỉ một ngày sau khi Trung Quốc cáo buộc 2 máy bay tiêm kích F-15J của ASDF “quấy rầy” một nhóm máy bay quân sự Trung Quốc, gồm 2 chiến đấu cơ SU-30, 2 máy bay ném bom tầm xa H-6K và 2 máy bay thu thập tình báo, đang tiến hành diễn tập của không quân Trung Quốc trên vùng trời quốc tế ở Tây Thái Bình Dương.

Quan chức Bộ Quốc phòng Trung Quốc cho rằng, máy bay chiến đấu Nhật Bản đã “đe dọa sự an toàn của máy bay Trung Quốc” bằng cách tiếp cận ở khoảng cách gần và “tung ra đạn gây nhiễu”.

Vụ đụng độ trên giữa các máy bay chiến đấu Nhật Bản với nhóm máy bay quân sự Trung Quốc là vụ việc mới nhất trong hàng loạt vụ “dằn mặt” giữa máy bay chiến đấu 2 nước trên vùng trời eo biển Miyako.

Trước đó, khi Trung Quốc bắt đầu cuộc diễn tập không quân hiện nay trên bầu trời khu vực này, ASDF cũng đã điều các máy bay tiêm kích lên theo sát các máy bay chiến đấu của Trung Quốc.

Theo các chuyên gia quân sự, việc máy bay chiến đấu Trung Quốc và Nhật Bản xuất hiện với tần suất ngày càng dày đặc ở khu vực quanh eo biển Miyako hoàn toàn không phải là ngẫu nhiên.

Đây là cửa ngõ các tàu chiến Trung Quốc thường dùng để ra vào Thái Bình Dương. Eo biển này cũng gần quần đảo Senkaku/Điếu Ngư đang tranh chấp giữa Trung Quốc và Nhật Bản ở Biển Hoa Đông.

Kiểm soát vùng trời eo biển Miyako sẽ chiếm ưu thế rất lớn trong việc nắm giữ khu vực được xem như “yếu hầu” tuyến đường ra đại dương của hải quân Trung Quốc. Chính vì vậy, cùng với việc liên tục điều máy bay chiến đấu, tuần tra trên bầu trời eo biển này, Trung Quốc từ tháng 11-2013 đã đơn phương công bố Vùng nhận dạng phòng không (ADIZ) bao trùm lên quần đảo Senkaku/Điếu Ngư tranh chấp và sát với vùng trời eo biển Miyako.

Những vụ đụng độ, “đọ sức” giữa máy bay chiến đấu của Nhật Bản và Trung Quốc trên bầu trời eo biển Miyako bởi thế chính là nhằm giành ưu thế, sự kiểm soát với “yếu hầu” trọng yếu này.