Nhật Bản tranh luận về việc lập nữ hoàng tương lai

ANTD.VN - Trước nguy cơ Hoàng gia Nhật Bản hết người thừa kế nam, chính trường nước này đang nổi lên cuộc thảo luận điều chỉnh luật để cho phép phụ nữ lên ngôi dù những người theo chủ nghĩa truyền thống vẫn kiên quyết phản đối.

Nhật Bản tranh luận về việc lập nữ hoàng tương lai ảnh 1Công chúa Aiko năm nay mới 17 tuổi được nhiều người ủng hộ làm Nữ hoàng tương lai

70-80% người Nhật ủng hộ việc lập nữ hoàng

Nhật hoàng Naruhito đăng cơ sau khi cha mình thoái vị hồi tháng 5-2019 hiện chỉ có 1 cô con gái duy nhất, thế nên dư luận bắt đầu tranh luận về tương lai của chế độ quân chủ lâu đời nhất thế giới. Ông Akira Amari - Chủ tịch Ủy ban thuế của Đảng Dân chủ Tự do (LDP) cầm quyền và là đồng minh thân cận của Thủ tướng Shinzo Abe xuất hiện trong một chương trình truyền hình mới đây đã đưa ra gợi ý táo bạo rằng, hoàng đế tương lai có thể là một phụ nữ của hoàng tộc. 

Hiện tại, gia đình Hoàng tộc Nhật Bản chỉ có 18 thành viên với 7 người ở độ tuổi 30 trở xuống. Do Nhật hoàng Naruhito không có người thừa kế nam, người nối ngôi sau này có khả năng là cháu trai của ông - Hoàng tử Hisahito (13 tuổi). Nếu hoàng tử trẻ không có con trai trong tương lai, gia đình Hoàng gia sẽ hết người thừa kế nam, do đó quy định về việc truyền ngôi sẽ được xem xét lại.

Theo các điều khoản của Luật Gia đình Hoàng gia, chỉ có con cháu dòng dõi nam của hoàng tộc mới có thể trở thành nhà vua Nhật Bản. Lịch sử Nhật Bản cũng có vài nữ hoàng, gần đây nhất là Nữ hoàng Go-Sakuramachi, người trị vì từ năm 1762 đến 1771, và các luật lệ liên quan đã bị thay đổi. Tuy nhiên, theo ông Akira Amari, Nhật Bản chưa bao giờ có một vị vua xuất phát từ phái nữ của hoàng tộc.

“Nếu Nhật Bản không thể có nữ hoàng thì điều đó là không phù hợp với những gì mà Thủ tướng Shinzo Abe đã nói về việc trao quyền cho phụ nữ trong xã hội. Ví dụ, rất nhiều quốc gia khác đã thông qua luật về sự tham gia của phụ nữ vào chính trị và đã đạt được kết quả tốt hơn so với Nhật Bản. Chính phủ của ông Abe đã thông qua các điều luật như vậy, nhưng cuối cùng lại không có gì thay đổi. Điều này tương tự với gia đình hoàng gia, nơi những người bảo thủ luôn giữ tư tưởng về dòng dõi chỉ dành cho nam giới” - bà Hiromi Murakami, Giáo sư khoa học chính trị tại Tokyo nhận định.

Các cuộc thăm dò ý kiến dư luận cho thấy rằng, 70-80% người dân Nhật Bản ủng hộ thay đổi luật pháp để người phụ nữ có thể trở thành nữ hoàng. “Hầu hết mọi người cảm thấy không có gì sai khi Công chúa Aiko trở thành nữ hoàng trong tương lai. Bây giờ cô ấy mới 17 tuổi, nhưng khi lớn lên trong gia đình hoàng gia, chắc chắn cô ấy sẽ có kinh nghiệm và sẵn sàng cho mọi việc” - Giáo sư Murakami đánh giá. 

Khó thay đổi tư tưởng truyền thống

Tuy nhiên, trái ngược với các đảng đối lập ủng hộ nữ hoàng nối ngôi, đông đảo giới chính trị gia Nhật Bản vẫn bảo toàn tư tưởng truyền thống. Đầu tháng 11-2019, một nhóm bảo thủ thuộc Đảng LDP cầm quyền đã đệ trình một đề xuất có khả năng giải quyết vấn đề mà không cần cho phép một phụ nữ nối ngôi. Đó là khôi phục danh hiệu cho các nhánh của hoàng tộc vốn đã bị mất ngay sau thất bại của Nhật Bản trong Thế chiến II. Khi đó, các lực lượng Đồng minh đã cố gắng làm giảm ảnh hưởng của gia đình Hoàng gia Nhật Bản đối với cuộc sống thường ngày của người dân. Tổng số 11 nhánh của cây gia phả hoàng gia đã bị cắt bỏ vào năm 1947. Nếu các tước vị hoàng gia này được khôi phục, nguồn “tài nguyên” cho các vị vua tiềm năng sẽ lớn hơn nhiều trong tương lai, bản đề xuất tuyên bố.

Chưa hết, đề nghị lập hoàng đế từ các tôn thất nữ được cho là “có vấn đề bởi vì nó có thể cho phép một người đàn ông xấu xa kết hôn với nữ hoàng để lạm dụng vị trí đó” - Giáo sư Yoichi Shimada của Đại học Fukui nhấn mạnh.

Ông Shimada đã chỉ ra một tiền lệ, đó là khoảng 1.000 năm trước, bộ tộc samurai Taira đã cố gắng gán ghép để con trai họ kết hôn với một công chúa, người sau này sẽ trở thành nữ hoàng, nhằm mục tiêu có được ảnh hưởng và sự giàu có. “Giải pháp tốt nhất là đề xuất cho các chi nhánh của gia đình hoàng gia bị mất vị thế vào những năm 1940 được phục hồi. Như thế, cung điện sẽ có nhiều người thừa kế nam trong những năm tới” - Giáo sư Shimada nói thêm.