Nhật Bản nỗ lực nâng cao vai trò và tầm ảnh hưởng thông qua Hội nghị thượng đỉnh G7

0:00 / 0:00
0:00
  • Nam miền Bắc
  • Nữ miền Bắc
  • Nữ miền Nam
  • Nam miền Nam
ANTD.VN - Với tư cách là thành viên duy nhất tại châu Á của Nhóm các nước công nghiệp phát triển (G7), Nhật Bản đang nỗ lực chứng tỏ vai trò lãnh đạo toàn cầu, đóng góp vào hòa bình, ổn định của thế giới và khu vực châu Á- Thái Bình Dương.

Điều chỉnh chiến lược để gia tăng ảnh hưởng chính trị và kinh tế

Từ ngày 19 đến 21-5, tại thành phố Hiroshima (Nhật Bản) diễn ra Hội nghị thượng đỉnh G7 với sự tham gia của lãnh đạo 7 nước công nghiệp phát triển là Mỹ, Anh, Đức, Nhật Bản, Pháp, Canada và Italia, nhóm nước chiếm khoảng 30% GDP toàn cầu và sở hữu tổng cộng hơn một nửa giá trị tài sản thế giới. Đây là hội nghị hàng năm để trao đổi, thúc đẩy, giải quyết các vấn đề toàn cầu từ kinh tế đến chính trị, xã hội. Năm nay, trong khuôn khổ Hội nghị G7 còn diễn ra Hội nghị thượng đỉnh G7 mở rộng nhằm thúc đẩy mạnh mẽ sự tham dự và đóng góp của các nước đang phát triển, đẩy mạnh quan hệ đối tác của G7 với các nước đang phát triển trong giải quyết các thách thức toàn cầu.

An ninh được thắt chặt trong thời gian diễn ra Hội nghị thượng đỉnh G7

An ninh được thắt chặt trong thời gian diễn ra Hội nghị thượng đỉnh G7

Những năm gần đây, Nhật Bản luôn thể hiện là thành viên tích cực, đi đầu trong việc thực hiện chủ trương cũng như hành động của nhóm G7. Trong bối cảnh thế giới và khu vực có nhiều thay đổi, cán cân quyền lực có sự dịch chuyển và xu hướng đa cực, đa trung tâm định hình ngày càng rõ nét, Nhật Bản đã có những điều chỉnh chiến lược thích hợp nhằm gia tăng ảnh hưởng chính trị cũng như kinh tế của Nhật Bản. Điều này có tác động mạnh mẽ đến cục diện an ninh ở khu vực.

Ngay từ thời Thủ tướng Abe Shinzo, Nhật Bản đã đưa ra chính sách “Ngoại giao tầm nhìn toàn cầu”. Với phạm vi bao quát khắp thế giới, chính sách này hướng hợp tác trọng điểm vào liên minh Mỹ - Nhật, tăng cường quan hệ Nhật Bản - EU và cuối cùng là xây dựng một mạng lưới chiến lược kinh tế và an ninh Nhật Bản - Mỹ - EU. Chỗ dựa của chính sách “Ngoại giao tầm nhìn toàn cầu” là sức mạnh của nền kinh tế lớn thứ 3 thế giới với quy mô ước tính 546 nghìn tỷ yên, tức khoảng 4,1 nghìn tỷ USD tính đến hết năm 2022.

Với khu vực châu Á là nơi lợi ích gắn trực tiếp, Nhật Bản cũng có nhiều điều chỉnh. Tokyo từng khẳng định: “Chúng ta là thành viên G7 duy nhất đến từ châu Á. Chúng ta phải đóng một vai trò đáng kể trong nhóm gồm toàn các nền kinh tế phát triển của thế giới để giải quyết những thách thức mà khu vực Đông Á đang đối mặt”. Theo hướng đó, tháng 3-2023, Nhật Bản đã công bố sách trắng về “phía Nam toàn cầu”, trong đó khẳng định Tokyo sẽ ưu tiên phát triển quan hệ và hỗ trợ những nước phương Nam. Theo đó, khu vực châu Á - Thái Bình Dương, Ấn Độ Dương - Thái Bình Dương, vốn là một phần của phương Nam, sẽ nhận được nhiều thiết bị phi quân sự và sự hỗ trợ cơ sở hạ tầng từ Tokyo.

Trước đó, tháng 12-2022, Nhật Bản cũng đã thông qua 3 văn kiện an ninh quốc phòng quan trọng, trong đó lần đầu tiên nêu rõ việc sở hữu “khả năng phản công” để đối phó với cuộc tấn công bằng tên lửa đạn đạo, đánh dấu một bước chuyển lớn trong chính sách an ninh của nước này, chứ không chỉ là “tự vệ” như chính sách mà nước này theo đuổi sau Thế chiến thứ 2. Ngoài ra, Nhật Bản sẽ tăng gấp đôi chi tiêu quốc phòng vào năm 2027 lên mức 2% GDP và theo đó sẽ trở thành nước chi tiêu quốc phòng lớn thứ 3 thế giới sau Mỹ và Trung Quốc. Điều này phá vỡ tiền lệ của Tokyo vốn đã kéo dài hàng thập kỷ về việc hạn chế chi tiêu cho quân sự, cho thấy Nhật Bản đang tìm cách tăng cường năng lực quân sự để thúc đẩy vai trò đối phó của mình trước các thách thức mới nổi lên ở khu vực châu Á - Thái Bình Dương.

Những thông điệp từ Hội nghị thượng đỉnh Hiroshima

Trong bối cảnh đó, có thể thấy rằng năm 2023 là một năm rất quan trọng đối với Nhật Bản khi nước này giữ vai trò là Chủ tịch của nhóm G7 và bắt đầu nhiệm kỳ của Ủy viên không thường trực Hội đồng bảo an LHQ. Tokyo đặt một trong những ưu tiên hàng đầu trong năm là tổ chức thành công Hội nghị thượng đỉnh G7 nhằm nâng cao vai trò của Tokyo trên trường quốc tế, cũng như để lại dấu ấn mạnh mẽ của cá nhân Thủ tướng Fumio Kishida.

Để đạt được mục tiêu trên, tại hội nghị lần này, Nhật Bản sẽ tập trung vào một loạt vấn đề. Đó là các biện pháp liên quan đến giải quyết xung đột Nga -Ukraine; các hoạt động hỗ trợ, cứu trợ nhân đạo cho Ukraine; các biện pháp ứng phó với khủng hoảng năng lượng và giá cả tăng cao nói riêng và nguy cơ lạm phát, vấn đề biến đổi khí hậu, y tế toàn cầu, trí tuệ nhân tạo (AI); vấn đề hạt nhân trên Bán đảo Triều Tiên; sự trỗi dậy và thách thức từ Trung Quốc…

Việc một số ngân hàng của Mỹ sụp đổ trong thời gian gần đây cho thấy sự bất ổn của nền kinh tế. Thêm vào đó, Mỹ đang cận kề nguy cơ vỡ nợ nếu không đạt được thỏa thuận nâng trần nợ công. Kịch bản vỡ nợ nếu xảy ra sẽ châm ngòi cho một cuộc suy thoái toàn cầu. Trong bối cảnh đó, Nhật Bản nhấn mạnh phải xây dựng một thế giới nơi “các quốc gia xích lại gần nhau dựa trên lòng tin và tăng cường hợp tác dưới ngọn cờ thương mại tự do, không sa vào chủ nghĩa bảo hộ”.

Đối với biến đổi khí hậu, Nhật Bản tìm cách thúc đẩy chuyển đổi xanh, hướng tới việc tạo ra những thay đổi mang tính đột phá với mục tiêu không để nỗ lực cắt giảm phát thải và tăng trưởng kinh tế rơi vào mối quan hệ đánh đổi. Nội dung thảo luận về biến đổi khí hậu có thể sẽ là đề xuất của Nhật Bản về việc thực hiện quá trình trung hòa carbon theo cách hoàn toàn tương thích với việc đảm bảo cung cấp năng lượng ổn định, dựa trên những lộ trình thực tế và đa dạng đáp ứng nhu cầu của từng quốc gia.

Một trong những ưu tiên hàng đầu nữa của Nhật Bản tại hội nghị G7 lần này là truyền tải thông điệp “xây dựng một thế giới không có vũ khí hạt nhân”. Thủ tướng Kishida cho biết Hiroshima được chọn làm nơi tổ chức Hội nghị G7 bởi đây là nơi từng gánh chịu thảm họa bom nguyên tử năm 1945. Nó là địa điểm phù hợp, có ý nghĩa để các nhà lãnh đạo G7 thảo luận về giải trừ vũ khí hạt nhân. Theo Thủ tướng Nhật Bản Fumio Kishida, cần có các nỗ lực chính trị và ngoại giao để hiện thực hóa thông điệp về thế giới không có vũ khí hạt nhân, trước hết là tạo sự tin tưởng lẫn nhau và sự minh bạch của các quốc gia đang sở hữu vũ khí hạt nhân.

Với tư cách là thành viên duy nhất của G7 tại châu Á, Nhật Bản được coi là là đại diện cho tiếng nói của châu lục tại diễn đàn này. Trong bối cảnh các nước phương Tây ngày càng quan tâm đến châu Á, cũng như sự gắn kết chặt chẽ của châu Á với khu vực Ấn Độ Dương - Thái Bình Dương, đây là một nhiệm vụ quan trọng của Nhật Bản trên cương vị Chủ tịch đương nhiệm G7. Tokyo sẽ nỗ lực thúc đẩy một khu vực Ấn Độ Dương - Thái Bình Dương tự do và cởi mở, phản đối các nỗ lực đơn phương làm thay đổi hiện trạng bằng vũ lực đang diễn ra ở khu vực Biển Hoa Đông và Biển Đông.

Để thảo luận vấn đề hợp tác với các nước đang phát triển và mới nổi, Nhật Bản trong vai trò nước chủ nhà Hội nghị thượng đỉnh G7 đã mời 8 quốc gia tham dự Hội nghị thượng đỉnh G7 mở rộng, gồm Việt Nam, Hàn Quốc, Ấn Độ, Indonesia, Brazil, Comoros, Quần đảo Cook và Ukraine, cùng 6 tổ chức quốc tế, gồm Liên hợp quốc, Liên minh châu Âu, Ngân hàng thế giới, Quỹ tiền tệ quốc tế, Tổ chức hợp tác và phát triển kinh tế và Ngân hàng phát triển châu Á. Dự kiến Hội nghị thượng đỉnh G7 mở rộng sẽ thông qua “Chương trình hành động Hiroshima về an ninh lương thực toàn cầu tự cường”. Đây là lần đầu tiên Hội nghị thượng đỉnh G7 mở rộng thông qua một văn kiện chung.