Nhật Bản cam kết bảo vệ đồng minh nếu bị tấn công

ANTĐ - Ngày 13-8, chủ tịch ủy ban an ninh nội các Nhật Bản Shinichi Kitaoka cho biết, họ sẽ đề xuất trong báo cáo gửi chính phủ cho rằng, Nhật Bản sẽ không chỉ bảo vệ nước Mỹ mà còn bảo vệ các quốc gia đồng minh khác, nếu bị tấn công bằng việc thực thi quyền phòng thủ tập thể.

Ông Shinichi Kitaoka, kiêm chủ tịch Đại học Quốc tế Nhật Bản, cho biết trong cuộc phỏng vấn với hãng thông tấn Kyodo News rằng, ủy ban này sẽ nêu trong báo cáo của mình rằng Nhật Bản có thể thực thi quyền phòng thủ tập thể này, khi "các quốc gia có quan hệ thân thiết (với Nhật Bản)" bị tấn công và được xem là sẽ gây tổn hại đối với Nhật Bản.

Tuy nhiên, ông Kitaoka không nói rõ Nhật Bản sẽ bảo vệ các quốc gia nào trong báo cáo sắp tới, vì cho rằng giữ kín những chi tiết đó sẽ có lợi trong việc duy trì sự răn đe.

"Cần phải có sự bí mật khi chúng ta nói về an ninh", ông Kitaoka cho biết.

Nhưng, một số chuyên gia thì cho rằng, Nhật Bản sẽ mở rộng mục tiêu của việc sử dụng quyền phòng thủ tập thể đối với các nước bao gồm Australia, Philippines và Ấn Độ.

Ủy ban này, đã được Thủ tướng Shinzo Abe tái lập, dự kiến ​​sẽ nhóm họp vào ngày 12-9 trước khi biên soạn báo cáo vào cuối năm nay. Báo cáo này sẽ đề xuất Tokyo dỡ bỏ lệnh cấm tự áp đặt về quyền phòng thủ tập thể, hoặc hỗ trợ các quốc gia đồng minh bị tấn công vũ trang, trong môi trường an ninh đang thay đổi này.

Nhật Bản cam kết bảo vệ đồng minh nếu bị tấn công

Ông Kitaoka cũng đề nghị xuất, Nhật Bản có thể hỗ trợ các quốc gia bảo vệ các tuyến đường biển, nhằm đảm bảo việc vận chuyển dầu lửa thông suốt từ Trung Đông tới Nhật Bản, mà ông mô tả là "những tuyến đường huyết mạch".

Theo Hiến pháp hòa bình hiện tại, Nhật Bản không được phép tự thực thi quyền này, vì như vậy sẽ vượt quá quyền tự vệ được quy định trong hiến pháp.

Trong một báo cáo năm 2008, ủy ban an ninh Nhật Bản đã giới hạn việc sử dụng quyền phòng thủ tập thể chỉ đối với Mỹ, như có thể để bảo vệ các tàu hải quân Mỹ bị tấn công trên biển, hoặc đánh chặn các tên lửa đạn đạo nhằm vào nước Mỹ.