Nhật - Ấn hiệp lực nhằm đập nát “chuỗi ngọc trai” của Trung Quốc

ANTĐ - Bất chấp sự nổi giận của Trung Quốc, ngày 29-5, Ấn Độ và Nhật Bản đã nâng mối quan hệ chiến lược giữa hai nước lên một tầm cao mới, bằng việc cam kết sẽ phối hợp cùng nhau nhằm đảm bảo sự ổn định trong khu vực châu Á-Thái Bình Dương, trong bối cảnh Trung Quốc ngày càng tăng cường sức mạnh và ảnh hưởng.

Trong cuộc hội đàm tại Tokyo, Thủ tướng Ấn Độ Manmohan Singh và người đồng cấp Nhật Bản Shinzo Abe đã khẳng định hai nước phản đối việc sử dụng vũ lực để thay đổi trật tự tại châu Á. Hai bên cho rằng cần phải đẩy mạnh ngoại giao, ngăn chặn nỗ lực của Trung Quốc ép buộc Nhật Bản và các quốc gia khác phải nhượng bộ lãnh thổ của mình.

Tại thủ đô Tokyo, Thủ tướng Manmohan Singh đã tuyên bố, Ấn Độ chia sẻ với Nhật Bản một lợi ích chiến lược lớn, đó là việc mở rộng mối quan hệ hợp tác về an ninh hàng hải và củng cố sự ổn định trong khu vực. Ấn Độ coi Nhật Bản là “đối tác tự nhiên không thể thiếu” trong con đường tìm kiếm sự ổn định và hòa bình ở châu Á. Bảo đảm các tuyến đường biển luôn được tự do và rộng mở là điều sống còn đối với sự thịnh vượng của khu vực trong bối cảnh các nước đang phụ thuộc vào nguồn nhập khẩu dầu mỏ từ Trung Đông.

Đây được xem là một trong những nỗ lực của Ấn Độ trong việc hợp tác với các nước, đặc biệt là Nhật Bản, nhằm ngăn chặn và phá vỡ “chuỗi ngọc trai” của Trung Quốc đang vây quanh nước này. Đây là tên của sách lược triển khai về hàng hải - quân sự của Trung Quốc xuất hiện lần đầu tiên trong báo cáo mật mang tên “Tương lai của năng lượng ở châu Á” được Mỹ đưa ra 2005.

"Chuỗi ngọc trai" của Trung Quốc vây quanh Ấn Độ


“Chuỗi ngọc trai” chỉ các căn cứ quân sự, cảng biển của Trung Quốc nằm rải rác như những hạt ngọc trai, chạy theo tuyến đường hàng hải trên biển bắt đầu từ đảo Hải Nam qua biển Đông, qua eo biển Malacca, sang Ấn Độ Dương… đến tận Châu Phi (Somali) và vùng vịnh Persian, đặc biệt là dọc vùng biển Ấn Độ Dương như Pakistan, Sri Lanka, Sudan….

Trong chuyến thăm nay, Nhật Bản đã cam kết hỗ trợ tài chính cho các dự án lớn của Ấn Độ như hành lang công nghiệp Chennai - Bangalore và tuyến tàu điện ngầm thứ 3 tại Mumbai và bày tỏ sẵn sàng sớm ký kết hiệp định hợp tác hạt nhân dân sự với Ấn Độ.

Hai bên đã nhất trí thể chế hóa và tăng cường tần xuất các cuộc diễn tập quân sự chung giữa hải quân 2 nước. Nhật Bản cũng sẵn sàng cung cấp thủy phi cơ US-2 ShinMaywa cho Ấn Độ khi mà hai nhà lãnh đạo đã quyết định thành lập một Nhóm Công tác chung để nghiên cứu phương thức hợp tác sản xuất thủy phi cơ US-2.

Trước sự chứng kiến của 2 thủ tướng, Bộ Năng lượng nguyên tử Ấn Độ và Bộ Kinh tế, thương mại và công nghiệp Nhật Bản đã ký kết một biên bản ghi nhớ, về việc hợp tác phát triển ngành công nghiệp đất hiếm tại Ấn Độ, nhằm giảm sự phụ thuộc của Nhật Bản vào Trung Quốc về nguồn nguyên liệu quan trọng này.

Thủ tướng Ấn Độ Manmohan Singh và Thủ tướng Nhật Bản Shinzo Abe 

Động lực mới trong mối quan hệ giữa 2 nước đã được thể hiện trong tuyên bố của cả 2 Thủ tướng, những người đã bác bỏ lời khuyên của tờ "Nhân dân Nhật báo", cơ quan ngôn luận của Đảng Cộng sản Trung Quốc, rằng Nhật Bản cần phải xử lý các vấn đề với Trung Quốc một cách bình tĩnh và không bị dao động bởi "những lời lẽ khiêu khích trong nước và quốc tế."

Cho rằng các nước tiếp giáp với biển phải có nghĩa vụ bảo vệ các đại dương, ông Abe nói: "Ấn Độ từ phía tây, Nhật Bản từ phía đông, nơi gặp nhau của hai nền dân chủ lâu đời nhất này là một phần quan trọng của lợi ích quốc tế chung trong thế kỷ 21. Tôi cho rằng điều quan trọng là Nhật Bản và Ấn Độ cần phải đảm bảo châu Á luôn luôn hòa bình và thịnh vượng".

Trong thực tế, ông Tonohika Tanaguchi, cố vấn Ban thư ký nội các và thành viên nhóm liên lạc chiến lược của Thủ tướng Abe, cho rằng mối quan hệ này có thể phát triển thành một đồng minh lâu bền, mặc dù ông cho biết thêm rằng việc tăng cường mối quan hệ đối tác giữa Ấn Độ và Nhật Bản không nhằm vào bất cứ quốc gia nào khác.

Ấn Độ còn cam kết ủng hộ đơn xin đăng cai tổ chức Thế vận hội năm 2020 tại Tokyo của Nhật Bản.