Nhân viên cứu trợ quốc tế bị xét xử ở Hy Lạp vì giải cứu người di cư nhập cảnh trái phép

0:00 / 0:00
0:00
  • Nam miền Bắc
  • Nữ miền Bắc
  • Nữ miền Nam
  • Nam miền Nam
ANTD.VN - Phiên tòa xét xử 24 nhân viên cứu trợ đã giúp giải cứu những người di cư ngoài khơi bờ biển Hy Lạp được mở ngày 10-1 trên đảo Lesbos của Hy Lạp. Các nhóm nhân quyền và các nhà lập pháp Liên minh châu Âu (EU) đã kêu gọi Hy Lạp ngừng hình sự hóa công việc cứu người đó.
Hy Lạp là một trong những điểm nhập cảnh vào EU hàng đầu đối với người di cư

Hy Lạp là một trong những điểm nhập cảnh vào EU hàng đầu đối với người di cư

Đối mặt tội danh nghiêm trọng

Số bị cáo bị đưa ra xét xử trong phiên tòa này bao gồm một số công dân nước ngoài làm việc cho Tổ chức phi chính phủ Trung tâm Ứng phó Khẩn cấp Quốc tế - nhóm tìm kiếm và cứu nạn hoạt động trên đảo Lesbos từ năm 2016 đến 2018, hiện không còn tồn tại. Họ bị buộc tội tạo điều kiện cho di cư bất hợp pháp vào Liên minh châu Âu, như cũng như các trọng tội khác. Trong số này, Sarah Mardini, Sean Binder và Nassos Karakitsos, bị bắt vào tháng 8-2018, còn phải đối mặt với một loạt tội danh khác bao gồm gián điệp, buôn người, rửa tiền - những trọng tội có thể bị phạt tới 25 năm tù ở Hy Lạp.

“Bạn sẽ làm gì nếu nhìn thấy ai đó dưới nước và cầu cứu? Rõ ràng là bạn sẽ đưa tay ra và kéo họ vào. Ngay sau khi bạn làm như vậy, bạn được cho là đã phạm tội giống như tôi”, Sean Binder nói với DW trong một cuộc phỏng vấn năm 2021. Những nhân viên cứu trợ này lần đầu tiên hầu tòa vào tháng 11-2021, nhưng vụ án đã bị hoãn lại trong vài giờ, với phán quyết rằng tòa án không có thẩm quyền xét xử. “Nhưng có những lý do khác khiến nó có thể bị hoãn lại. Ví dụ, bản cáo trạng - tài liệu được gửi cho chúng tôi bằng ngôn ngữ mà chúng tôi không hiểu, điều đó sẽ vi phạm quyền được xét xử công bằng của chúng tôi”, Binder nói.

Nhân vật nổi bật khác trong nhóm này là Sarah Mardini. Ở đỉnh điểm của cuộc khủng hoảng di cư năm 2015 ở châu Âu, Mardini và em gái Yusra, đã trốn chạy cuộc nội chiến ở Syria và sống sót sau hành trình nguy hiểm. Họ là những vận động viên bơi lội, nên khi chiếc xuồng của họ bắt đầu chìm ở Biển Aegean giữa Thổ Nhĩ Kỳ và Hy Lạp, họ đã cố gắng đẩy thuyền vào bờ, cứu sống những người tị nạn khác trên thuyền. Câu chuyện của họ đã truyền cảm hứng cho bộ phim “The Swimmers” của Netflix năm 2022.

Sau khi được tị nạn tại Đức, Sarah Mardini trở lại Lesbos để tiếp tục giúp đỡ các nhiệm vụ tìm kiếm cứu nạn trên biển. Nhưng cô và Binder liên tục bị theo dõi. Vào tháng 2-2018, họ bị cảnh sát Hy Lạp chặn lại trên bờ biển và yêu cầu xuất trình hộ chiếu. Sau đó, nhà của Binder bị lục soát và anh phải giao nộp máy tính xách tay cùng điện thoại. “Chúng tôi thậm chí đã đọc một bài báo bằng tiếng Hy Lạp có nội dung đại loại như “một điệp viên Đức” - chính là tôi - và đồng phạm người Syria đang cố xâm nhập vào một căn cứ quân sự để đánh cắp bí mật quốc gia. Hoàn toàn vô lý!”, Binder, người có nguồn gốc Đức-Việt nhưng lớn lên ở Ireland, cho biết. Hiện Mardini đang bị cấm nhập cảnh Hy Lạp nên chỉ có thể theo dõi phiên tòa từ xa.

Sean Binder và Nassos Karakitsos, hai trong số 24 người đang bị xét xử tại Hy Lạp vì hỗ trợ người di cư nhập cảnh trái phép

Sean Binder và Nassos Karakitsos, hai trong số 24 người đang bị xét xử tại Hy Lạp vì hỗ trợ người di cư nhập cảnh trái phép

Áp lực quốc tế

Hy Lạp là một trong những điểm hàng đầu đối với người di cư để nhập cảnh vào EU. Chính phủ bảo thủ, nắm quyền từ năm 2019, đã bày tỏ sự thất vọng khi các nước EU khác không chia sẻ gánh nặng tiếp đón những người xin tị nạn. Trong năm qua, Hy Lạp đã liên tục bắt giữ những người tham gia vào các nhiệm vụ tìm kiếm và cứu hộ cũng như giám sát các nhà báo đưa tin về phản ứng của chính phủ đối với vấn đề di cư ở biên giới.

Theo luật hàng hải quốc tế, cứu người trên biển không phải là một tội ác và “thuyền trưởng có nghĩa vụ hỗ trợ những người gặp nạn trên biển bất kể quốc tịch, tình trạng hoặc hoàn cảnh mà họ được tìm thấy”, theo Công ước Liên hợp quốc về Luật Biển. Ông Michael Phoenix, báo cáo viên đặc biệt của Liên hợp quốc về những người bảo vệ nhân quyền cho biết, khi những người bảo vệ nhân quyền bị kết tội vì hỗ trợ người di cư, người tị nạn và người xin tị nạn, họ thường bị buộc tội tạo điều kiện cho việc nhập cảnh hoặc lưu trú bất hợp pháp. Tuy nhiên, theo luật pháp quốc tế, một hành động như vậy chỉ bị coi là phạm tội nếu có mục đích kiếm lợi. Mặt khác, luật pháp EU cũng không công nhận rõ ràng công việc của những người bảo vệ nhân quyền cũng như không bảo vệ quyền của họ một cách hiệu quả.

Hơn 80 thành viên của Nghị viện châu Âu đã ký vào một lá thư yêu cầu chính phủ Hy Lạp hủy bỏ các cáo buộc đối với 24 nhân viên cứu trợ. Binder rất biết ơn sự hỗ trợ của quốc tế trong vụ án này. “Áp lực quốc tế thực sự quan trọng chừng nào nó còn được lắng nghe ở Hy Lạp. Nhưng dù thế nào thì tôi cũng sẽ bị truy tố. Điều duy nhất tôi có thể làm là cố gắng ủng hộ luật pháp và vì sự tôn trọng nhân quyền”, anh nói.