Nhà vệ sinh trên tàu hỏa: Hàng ngoại nhưng chất lượng không cao?

ANTD.VN - Năm 2014, ngành đường sắt đã bỏ ra khoảng 200 tỷ đồng để đầu tư nhà vệ sinh trên tàu hỏa. Tuy vậy, nhà vệ sinh do Công ty Chodai.Co.Ltd cung cấp với giá 110 triệu đồng/bộ sau gần 2 năm đã bốc mùi.

110 triệu đồng/bộ nhà vệ sinh ngoại trên tàu hỏa dùng gần 2 năm đã phải thay mới

Ngành đường sắt từng “lên án” về vấn đề đi vệ sinh trên tàu. Để thay đổi hình ảnh này, năm 2014 Tổng Công ty Đường sắt Việt Nam (VNR) đã bỏ ra khoảng 200 tỷ đồng để lắp đặt nhà vệ sinh trên các toa tàu. Hiện tại, khoảng 1.100 toa đã được lắp đặt hàng của Việt Nam và sản phẩm của Mỹ và Nhật Bản. 

Tuy vậy, tiếp nhận và đưa vào sử dụng không lâu, các đơn vị được thụ hưởng như Công ty CP Vận tải Đường sắt Sài Gòn đã xin tháo bỏ thiết bị vệ sinh do Công ty Chodai.Co.Ltd lắp đặt bởi mùi hôi thối và bất tiện. Theo tìm hiểu, gói thầu cung cấp của Công ty Chodai trị giá hơn 22 tỷ đồng.

Vừa dùng đã bốc mùi

Ông Đào Anh Tuấn, Tổng Giám đốc Công ty CP Vận tải Đường sắt Sài Gòn cho biết, kể từ khi tiếp nhận dự án lắp đặt thiết bị xử lý chất thải sinh hoạt trên các toa xe khách của VNR đến nay, Công ty đã nhiều lần phải tìm biện pháp khắc phục các sự cố. Tuy nhiên, do thiết kế không phù hợp và tình trạng phát sinh mùi hôi từ thiết bị vệ sinh Chodai đang lắp trên các toa xe vẫn gây bức xúc cho hành khách đi tàu, thậm chí còn bị phản ánh trên các phương tiện thông tin đại chúng làm xấu hình ảnh của ngành.

Do vậy, để đảm bảo chất lượng phục vụ vận tải hành khách trên các đoàn tàu, Công ty Đường sắt Sài Gòn đề nghị VNR cho phép Công ty tháo toàn bộ thiết bị vệ sinh Chodai đang lắp đặt trên các toa xe khách do Công ty Đường sắt Sài Gòn quản lý để thay thế bằng các thiết bị vệ sinh khác. 

Tương tự, ông Phan Huy Giang, Phó Tổng giám đốc Công ty CP Vận tải Đường sắt Hà Nội cho biết, đơn vị này thụ hưởng dự án của VNR. Theo đó, có khoảng 500 toa tàu chở khách được lắp đặt thiết bị vệ sinh thu gom chất thải vệ sinh nhưng phần lớn là do Công ty CP khoa học công nghệ Petech (Việt Nam) cung cấp. Còn bộ thiết bị của Chodai chỉ được lắp đặt trên khoảng 80 toa, vẫn đang trong thời gian bảo hành của nhà cung cấp.

Theo lãnh đạo Công ty CP Đường sắt Hà Nội, các bộ thiết bị của Chodai đang gặp vấn đề như mùi bốc từ khu vực đặt thiết bị với mức độ cao, gây khó chịu cho hành khách. Nguyên nhân có thể do đặc thù của thiết bị là không dùng nước để xử lý mà ép chất thải rồi xay, lưu lại thùng xử lý và sau một thời gian mới hút thùng chứa chất thải một lần để đưa ra môi trường bên ngoài xử lý.

Hàng ngoại khó sử dụng hơn?

Theo tìm hiểu của phóng viên, tháng 1-2014, Hội đồng thành viên VNR đã phê duyệt dự án “lắp đặt thiết bị xử lý chất thải sinh hoạt trên các toa xe khách của VNR tại Công ty CP Đường sắt vận tải Hà Nội và Sài Gòn. Tổng số vốn đầu tư gần 200 tỷ đồng. Đến tháng 3-2016, VNR đã lắp đặt bộ thu gom chất thải vệ sinh trên 1.100 toa tàu, trong đó thiết bị biofast do Công ty CP khoa học công nghệ Petech chiếm gần 90%, còn lại là thiết bị bio-toilet của Chodai (Nhật) và Microphor (Mỹ).

Phản hồi lại phản ánh của các đơn vị thụ hưởng, đại diện Công ty Chodai cho biết, thiết bị vệ sinh của đơn vị này đã được sử dụng rộng rãi tại các khu du lịch, khu vui chơi, công trường, bệnh viện, trường học và các hộ gia đình tại Nhật Bản, đồng thời đã được vận dụng trên tuyến đường sắt Hokkaido. Tại Việt Nam, Công ty Chodai đã tham gia đấu thầu cung cấp thiết bị vệ sinh trên tuyến đường sắt Bắc - Nam và trúng thầu gói GS2A và GS2B, cung cấp 199 bộ bio-toilet D50, đơn giá 110 triệu đồng/bộ, tổng giá trị cả 2 gói thầu là 22 tỷ đồng. 

Các thiết bị của Công ty Chodai lắp đặt và đi vào sử dụng từ tháng 7-2015, thời gian bảo hành 3 năm. Cũng theo công ty này, thiết bị vệ sinh bio-toilet không sử dụng nước nên việc tuân thủ nghiêm ngặt quy trình hướng dẫn sử dụng, vận hành rất quan trọng. Tình trạng thiết bị hiện nay như phản ánh của Công ty Đường sắt Hà Nội và Sài Gòn, có thể do lượng giá thể trong bể xử lý đã bị thiếu trầm trọng và không được bổ sung hoặc đã có vật lạ bị đưa vào hệ thống làm chết các vi sinh vật hiếu khí trong bể xử lý hoặc thiết bị không được theo dõi và vệ sinh nghiêm túc.