Nhà thầu quân sự bỏ trốn trước khi bị Mỹ tuyên án

0:00 / 0:00
0:00
  • Nam miền Bắc
  • Nữ miền Bắc
  • Nữ miền Nam
  • Nam miền Nam
ANTD.VN - Từng nhận tội hối lộ quan chức bằng các bữa tiệc xa hoa trong một vụ bê bối tham nhũng lớn nhất của Hải quân Mỹ, nhưng nhà thầu quốc phòng người Malaysia bỗng nhiên trốn thoát chỉ vài tuần trước ngày bị tuyên án.
  1. Leonard Glenn Francis là trung tâm của một trong những vụ bê bối tham nhũng lớn nhất của Hải quân Mỹ

    Leonard Glenn Francis là trung tâm của một trong những vụ bê bối tham nhũng lớn nhất của Hải quân Mỹ

Mất tích khi đang bị quản thúc tại gia

Leonard Glenn Francis đã bỏ trốn vào hôm chủ nhật 4-9 trong khi bị quản thúc tại San Diego, nơi ông ta đang chờ phiên xử vào ngày 22-9. Francis bị quản thúc tại nhà từ năm 2018 và được cảnh sát thông báo mất tích sau khi Văn phòng Tiền thẩm liên bang phát hiện sự cố với thiết bị định vị của ông ta. “Hắn ta đã cắt vòng đeo tay theo dõi GPS vào sáng 4-9. Các nhân viên đặc nhiệm đến nơi thì chỉ thấy ngôi nhà trống trơn” - Cơ quan Cảnh sát tư pháp Hoa Kỳ thông báo vào cuối ngày 5-9. Nhiều ngày trước khi Leonard Glenn Francis mất tích, những người hàng xóm đã trông thấy những chiếc xe tải ra vào nhà của đối tượng.

Năm 2015, Francis đã nhận tội hối lộ và gian lận, trong đó hối lộ 500.000 USD tiền mặt nhằm lừa đảo chiếm đoạt của Hải quân Mỹ khoảng 35 triệu USD. Công ty Glenn Defense Marine Asia của Francis (có trụ sở tại Singapore) đã cung cấp các mặt hàng và dịch vụ dành cho tàu ngầm, tàu chiến của Hải quân Mỹ như thực phẩm, nước, xử lý chất thải và nhiên liệu. Ngoài ra, ông ta còn hối lộ các nhân viên Hải quân Mỹ ở khu vực châu Á - Thái Bình Dương để đổi lấy thông tin mật về các chuyến đi của tàu để giành được nhiều hợp đồng quân sự hơn. Điều tra của Washington Post cho thấy, Francis đã “bơm” khoảng 1 triệu USD quà tặng cho các quan chức gồm xì gà Cuba, các mặt hàng xa xỉ, các bữa ăn trong nhà hàng đẳng cấp, “một băng chuyền xoay vòng của gái mại dâm”... Ngoài ra còn các vật phẩm khác như vé xem buổi hòa nhạc của Lady Gaga và buổi biểu diễn thời trang của Gucci. Tuy nhiên, các nhà điều tra cáo buộc rằng, công ty của Francis đã tính phí quá cao cho các dịch vụ của mình và làm giả một số hóa đơn.

Hải quân Mỹ có quy định cấm nhân viên nhận quà trị giá từ 20 USD trở lên. Nếu nhận quà từ một nguồn duy nhất thì mức giới hạn là 50 USD/năm. Liên quan đến vụ bê bối này, hàng trăm quân nhân tại ngũ và đã nghỉ hưu (bao gồm khoảng 60 đô đốc) bị đưa vào tầm giám sát vì có thể vi phạm luật quân sự hoặc các quy tắc đạo đức. Sau cuộc điều tra, hơn 30 người (bao gồm các sĩ quan hải quân, thủy thủ, nhà thầu và nhân viên của Francis) đã bị kết tội hoặc nhận tội tham gia vào âm mưu này. Vụ bê bối đã gây chấn động cho cả giới dân sự lẫn quân sự khi nó được đưa ra ánh sáng vào năm 2013. Nhiều người tự hỏi, làm thế nào mà các hạm đội lại dễ dàng bị khuất phục trước sự cám dỗ của nhà thầu Leonard Glenn Francis đến như vậy?

Kịch bản được cảnh báo từ trước

Trong một chương trình phỏng vấn về vụ bê bối, Francis nói: “Tôi không phải là quân nhân, tôi chỉ là một dân thường, cũng không phải là công dân Mỹ. Nhưng tất cả các sĩ quan hải quân cấp cao này sẽ chỉ bắt đầu theo lệnh của tôi, và họ sẽ chuyển tàu cho tôi”. Tuy nhiên, tầm với của ông ta đã sụp đổ vào năm 2013 do bị “sập bẫy” của các đặc vụ liên bang tại một khách sạn ở San Diego. Kể từ khi nhận tội vào năm 2015, Francis đã làm nhân chứng hợp tác cho các công tố viên điều tra vụ việc và chia sẻ bằng chứng. Sau những biến chứng về sức khỏe như ung thư thận, sưng đầu gối và thoát vị, Francis đã được thả khỏi trại giam liên bang vào năm 2018 và bị quản thúc tại gia.

Nhà của Francis được một nhóm nhân viên an ninh (do ông ta trả tiền) giám sát. Việc này từng được các công tố viên đã phản đối từ năm 2013 và 2015 do lo ngại ông ta có thể chạy trốn đến biên giới Mexico. Và điều đó thực sự xảy ra, khiến nhà chức trách hiện đang phải đối mặt với việc giải trình. Nhiều cơ quan có liên quan như lực lượng Đặc nhiệm truy nã khu vực San Diego hay Cơ quan Điều tra hình sự Hải quân đã tham gia tìm kiếm đối tượng vừa bỏ trốn này. Thực tế, các biên giới và sân bay quốc tế đang trong tình trạng báo động, nhưng Francisco có thể đã vượt biên trái phép sang Mexico. Tại phiên tòa dự kiến diễn ra vào ngày 22-9, Francis có thể phải đối mặt với bản án 25 năm tù.