Nhà tái định cư: Yếu cả chất và lượng

ANTĐ - Báo cáo Ban Dân nguyện (Ủy ban Thường vụ Quốc hội), TP Hà Nội thừa nhận chất lượng nhà ở tái định cư (TĐC) còn thấp. Quỹ nhà luôn trong tình trạng mất cân đối, nơi thừa, nơi thiếu. Đã vậy, hạ tầng xã hội lại thiếu thốn trong khi hạ tầng kỹ thuật các khu tái định cũng còn nhiều bất cập.

Nhà tái định cư: Yếu cả chất và lượng ảnh 1
Cửa vào một căn hộ tái định cư bị “bục” sau thời gian ngắn sử dụng

GPMB tác động tới hàng trăm nghìn người

Thống kê mới đây của TP Hà Nội cho thấy, số lượng gia đình bị ảnh hưởng bởi GPMB các dự án là rất lớn. Cụ thể, Phó Chủ tịch UBND TP Hà Nội Vũ Hồng Khanh cho biết, sau khi mở rộng địa giới hành chính, bình quân, hàng năm Hà Nội thực hiện hơn 1.000 dự án đầu tư có liên quan đến thu hồi đất GPMB, nhiều gấp 3 lần trước khi mở rộng. Đáng chú ý, các dự án này liên quan đến 200.000 tổ chức, hộ gia đình, cá nhân. Nhu cầu cần phải bố trí TĐC cho khoảng 20 nghìn hộ gia đình. 

Để đáp ứng nhu cầu khổng lồ của “cỗ máy” GPMB, từ năm 2000 đến nay, TP Hà Nội đã triển khai 80 dự án đầu tư xây dựng nhà ở TĐC với trên 20.200 căn hộ. Tới nay, Hà Nội đã hoàn thành trên 12.000 căn hộ để bố trí TĐC, đã sử dụng cho việc TĐC gần 11.000 căn hộ. Tại các quận nội thành, do quỹ đất không còn, TP quy định hình thức bố trí TĐC chủ yếu bằng nhà chung cư, trong khi các huyện có thể giao đất ở. Nguồn quỹ nhà TĐC của các quận là khu TĐC tập trung lớn như khu Nam Trung Yên, Đền Lừ 1, 2, khu 5,3ha Dịch Vọng, khu Tây Nam Kim Giang... Dự kiến, từ nay đến năm 2015, TP sẽ triển khai xây dựng 9 khu đô thị TĐC quy mô mỗi khu khoảng từ 20 - 50ha với tổng số khoảng 50.000 căn hộ. Trước mắt sẽ nghiên cứu triển khai ở khu vực Hoài Đức (khu La Phù với diện tích gần 39ha), huyện Gia Lâm (khu Trâu Quỳ với 18ha), huyện Thanh Trì (khu Tứ Hiệp với 20ha)…


Mất cân đối trầm trọng

Trước sức ép rất lớn từ GPMB các dự án, TĐC luôn là công tác được TP quan  tâm. Tuy nhiên, ở thời điểm hiện tại, quỹ nhà TĐC của thành phố vẫn luôn trong tình trạng mất cân đối. Nhiều dự án được bố trí quỹ nhà tái định cư nhưng vài năm chưa dùng tới do chậm tiến độ trong khi một số dự án lớn khác lại phải “xếp hàng” chờ căn hộ. Hiện nay, hàng loạt dự án lớn như vành đai II, đoạn cầu Vĩnh Tuy - Ngã Tư Sở đang cần 3.500 căn, dự án đường Nguyễn Hoàng Tôn cần 900 căn, dự án đường Nguyễn Tam Trinh - Lĩnh Nam - 900 căn...

Không chỉ thiếu trầm trọng về số lượng, UBND TP Hà Nội đã thẳng thắn chỉ ra nhiều tồn tại trong loại hình nhà ở này. Cụ thể, chất lượng nhà ở TĐC còn thấp, việc quản lý, bảo trì còn nhiều hạn chế dẫn đến nhanh chóng xuống cấp. Việc cung cấp các dịch vụ môi trường, dịch vụ phục vụ sinh hoạt, vui chơi, giải trí và học tập của cộng đồng dân cư ở nhiều khu TĐC còn rất thiếu, chưa được xây dựng đồng bộ về hạ tầng xã hội nên ảnh hưởng nhiều đến sinh hoạt khi người dân đến ở. Đặc biệt, có khu TĐC do chưa đầu tư xây dựng trường nên hàng ngày người dân phải đưa con em về nơi ở cũ để học, làm tăng mật độ giao thông của thành phố, tăng chi phí đi lại của nhân dân. Hơn thế, việc giải quyết các vần đề dân sinh tại nơi TĐC như cấp “sổ đỏ”, cấp điện, nước… còn nhiều bất cập. Chỉ cần dạo một vòng qua các khu tái định cư điển hình như Nam Trung Yên, Trung Hòa - Nhân Chính, Dịch Vọng, Đồng Tàu... là có thể bắt gặp ngay cảnh nhếch nhác, thiếu thốn cơ sở hạ tầng xã hội. 

Một điều quan trọng nữa là khi chuyển tới các khu TĐC, sinh kế của người dân di dời bị ảnh hưởng đáng kể. Theo đánh giá của UBND TP Hà Nội, đối với khu vực đô thị, các hộ dân bị thu hồi nhà mặt đường, phố có điều kiện sinh lợi cao từ kinh doanh hoặc cho thuê cửa hàng, nhưng khi TĐC tại nhà chung cư cao tầng thì những quyền lợi trên không còn nữa, gây khó khăn lớn đến đời sống. Ngay cả người dân khu vực nông thôn, việc phải đến ở khu TĐC cũng gây khó khăn cho sản xuất nông nghiệp, bởi việc đào tạo chuyển đổi nghề hiện nay đạt hiệu quả thấp, thu hút lao động địa phương vào các dự án hạn chế, người trên 45 tuổi rất khó khăn trong tìm kiếm việc làm...

Trước mắt, TP Hà Nội cam kết tập trung điều chỉnh những bất cập nêu trên. Ưu tiên hoàn thành các công trình hạ tầng đô thị ở những khu vực TĐC còn thiếu và kiểm tra, chống xuống cấp tại các khu TĐC trên địa bàn toàn TP. TP cho biết, sẽ không bố trí người dân đến ở tại các khu TĐC chưa có đủ các điều kiện về hạ tầng kỹ thuật đô thị. Quan trọng hơn, TP kiến nghị cấp có thẩm quyền quy định rõ nguyên tắc, tiêu chí để xác định giá bồi thường sát giá thị trường trong điều kiện bình thường. Đồng thời, có hành lang pháp lý để chính sách bồi thường, hỗ trợ từng bước theo cơ chế thị trường, đảm bảo mức bồi thường người bị thu hồi đất nhận được đủ tạo dựng được nhà, đất mới bằng hoặc tốt hơn nơi ở cũ.