Nhà điêu khắc Lưu Thị Thanh Lan: Mọi góc cạnh yêu thương đều có thể tạo ra tác phẩm chân thực, gần gũi

0:00 / 0:00
0:00
  • Nam miền Bắc
  • Nữ miền Bắc
  • Nữ miền Nam
  • Nam miền Nam
ANTD.VN -  Một triển lãm điêu khắc từ năm 2021 bước sang ngày đầu của năm mới 2022 mang tên “Đường cong” sẽ diễn ra tại ngôi nhà chung của giới nghệ sỹ mỹ thuật tạo hình Việt Nam. “Mọi góc cạnh yêu thương đều có thể tạo ra được những tác phẩm chân thực, gần gũi” - nhà điêu khắc, giảng viên mỹ thuật tạo hình Lưu Thị Thanh Lan chia sẻ với phóng viên An ninh Thủ đô trước ngày chị cùng 8 nam nghệ sỹ khai mở triển lãm “Đường cong” lần thứ ba ở Nhà triển lãm số 16 phố Ngô Quyền, quận Hoàn Kiếm, Hà Nội.
Tác phẩm "Dáng xuân" của Lưu Thị Thanh Lan, chất liệu gốm sành, cao 60cm, năm sáng tác 2021

Tác phẩm "Dáng xuân" của Lưu Thị Thanh Lan, chất liệu gốm sành, cao 60cm, năm sáng tác 2021

- Là tác giả nữ duy nhất trong 9 nghệ sỹ tham gia triển lãm điêu khắc “Đường cong”, chị có thấy dường như ít có nữ nhi theo đuổi điêu khắc vì loại hình này vốn rất kén người, vất vả và khắc nghiệt?

- Nhà điêu khắc, giảng viên mỹ thuật tạo hình Lưu Thị Thanh Lan: Điêu khắc đúng là loại hình nghệ thuật vất vả và khắc nghiệt đối với các nghệ sỹ nói chung và với nữ nghệ sỹ thì những khó khăn sẽ tăng lên gấp bội. Số lượng nữ điêu khắc gia còn hoạt động và làm nghề ở nước ta rất ít. Có người học xong điêu khắc lại làm công việc khác, vì sự vất vả của nghề "thổ mộc" chân lấm tay bùn. Ai mà sống chết với nghề thì phải có nghị lực phi thường, phải chịu khó, chịu khổ… trong khi cuộc sống thì vốn có nhiều sự lựa chọn. Nghề điêu khắc cần nhiều thời gian, nhiều công sức và nhiều sức khỏe nữa, đồng thời điều kiện làm việc cần nhiều hơn các loại hình nghệ thuật khác.... Và tác phẩm điêu khắc khi làm ra không có môi trường giao dịch, nên ít người theo đuổi.

Nghệ sỹ tạo hình Lưu Thị Thanh Lan: Số lượng nữ điêu khắc gia còn hoạt động và làm nghề ở nước ta rất ít

Nghệ sỹ tạo hình Lưu Thị Thanh Lan: Số lượng nữ điêu khắc gia còn hoạt động và làm nghề ở nước ta rất ít

- Thật tình, chị có nản lòng với điêu khắc? Và những lúc như thế chị vượt qua thế nào?

- Khó khăn nhiều mặt nên nhiều khi bản thân tôi cũng chán nản, nhiều khi ý tưởng nảy sinh mình hăm hở lao vào sáng tác ngay, hình dung ra vẻ đẹp của tác phẩm. Nhưng khi thể hiện thì tác phẩm không được như mong muốn nên đành lòng phá bỏ, điều này thật buồn. Khi đó, mình lại tạm dừng để tiếp tục tìm hướng đi mới và thấy hoang mang! Tôi đã phải vượt qua những thử thách như thế và trong điêu khắc luôn là thử thách. Mỗi tác phẩm là một thử thách và bạn phải tìm cách vượt qua nó, để tạo ra những tác phẩm không được giống nhau, luôn mới mẻ. Sự biến đổi trong tìm tòi, sáng tác đã cuốn hút tôi, chiếm hết suy nghĩ của tôi, lấy đi thời gian của tôi. Và tôi biết, tôi đã vượt qua sự nản lòng bằng cách đó.

Mỗi tác phẩm là một thử thách và bạn phải tìm cách vượt qua nó, để tạo ra những tác phẩm không được giống nhau, luôn mới mẻ.

Nhà điêu khắc, giảng viên mỹ thuật tạo hình

LƯU THỊ THANH LAN

- Vẻ đẹp tác phẩm tôn vinh hình tượng người phụ nữ trong mắt nữ nghệ sỹ cũng khác hơn so với các đồng nghiệp nam của chị?

- Vẻ đẹp của người phụ nữ là đề tài hấp dẫn muôn thuở của giới làm nghệ thuật. Tranh ,tượng về hình tượng người phụ nữ luôn hấp dẫn người sáng tác và người xem. Cả nam nghệ sỹ và nữ nghệ sỹ đều yêu thích vẻ đẹp này, nhưng cảm nhận của mỗi người khác nhau nên họ cho ra đời những tác phẩm khác nhau. Trong tâm tư người nữ nghệ sỹ có sự đồng cảm, sự thấu hiểu, có tình yêu vô tư, nên có thể sẽ là khác biệt hơn so với nam nghệ sỹ.

Họa sĩ Lưu Thị Thanh Lan với một người bạn học thân thiết - họa sĩ Lê Ngọc Huyền

Họa sĩ Lưu Thị Thanh Lan với một người bạn học thân thiết - họa sĩ Lê Ngọc Huyền

- Dường như thiên chức của người mẹ khiến những bức tượng về tình mẫu tử của chị được thổi hồn cảm xúc sâu nặng hơn…

- Tình mẫu tử là nguồn cảm hứng vô tận trong sáng tác của tôi. Tôi tìm thấy vẻ đẹp mẫu tử trong hình ảnh cuộc sống thường ngày. Tôi nhìn thấy hình ảnh của tôi trong nỗi nhớ của tôi về người mẹ của mình và tôi cảm nhận tình cảm của tôi với các con của mình. Mọi góc cạnh tình yêu thương đều có thể tạo ra được những tác phẩm chân thực gần gũi... Các tác phẩm về tình mẫu tử của tôi chất chứa nhiều tình cảm, tình yêu thương vô bờ.

- Dịch Covid-19 còn làm chị lo lắng hơn cho các con đi học, lập nghiệp ở phương xa. Những tác phẩm mới của chị còn là sự tích tụ, dồn nén những cảm xúc như thế- có phải không?

- Tôi là người mẹ giống như biết bao người mẹ khác luôn mong muốn mọi điều tốt đẹp nhất cho các con của mình. Dịch Covid-19 ập đến mang theo vô vàn nỗi lo, làm sao bao bọc các con tránh được dịch bệnh? Mà cuộc sống thì vẫn phải hoạt động, làm việc, học tập... Trong thời giãn cách chống dịch, tôi dành nhiều tâm tư cho mảng đề tài về tình mẫu tử, tác phẩm “Mẹ thời Covid” ra đời ngay đầu năm 2020, tiếp đó các tác phẩm mới như “Hạnh phúc”, “Mùa xuân của mẹ”, “Nguồn sống”, “Lời ru mùa xuân”... là tình cảm của tôi thay lời tâm sự của những người mẹ.

Tác phẩm "Lời ru mùa xuân" của Lưu Thị Thanh Lan, cao 65cm, chất liệu đồng đúc, năm sáng tác 2021

Tác phẩm "Lời ru mùa xuân" của Lưu Thị Thanh Lan, cao 65cm, chất liệu đồng đúc, năm sáng tác 2021

- Năm nay, triển lãm “Đường cong” lần thứ 3 khác gì với “Đường cong” của những năm trước?

- Năm nay, triển lãm điêu khắc “Đường cong” khác hơn những năm trước đây ở phần chất liệu. Nếu như “Đường cong” lần thứ nhất chúng tôi làm chuyên đề về gốm, thì “Đường cong” lần thứ 2 có một số tác phẩm chất liệu đồng, không giới hạn tác phẩm. Trong triển lãm “Đường cong” Lần thứ 3 này, các tác giả tự do lựa chọn chất liệu tác phẩm theo sở trường của mình ,và giới hạn tác phẩm chỉ trưng bày mỗi tác giả 5 tác phẩm sáng tác mới nhất.

- Trong cuộc chơi của 9 người nghệ sĩ, chị có thấy mình nhỏ bé và lép vế? Hay đó là cái cớ để chị nổi bật lên với những “Đường cong” thực thụ?

- Trong những triển lãm “Đường cong” qua các năm, chúng tôi luôn có 9 tác giả - "chín vía" - và trong số đó chỉ có một tác giả là nữ. Về bình đẳng giới có vẻ không cân bằng giới tính, nhưng về niềm đam mê và nhiệt huyết thì không thể nhìn thấy bằng mắt thường, vì tôi biết tôi đang làm gì. Tôi đứng trong cuộc chơi này công bằng, không để nổi bật hay cảm thấy bị lép vế. Đơn giản vì niềm đam mê! Sự nổi bật hay yếu thế sẽ được đánh giá qua công chúng, người xem tự thẩm định chúng tôi qua các tác phẩm. Và tôi tin, tình cảm của người xem sẽ dẫn dắt cảm xúc chân thành của người nghệ sỹ.

- Xin cám ơn hoạ sĩ Lưu Thị Thanh Lan, chúc triển lãm “Đường cong” lần thứ 3 của 9 nghệ sỹ thật thành công!

Nhà điêu khắc Lưu Thị Thanh Lan: Mọi góc cạnh yêu thương đều có thể tạo ra tác phẩm chân thực, gần gũi ảnh 6
TRIỂN LÃM ĐIÊU KHẮC "ĐƯỜNG CONG" 2021 là cuộc hội ngộ của 9 nghệ sỹ Lưu Danh Thanh, Nguyễn Phú Cường, Nguyễn Kim Xuân, Phạm Hào, Vũ Đại Bình, Đỗ Bá Quang, Phạm Quốc Anh, Lưu Thị Thanh Lan, Phạm Thanh Long, sẽ khai mạc vào 17h chiều thứ tư 22-12-2021 tại Nhà triển lãm 16 Ngô Quyền, Hà Nội. Triển lãm mở cửa tự do đến ngày đầu năm mới 1-1-2022.

Cái tên đầu tiên trong triển lãm " Đường cong" lần này vẫn có nhà điêu khắc lão thành Lưu Danh Thanh - người từng dành Giải thưởng Nhà nước về Văn học nghệ thuật năm 2007, có nhiều tác phẩm lớn như "Tượng đài Côn đảo", "Mẹ Việt Nam anh hùng". Ở triển lãm trước, ông tôn vinh hình tượng phụ nữ với những bức tượng gốm men ngọc mềm mại, quyến rũ trong cái nhìn rất tình và rất đời của người nghệ sĩ tài hoa.