Nhà đầu tư uất ức vì bị công ty chứng khoán "xử ép"

ANTĐ - Bán căn biệt thự Tây Hồ năm 2007 với giá 9 tỷ đồng, bà Trần Thị Vượng quyết định dùng tất cả số tiền này để đầu tư chứng khoán. Trong cuộc trò chuyện với chúng tôi, bà không thể giấu những giọt nước mắt bởi những uất ức khi cho rằng bị công ty chứng khoán “xử ép” và quyền lợi của nhà đầu tư không được bảo đảm công bằng.

Tham gia vào thị trường chứng khoán, điều nhà đầu tư mong mỏi nhất là sự minh bạch

Bán biệt thự Tây Hồ “nuôi” chứng khoán

Bà Vượng cho biết, trước khi chuyển tài khoản về Công ty Cổ phần Chứng khoán Trường Sơn (TSS), bà là khách hàng của một công ty chứng khoán khác. Tuy nhiên, do một môi giới có mối quan hệ thân thiết với gia đình nên bà quyết định chuyển tài khoản sang TSS. Bà Vượng nhanh chóng được công ty này lập tài khoản với “số tài khoản VIP” - 098C005888. “Với số tiền hàng tỷ đồng có trong tài khoản nên tôi được công ty “chăm sóc” rất kỹ càng. Họ cấp cho tôi thẻ vàng, thẻ bạc, khi thì mời phát biểu ca ngợi công ty trong dịp tổng kết cuối năm, lúc thì dự tiệc liên hoan khai trương khắp trong Nam ngoài Bắc…” - Bà Vượng ngậm ngùi.

“Trong thời gian thực hiện giao dịch tại Công ty chứng khoán Trường Sơn tôi thường xuyên được nghe môi giới Bùi Thị Duyên kể khổ về kinh tế gia đình do phải trả nợ một khoản tiền lớn. Vì lòng trắc ẩn nên tôi đã đồng ý mở thêm một tài khoản mới đứng tên chồng tôi là ông Khúc Xuyền (tài khoản số 098C008181) và giao cho cô môi giới này toàn quyền mua bán trên tài khoản này với số tiền 200 triệu đồng. Nếu lãi thì 6 tháng sẽ chia một lần theo tỷ lệ 50:50, còn trong trường hợp thua lỗ tôi sẽ chịu” – bà Vượng kể.

“Ngày 19-5-2011, tôi nhận được điện thoại của Giám đốc TSS hẹn sẽ đến nhà riêng của tôi để làm việc. Tại cuộc gặp bất thường này tôi mới ngỡ ngàng được TSS cho biết, môi giới Bùi Thị Duyên đã tự động vay tiền hỗ trợ vốn của công ty cho tài khoản của chồng tôi với số nợ lên tới gần 2 tỷ đồng. Lúc này tôi mới biết, Duyên đã lừa tôi ký một số giấy tờ rồi thay đi, đổi lại các tờ bên trên, chữa lại ngày tháng, giả mạo chữ ký để vay tiền và tạo nhóm tài khoản (liên thông các tài khoản trong nhóm). Khi được cung cấp các chứng từ liên quan, tôi phát hiện ra ngay bởi từ chữ viết, chữ ký cho đến số chứng minh thư nhân dân, ngày cấp đều bị sai lệch. Việc giả mạo này có dấu hiệu vi phạm pháp luật, do đó tôi kính đề nghị các cơ quan chức năng vào cuộc để làm rõ sự việc này”- bà Vượng kiến nghị.

“Tại buổi làm việc trên, bà Bùi Thị Duyên - môi giới tại TSS xác nhận việc thỏa thuận với tôi về việc hợp tác, ủy quyền giao dịch. Bà Duyên xác nhận, số nợ trên tài khoản 098C008181 là thuộc trách nhiệm của mình. Phía công ty TSS cũng xác nhận số nợ trên tài khoản này thuộc trách nhiệm của bà Duyên và bà Duyên có trách nhiệm hoàn trả số nợ trên cho công ty. Sau buổi làm trên, ngày 24-5-2011 tôi đã đến sàn TSS gặp môi giới Bùi Thị Duyên, tại đây Duyên đã viết cho tôi một bản cam kết hoàn toàn chịu trách nhiệm trả nợ cho công ty với số tiền gần 2 tỷ đồng. Đồng thời, cô ta cũng hứa với tôi sẽ hoàn trả số tiền 200 triệu đồng” - bà Vượng cho biết.

Ông Khúc Xuyền - người đứng tên tài khoản 098C008181 cũng khẳng định: “Toàn bộ chữ viết, chữ ký tại các bản hợp đồng bảo lãnh, hợp đồng hợp tác và hỗ trợ vốn mà công ty chứng khoán TSS hiện đang lưu giữ, quản lý đều không phải do tay tôi viết. Đề nghị các cơ quan chức năng làm rõ vụ việc giả mạo này”.

“Ai bảo vệ quyền lợi cho nhà đầu tư ?”

Ngày 4-10, tại trụ sở TSS, đại diện công ty và bà Vượng đã có buổi làm việc và đi đến thống nhất: “Công ty Cổ phần chứng khoán Trường Sơn đảm bảo toàn bộ tiền và chứng khoán trên tài khoản 098C005888 (của bà Trần Thị Vượng) không chịu bất kỳ ảnh hưởng nào của các khoản nợ trên tài khoản khác”. Xác nhận trên được ghi tại biên bản làm việc có chữ ký của các bên và dấu của TSS.

Bà Vượng cho biết: “Tuy nhiên sự việc chưa dừng lại ở đó, tôi được biết ngày 31-12-2011, TSS sẽ không còn chức năng môi giới nữa. Họ báo tôi tới công ty chứng khoán khác mở tài khoản để chuyển. Từ ngày 24-11, tôi đã đi lại rất nhiều lần để làm thủ tục chuyển tài khoản nhưng vẫn chưa được giải quyết. Ngày 28-12-2011, tôi nhận được thông báo của TSS phong tỏa các tài khoản trong nhóm (tài khoản của bà Vượng cùng tài khoản của chồng và con trai)”.

Lo lắng với số cổ phiếu còn lại (trị giá khoảng 2 tỷ đồng) có nguy cơ bị chiếm đoạt, bà Vượng đã gửi nhiều đơn thư tới các cơ quan chức năng (Ủy ban Chứng khoán Nhà nước, Trung tâm lưu ký chứng khoán…) đề nghị được xem xét giải quyết. “Tôi mong được mau chóng giải quyết cho tôi được quyền giao dịch, mua bán trên tài khoản mới của tôi tại công ty chứng khoán khác mà tôi mới mở để chuyển toàn bộ số cổ phiếu còn lại trong tài khoản tại TSS sang” – bà Vượng tha thiết đề nghị.

Ngày 30-12-2011, UBCK đã có văn bản yêu cầu “TSS phải xác định rõ số lượng chứng khoán hiện có trong các tài khoản 098C005888 đứng tên Trần Thị Vượng, 098C008181 đứng tên ông Khúc Xuyền và tài khoản 098C006999 đứng tên Khúc Trần Quân. Đồng thời phong tỏa các tài khoản này tại TSS cho đến khi vụ việc được giải quyết dứt điểm”. UBCK cũng yêu cầu, TSS không được sử dụng tiền và chứng khoán của khách hàng, TSS phải tổ chức làm việc với các nhà đầu tư trên để giải quyết các quyền, nghĩa vụ phát sinh giữa nhà đầu tư với công ty và có văn bản báo cáo UBCK về việc thực hiện các yêu cầu trên trước ngày 5-1.

Tuy nhiên, cho tới ngày 9-1-2012 bà Vượng vẫn chưa nhận được bất kỳ thông báo mời làm việc nào từ phía TSS. “Cơ quan quản lý cao nhất đã có yêu cầu, nhưng không hiểu vì lý do gì mà đến thời điểm này TSS vẫn không có động thái gì. Tôi thực sự lo lắng về quyền lợi của mình, không hiểu cơ quan nào sẽ đứng ra lấy lại công bằng cho nhà đầu tư?” – bà Vượng bức xúc.