Nguy cơ tái hiện chạy đua vũ khí hạt nhân giữa Mỹ và Nga

ANTD.VN - Chỉ hơn một tuần sau khi cùng tuyên bố rút khỏi Hiệp ước Các lực lượng hạt nhân tầm trung (INF), cả Nga và Mỹ đều có những động thái tích cực phát triển các hệ thống vũ khí mới. Nguy cơ tái hiện chạy đua vũ khí hạt nhân ngày một hiện rõ.

Nguy cơ tái hiện chạy đua vũ khí hạt nhân giữa Mỹ và Nga ảnh 1Súng trường tàng hình được hy vọng sẽ giúp lính Mỹ chiếm ưu thế trên chiến trường 

Tuyên bố tại Matxccơva, phát ngôn viên Điện Kremlin Dmitry Peskov khẳng định: “Mỹ không phải quốc gia đứng đầu trong phát triển vũ khí hạt nhân mới. Tổng thống của chúng tôi đã nhiều lần nói rằng trình độ của Nga trong lĩnh vực này vượt xa các quốc gia khác và là độc nhất vô nhị”. Tuyên bố trên được đưa ra sau khi Nga thử tên lửa hành trình trang bị động cơ hạt nhân Burevestnik, một trong 6 siêu vũ khí của tương lai, nhưng không thành công.

Người Mỹ cũng không chịu kém cạnh. Bình luận về thất bại vụ thử tên lửa của Nga, Tổng thống Mỹ Donald Trump cho rằng Mỹ sở hữu công nghệ tương tự nhưng tiên tiến hơn so với mẫu tên lửa hành trình trang bị động cơ hạt nhân mà Nga đang phát triển. Các “lái súng” Mỹ thì khoe rằng vừa cho ra đời loại súng trường tấn công “tàng hình” với công nghệ tối tân giúp giảm thiểu tiếng nổ và chớp lửa đầu nòng, khiến đối phương rất khó phát hiện.

Có thể thấy khi Hiệp ước INF - một trong các trụ cột ngăn chặn phổ biến vũ khí hạt nhân không còn, nguy cơ chạy đua vũ trang thật khó kiểm soát. Được ký ngày 8-12-1987, INF quy định Mỹ và Nga phải giải giáp gần 2.700 tên lửa đạn đạo, tên lửa hành trình tầm trung (1.000 - 5.500 km) có khả năng mang đầu đạn hạt nhân và tầm ngắn (500 - 1.000 km) trên mặt đất. Nhờ INF, thế đối đầu hạt nhân đầy rủi ro giữa Mỹ và Liên Xô tại châu Âu đã chấm dứt.

Tiến thêm một bước, năm 2010, Nga và Mỹ ký Hiệp ước START mới, quy định trong vòng 7 năm kể từ ngày hiệp ước chính thức có hiệu lực (năm 2011), hai bên phải cắt giảm 1/3 kho vũ khí hạt nhân tiến công của mình, đồng thời không được triển khai nhiều hơn 700 tên lửa đạn đạo liên lục địa và tên lửa đạn đạo phóng từ tàu ngầm, không quá 1.550 đầu đạn hạt nhân và 800 hệ thống phóng cùng máy bay ném bom chiến lược.

Với lý do Nga phát triển loại tên lửa Novator 9M729, mà NATO gọi là SSC-8, có khả năng tấn công châu Âu trong thời gian cực nhanh và với tầm bắn lên tới 2500 km vi phạm INF, Mỹ đơn phương rút khỏi INF. Nga phản đòn bằng cách tố Washington triển khai hệ thống tên lửa đánh chặn ở châu Âu vi phạm INF, vì thực chất hệ thống này có khả năng phóng các tên lửa hành trình Tomahawk mang đầu đạn hạt nhân.

Không chỉ bất đồng về INF, Mỹ và Nga đều chưa rõ ràng về việc có tái phê chuẩn Hiệp ước START mới, sẽ hết hạn vào năm 2021, bởi thái độ tiêu cực của Mỹ. Một khi INF và START không còn, thế giới sẽ mất đi những “dây neo” kiềm chế 2 cường quốc hiện kiểm soát 90% kho vũ khí hạt nhân thế giới, ngăn không cho Mỹ và Nga vượt “lằn ranh đỏ” nguy hiểm. 

Lúc đó, “khoảng trống” trong hệ thống kiểm soát vũ khí hạt nhân chiến lược sẽ đẩy thế giới vào thế đối đầu căng thẳng như từng xảy ra đầu những năm 1970, một cuộc chạy đua vũ trang là điều khó tránh khỏi. Trên thực tế, Mỹ hiện đã bắt đầu thử nghiệm máy bay không người lái - drone có đặc điểm kỹ thuật trùng khớp với tên lửa hành trình bị Hiệp ước INF cấm. Washington cũng sẽ tiếp tục hiện đại hóa hệ thống phòng thủ tên lửa đã được triển khai ở châu Âu ngay sát nước Nga và các tên lửa phòng không SM-6 có khả năng tấn công vào các mục tiêu trên mặt đất. 

Nước Nga thì cũng có sẵn trong tay 6 siêu vũ khí: Tên lửa hành trình Burevestnik sử dụng động cơ hạt nhân, có tầm bắn cực lớn gần như không giới hạn và tránh được mọi hệ thống phòng thủ tên lửa; tàu ngầm không người lái Poseidon có tầm hoạt động 10.000 km, mang ngư lôi hạt nhân; Tên lửa đạn đạo RS-28 Sarmat có tầm bắn trên 11.000 km, mang 10-15 đầu đạn hạt nhân với tổng sức mạnh tương đương 50 triệu tấn thuốc nổ TNT; vũ khí chiến lược Avangard có tốc độ lên tới 25.000 km/h và tên lửa siêu thanh Kinzhal có khả năng xuyên thủng mọi hệ thống phòng không.

Lần đầu tiên sau 3 thập kỷ, thế giới đứng trước thời điểm nguy hiểm tái hiện chạy đua vũ khí hạt nhân bởi cuộc đối đầu giữa Nga và Mỹ.