Nguy cơ suy thoái phủ bóng đen lên kinh tế toàn cầu

0:00 / 0:00
0:00
  • Nam miền Bắc
  • Nữ miền Bắc
  • Nữ miền Nam
  • Nam miền Nam
ANTD.VN - Những tín hiệu kém lạc quan từ các cường quốc kinh tế hàng đầu thế giới cùng những nhân tố tác động tiêu cực tới kinh tế toàn cầu tiếp tục diễn biến phức tạp, cùng với đó là nền lãi suất cao và các mối lo đối với thị trường… đang phủ bóng đen nguy cơ suy thoái lên bức tranh kinh tế thế giới.
Nhiều định chế tài chính như IMF, WB cảnh báo nguy cơ kinh tế thế giới rơi vào suy thoái

Nhiều định chế tài chính như IMF, WB cảnh báo nguy cơ kinh tế thế giới rơi vào suy thoái

Kinh tế toàn cầu đối mặt “một thập kỷ mất mát”

Trả lời báo chí ngày 4-6 vừa qua, Tổng Giám đốc Quỹ tiền tệ quốc tế (IMF) Kristalina Georgieva cảnh báo, áp lực lạm phát và lãi suất cao hơn sẽ vẫn là vấn đề chính đối với nền kinh tế toàn cầu trong năm tới, cùng với mối lo ngại bao trùm về triển vọng tăng trưởng dài hạn. Bà Kristalina Georgieva nhấn mạnh, những cú sốc ập đến thời gian qua như đại dịch Covid-19, cuộc xung đột quân sự Nga và Ukraine… đã tạo ra một môi trường khắc nghiệt. Vì thế, thế giới không chỉ phải vật lộn với lạm phát cao và tăng trưởng chậm lại mà còn phải đối mặt với “sự không chắc chắn đặc biệt”.

Theo người đứng đầu IMF, cuộc xung đột quân sự tiếp diễn ở Ukraine đóng một vai trò quan trọng, đặc biệt là việc “xóa đi những lợi ích hòa bình mà chúng ta đã được hưởng trong 30 năm qua”. Chi tiêu quốc phòng đang tăng lên trên thế giới khiến ngân sách dành cho phát triển và tăng trưởng cũng như giúp đỡ các nước nghèo giảm đi. Những nhân tố bất ổn và bất lợi đã tác động tiêu cực tới tăng trưởng toàn cầu. Nhà lãnh đạo của IMF cho biết, dự báo tăng trưởng GDP toàn cầu năm nay là 2,8%, giảm đáng kể so với mức 3,4% của năm 2022 - năm còn chịu ảnh hưởng của cả đại dịch Covid-19 và cuộc xung đột quân sự tại Ukraine. Điều đáng lo ngại nhất, theo bà Kristalina Georgieva, là lạm phát vẫn dai dẳng và điều đó có nghĩa là lãi suất sẽ phải cao hơn trong một thời gian dài hơn. Cho dù lãi suất có dấu hiệu hạ nhiệt ở một số khu vực như khu vực đồng tiền chung châu Âu (Eurozone), nhưng mặt bằng lạm phát nhìn chung vẫn còn cao. Về lãi suất, ít nhất trong năm nay và năm 2024, thế giới sẽ phải sẵn sàng đối mặt với lãi suất cao. Do đó, Tổng giám đốc IMF cho rằng, đối với nền kinh tế toàn cầu, bà cảnh báo, điều này sẽ tác động đến đầu tư và tiêu dùng trong khi chúng ta đang chứng kiến tình trạng nghèo đói toàn cầu gia tăng và dự kiến sẽ có những thời điểm khó khăn phía trước trong vài năm tới

Lãnh đạo định chế tài chính hàng đầu thế giới bày tỏ, mối quan ngại nhất là triển vọng tăng trưởng dài hạn không mấy sáng sủa. Theo đó, IMF dự báo, kinh tế toàn cầu chỉ tăng trưởng 3% trong 5 năm tới, mức thấp hơn so với những dự báo đưa ra trước đó. Trong khi đưa ra những nhận định trên, các số liệu thống kê mới nhất từ các nền kinh tế lớn trên thế giới phản ánh mối lo ngại mạnh mẽ đối với thị trường và nguy cơ suy thoái phủ bóng lên bức tranh kinh tế thế giới. Nhiều dấu hiệu cho thấy kinh tế toàn cầu đang giảm tốc và tác động dây chuyền mạnh tới các thị trường khác trên thế giới.

Cùng chung đánh giá như IMF, Ngân hàng Thế giới (WB) trước đó cũng đưa ra những đánh giá không sáng sủa về triển vọng kinh tế toàn cầu. Định chế tài chính này cảnh báo, tăng trưởng kinh tế toàn cầu sẽ đối mặt với “một thập kỷ mất mát” bởi chiến sự ở Ukraine, đại dịch Covid-19 và lạm phát liên tục tăng cao đã làm phức tạp thêm những thách thức hiện nay. Theo WB, tốc độ tăng trưởng mang tính cấu trúc trên khắp thế giới đang chậm lại. Với xu hướng hiện nay, WB cảnh báo, tốc độ tăng trưởng tiềm năng toàn cầu - tốc độ tối đa mà một nền kinh tế có thể tăng trưởng mà không gây ra lạm phát - được dự đoán sẽ giảm xuống mức thấp nhất 3 thập kỷ trong thời gian còn lại của thập niên 2020. Tăng trưởng GDP của thế giới trong thập niên 2000-2010 là 3,5% mỗi năm, tốc độ này đã giảm xuống còn trung bình 2,6% ở thập niên 2011-2021 và dự báo còn tiếp tục giảm xuống 2,2% trong thập niên 2022 - 2030. Dù các nền kinh tế lớn của thế giới đã đưa ra những biện pháp nhằm thúc đẩy tăng trưởng, song theo WB, những nỗ lực này đến nay có thể là quá ít và quá muộn. Định chế tài chính lớn này cảnh báo, tình trạng tăng trưởng suy yếu có thể còn rõ rệt hơn nếu khủng hoảng tài chính nổ ra ở các nền kinh tế lớn và gây ra suy thoái kinh tế toàn cầu.

Hụt hơi của các “ông lớn” kinh tế

Cùng với cảnh báo của các định chế tài chính như IMF và WB, những số liệu thống kê đến từ các nền kinh tế lớn trên thế giới phản ánh mối lo ngại mạnh mẽ đối với thị trường và nguy cơ suy thoái phủ bóng lên bức tranh kinh tế thế giới. Nhiều dấu hiệu cho thấy kinh tế toàn cầu đang giảm tốc và tác động mạnh tới các thị trường. Bất chấp “quả bom” trần nợ của Mỹ đã được tháo gỡ trước giờ G, làm giảm nhiều nguy cơ đối với kinh tế thế giới, nhưng vẫn xuất hiện những yếu tố gây lo ngại cho tăng trưởng. Cục Dự trữ Liên bang Mỹ (FED) dự báo, nền kinh tế đầu tàu thế giới sẽ suy thoái nhẹ năm nay. Các chuyên gia kinh tế dự báo nền kinh tế Mỹ sẽ tiếp tục tăng trưởng chậm lại trong quý II năm nay, trong khi chi tiêu của người tiêu dùng và đầu tư kinh doanh suy giảm khiến nền kinh tế số một thế giới có thể rơi vào suy thoái trong nửa cuối năm.

70 nhà kinh tế tham gia cuộc khảo sát hàng tháng mới nhất của Bloomberg dự báo GDP của Mỹ có thể chỉ tăng 0,5% trong quý II-2023, thấp hơn một nửa so với mức tăng GDP của quý I. Theo các nhà kinh tế tham gia khảo sát, nguy cơ kinh tế Mỹ suy thoái trong năm 2024 vẫn duy trì ở mức 65%. Trong khi đó, các dự báo về chỉ số giá tiêu dùng cá nhân (PCE) lõi - thước đo lạm phát chính của FED, lại nhích lên cao hơn. Trong khi đó, IMF nhận định, kinh tế Trung Quốc sẽ tăng trưởng chậm lại trong trung hạn. Thời báo chuyên về kinh tế Nikkei (Nhật Bản) nhận định, do kỳ vọng đối với đà phục hồi kinh tế Trung Quốc suy yếu, giá các loại hàng hóa chủ chốt bao gồm kim loại đồng giảm 20-30% so với mức cao nhất của năm nay. Đặc biệt, đồng được ứng dụng rộng rãi trong nhiều ngành nghề như cơ sở hạ tầng, sản xuất ô tô, sản phẩm điện gia dụng… nên biến động giá đồng được quan tâm sát sao. Giá đồng giảm mạnh phản ánh mối lo ngại của thị trường đối với sự trì trệ của nền kinh tế Trung Quốc vốn chiếm 60% nhu cầu đồng toàn cầu.

Còn nước Đức đã chính thức bước vào thời kỳ suy thoái kỹ thuật sau khi số liệu cho thấy tăng trưởng của nền kinh tế lớn nhất châu Âu và lớn thứ tư thế giới giảm 2 quý liên tiếp. Nhiều tháng qua, lạm phát và giá năng lượng tăng cao, nguồn cung tắc nghẽn trong khi cả xuất khẩu và tiêu dùng sụt giảm đã phủ bóng đen lên nền kinh tế Đức và gây ra những biến động khác với quy luật phát triển kinh tế thông thường. Những tác động mọi mặt từ đại dịch Covid-19 rồi cuộc chiến tại Ukraine đang đẩy kinh tế Đức đến bờ vực khủng hoảng. Ông Ignazio Visco, Thống đốc Ngân hàng Trung ương Italia (BoI) cho rằng, cuộc khủng hoảng ở Ukraine đã tác động giá năng lượng, dẫn đến việc Ngân hàng Trung ương châu Âu (ECB) tăng lãi suất. Theo ông, cuộc xung đột Ukraine là bước ngoặt trong quan hệ quốc tế, ảnh hưởng nặng nề đến tăng trưởng, lạm phát và thương mại thế giới. Khi lạm phát gia tăng, tăng trưởng toàn cầu chậm lại trong bối cảnh bất ổn kinh tế và chính trị.