Nguy cơ nội chiến
(ANTĐ) - Phong trào Fatah của Tổng thống Palestine A. Abbas đang tích cực củng cố lực lượng để tạo dựng vai trò và uy tín với bên ngoài. Nhưng, nỗ lực của Fatah càng lớn thì nguy cơ nội chiến ở Palestine càng hiện rõ.
Những ngày này, nhiều thành viên của Fatah tại Dải Gaza hiện do lực lượng Hamas chiếm giữ đã bí mật gặp nhau để bàn cách khôi phục lại hoạt động của tổ chức này. Sau thất bại quân sự trước Hamas hồi tháng 6 vừa rồi dẫn đến việc mất quyền kiểm soát Dải Gaza, đây là lần đầu tiên Fatah công khai thách thức quyền lực của Hamas. Một thành viên của Fatah tham dự cuộc gặp tuyên bố: “Fatah sẽ hồi sinh và hùng mạnh hơn bao giờ hết. Fatah sinh ra là để chiến thắng”.
Những người ủng hộ Fatah biểu dương lực lượng ở Dải Gaza |
Trước đó, trong nỗ lực loại bỏ về mặt pháp lý quyền của Hamas, Tổng thống Palestine M. Abbas đã sửa đổi luật bầu cử, xóa bỏ hình thức bỏ phiếu trên danh sách ứng cử viên tranh cử theo khu vực bầu cử mà chỉ bầu theo danh sách đăng ký tranh cử của các chính đảng. Quy định mới này không loại bỏ Hamas khỏi các cuộc bầu cử trong tương lai. Tuy nhiên, Hamas sẽ không có cơ hội giành chiến thắng, thậm chí có thể không kiếm nổi một ghế trong Quốc hội, bởi thắng lợi của Hamas trong cuộc bầu cử năm ngoái phần lớn là nhờ sự ủng hộ đối với các ứng cử viên tranh cử ở cấp khu vực.
Thực tế thì Tổng thống M. Abbas và Fatah không có con đường nào khác. Cuộc đột kích bất ngờ của Hamas giành quyền kiểm soát Dải Gaza từ tay Fatah đã kết thúc “cái bắt tay” ngắn ngủi giữa hai phái, đồng thời đẩy Palestine rơi vào tình thế hai chính quyền, với Fatah kiểm soát khu Bờ Tây và Hamas cai quản Dải Gaza. Thực tế chia cắt đó là điều khó có thể chấp nhận và việc Fatah tìm cách giành lại quyền kiểm soát tất cả các vùng đất Palestine là điều tất yếu.
Thế nhưng, Fatah làm thế nào lấy lại quyền kiểm soát Dải Gaza trong hòa bình lại là câu hỏi quá khó. Trong khi ông M. Abbas khẳng định: “Hamas đã tự đào huyệt chôn mình do “cuộc đảo chính” mà họ gây ra ở Gaza”, thì Hamas phản ứng lại bằng tuyên bố chiến thắng của họ trong cuộc bầu cử tháng 1-2006 là hợp pháp và vẫn còn giá trị. Điều đó cho thấy dù bị thế giới cô lập sau cú “đảo chính” ở Dải Gaza, Hamas sẽ không bao giờ tự nguyện trao lại quyền quản lý Dải Gaza cho Fatah. Thậm chí kể cả khi cuộc bầu cử sớm diễn ra theo luật bầu cử mới, thì kết quả của nó cũng chẳng thể đẩy Hamas ra khỏi Gaza.
Như vậy, giải pháp chấm dứt tình trạng “hai chính quyền” ở Palestine rất có thể là con đường vũ lực. Đây cũng không phải là điều dễ dàng với Fatah. Thực tế trong cuộc đối đầu với Hamas hồi tháng 6 ở Dải Gaza, dù chiếm ưu thế hơn hẳn về lực lượng và vũ khí, lực lượng của Fatah đã phải rút chạy trước các tay súng cực đoan của Hamas, phần vì bị tập kích bất ngờ, phần vì thiếu sự chuẩn bị cho các cuộc đối đầu thực sự.
Với tương quan lực lượng còn chưa ngã ngũ như vậy, người ta lo ngại một “cuộc thử sức” nữa giữa Hamas và Fatah sẽ biến Palestine thành một biển lửa. Không ít những lực lượng bên ngoài sẽ tìm cách can thiệp, trợ giúp bên này, bên kia để bảo vệ lợi ích của mình. Hệ quả là Palestine sẽ rơi vào cuộc nội chiến.
Trước mắt, Tổng thống M. Abbas tuyên bố sẽ không tổ chức bầu cử trước khi Dải Gaza và khu Bờ Tây được tái thống nhất nhằm tránh làm căng thẳng tình hình. Nhưng nếu Hamas vẫn tiếp tục củng cố quyền lực của mình ở Dải Gaza và phớt lờ mọi nỗ lực hòa đàm của Fatah, thì nguy cơ đối đầu là điều không thể tránh khỏi.
Hoàng Sơn