Nguy cơ lây nhiễm Covid-19 ở các khu sơ tán của Indonesia

0:00 / 0:00
0:00
  • Nam miền Bắc
  • Nữ miền Bắc
  • Nữ miền Nam
  • Nam miền Nam
ANTD.VN -  Indonesia là nơi thường xuyên xảy ra các thảm họa thiên nhiên và người dân thường phải sơ tán đến những khu tạm trú đông đúc mà không có các quy trình phòng chống đại dịch. Nhiều chuyên gia đã cảnh báo về thực trạng này.
Người Indonesia gặp phải những thảm họa thiên nhiên thường trú ẩn trong những cơ sở tạm thời

Người Indonesia gặp phải những thảm họa thiên nhiên thường trú ẩn trong những cơ sở tạm thời

Là quần đảo nằm trên vành đai lửa Thái Bình Dương, Indonesia thường xuyên xảy ra động đất mạnh, sóng thần và núi lửa phun trào. Hôm 14-12, trận động đất mạnh 7,3 độ richter ở biển Flores đã khiến người dân quanh khu vực này hốt hoảng, mặc dù cảnh báo sóng thần đã được dỡ bỏ sau 2 tiếng và thiệt hại được báo cáo là nhỏ. Tuy nhiên, thiên tai ở Indonesia thường có thể nghiêm trọng hơn.

Núi lửa Semeru ở Đông Java bất ngờ phun trào hồi đầu tháng 12 đã khiến ít nhất 46 người thiệt mạng và hàng trăm người phải đi lánh nạn. Vào tháng 1-2021, hơn 40.000 người đã phải sơ tán và hàng chục người thiệt mạng ở tỉnh Nam Kalimantan sau một số trận lũ lụt tồi tệ nhất ở khu vực này trong một thập kỷ. Tiếp theo là lũ lụt lớn hơn vào tháng 11 ở tỉnh Trung Kalimantan gần đó. Các nhà chức trách đã ban bố tình trạng khẩn cấp và khoảng 10.000 người đã phải di dời.

Trong đại dịch Covid-19, nguy cơ lây lan virus sẽ gia tăng khi mọi người buộc phải rời khỏi nhà và sống trong các trung tâm sơ tán được bố trí tạm thời trong trường học, nhà thờ Hồi giáo và hội trường làng. Emi Abriyani, người đứng đầu cơ quan quản lý thảm họa ở Kalimantan cho biết, mặc dù các gia đình có không gian tách biệt nhưng đó chỉ là tương đối vì nhiều nơi trú ẩn phải hoạt động hết công suất.

Các nhà dịch tễ học cũng đã cảnh báo về nguy cơ lây truyền Covid-19 tại những trung tâm sơ tán đông đúc. Lý tưởng nhất là trong thời gian đại dịch xảy ra, những người đi sơ tán tuân thủ các quy trình nghiêm ngặt về sức khỏe công cộng như duy trì khoảng cách, đeo khẩu trang, thường xuyên rửa tay và không khí lưu thông tốt. Tuy nhiên, thảm họa thường xảy ra quá nhanh đến nỗi mọi người thậm chí không nghĩ đến các quy trình đó. Bên cạnh đó, sẽ tốt hơn nếu hầu hết mọi người ở Indonesia được tiêm đủ vaccine Covid-19. Nhưng ông Dicky Budiman, một nhà dịch tễ học từ Đại học Griffith ở Australia, bày tỏ lo lắng khi tỷ lệ tiêm chủng vẫn thấp. Theo Bộ Y tế nước này, hiện chỉ một nửa số người Indonesia được tiêm đủ 2 mũi và khoảng 70% đã được tiêm 1 liều duy nhất. Mặc dù số ca nhiễm mới đang thấp hơn sau đợt tăng đột biến vào cuối mùa hè, nhưng biến thể Omicron gần đây đã dẫn đến lo ngại về đợt bùng phát mới.

Theo chuyên gia Budiman, chính phủ Indonesia nên cập nhật bản đồ rủi ro thiên tai toàn diện hơn và thúc đẩy tiêm chủng ở những khu vực thường xuyên xảy ra thiên tai. “Ít nhất 80% cư dân trong vùng thiên tai cần phải tiêm phòng. Không chỉ người già, mà cả những người trẻ tuổi”, ông nói. Chuyên gia này cho rằng, không mất quá nhiều thời gian để chuẩn bị nơi trú ẩn an toàn nhưng thách thức lớn nhất trong đại dịch này là nguồn nhân lực, kinh phí và công cụ.

Trong khi đó, thành viên Hiệp hội các nhà dịch tễ học Indonesia, Masdalina Pane, cho biết, thật đáng tiếc nếu các trung tâm sơ tán thực hiện lỏng lẻo các quy trình y tế trong đại dịch, khiến nguy cơ lây truyền cao hơn. Bà Pane kêu gọi chính phủ xét nghiệm sàng lọc mọi người trước khi tiếp nhận họ vào nơi sơ tán.

Người phát ngôn Bộ Y tế Siti Nadia Tarmizi cho biết cơ quan quản lý thảm họa của Indonesia đã có hướng dẫn xử lý người tị nạn trong đại dịch. “Tiếp tục đeo khẩu trang và tiêm phòng ngay lập tức, đó là chìa khóa duy nhất”, người phát ngôn nhấn mạnh.