Người tiêu dùng phẫn nộ

ANTĐ - Những ngày qua, dư luận đặc biệt quan tâm đến những thông tin nghi vấn “chuyển giá” để trốn thuế của nhiều tập đoàn, công ty đa quốc gia ở Việt Nam trong đó đáng chú ý là Công ty Coca-Cola, thương hiệu nước giải khát nổi tiếng toàn cầu tiếp tục báo lỗ, đánh dấu cột mốc 18 năm kinh doanh không lãi tại thị trường Việt Nam và điều hiển nhiên là không phải đóng một đồng thuế thu nhập doanh nghiệp nào cho nước sở tại Việt Nam. 

Tương tự, PepsiCo mặc dù công bố lời lãi nhưng chẳng được bao nhiêu nên khoản thuế thu nhập doanh nghiệp gần như là... tượng trưng. Có thể kể thêm Công ty TNHH Metro Cash & Carry Việt Nam (người dân thường gọi là Siêu thị Metro), sau 11 năm mở rộng đến 19 trung tâm bán sỉ trên cả nước nhưng do lỗ nên đến nay cũng không nộp một đồng thuế thu nhập doanh nghiệp nào!

Tuy nhiên, bất chấp lỗ khủng đã “cụt cả vốn”, hồi tháng 10 vừa qua, Coca-Cola vẫn tuyên bố sẽ rót thêm 300 triệu USD vào Việt Nam trong 3 năm tới! Cũng vậy, PepsiCo vẫn liên tục khai trương các nhà máy mới. Tổng vốn đầu tư của “đại gia” này tại Việt Nam cũng vào khoảng 500 triệu USD. Vậy đâu là động lực để doanh nghiệp này tiếp tục đầu tư ở thị trường Việt Nam khi các giấy tờ sổ sách đều chứng tỏ hoạt động kinh doanh không hiệu quả, dẫn đến thua lỗ kéo dài?

Có thể đó là sức hấp dẫn từ "miếng bánh thị phần" đầy tiềm năng của thị trường Việt Nam. Nhưng lý do duy nhất được nhiều chuyên gia nhận định là nhờ "lỗ giả, lãi thật và chuyển giá" mà các doanh nghiệp có vốn đầu tư nước ngoài vẫn "sống vô tư" tại Việt Nam. “Nghi án” Coca-Cola hay Metro dùng thủ thuật để “lách, trốn” khoản thuế cực lớn sẽ được các cơ quan chức năng làm rõ và xử lý theo pháp luật. Tuy nhiên, từ những vụ việc này lại có nỗi buồn còn lớn hơn cả một khoản tiền thuế khổng lồ bị thất thoát. Số tiền thuế đáng ra Coca-Cola phải nộp  có thể lên đến hàng trăm, hàng nghìn tỷ đồng nhưng chỉ khi theo phản ánh của báo chí rằng việc Coca-Cola liên tục báo lỗ cả chục năm trời đã bộc lộ bất bình thường thì ngành thuế mới nói sẽ rốt ráo thanh kiểm tra. Buồn và đau vì những chuyện làm nghèo đất nước này. Ai trong 80 triệu người dân Việt Nam hẳn cũng đã có lần mua hàng của thương hiệu này. Nhưng tiền của triệu triệu người tiêu dùng cứ thế đổ về công ty mẹ ở một nước tư bản khác mà không để lại cho đất nước ta một chút lợi nhuận nào. Đất nước bị tổn thất một khoản ngân sách không nhỏ ?!

Ngay từ năm 2000 đã có một đề tài cấp Bộ về vấn đề “chuyển giá” để trốn thuế này, nhưng lại được ít cơ quan chức năng quan tâm. Qua hàng chục năm trời những đồng tiền mồ hôi nước mắt người dân cứ “đội nón” ra đi tận phương trời nào. 

Sau những thông tin về chuyện lỗ, lãi của Coca-Cola, đã có rất nhiều ý kiến bức xúc về trách nhiệm của doanh nghiệp này và trách nhiệm của cơ quan quản lý Nhà nước có liên quan. Song, điều đáng nói là, tình trạng doanh nghiệp "lỗ giả, lãi thật và chuyển giá" không phải là vấn đề của riêng Việt Nam mà cả ở các quốc gia như Anh, Australia hay Trung Quốc cũng có. Nhưng bên cạnh việc xử lý nghiêm ngặt của các đơn vị chức năng thì thấy ở các nước khác mỗi khi phát hiện ra sự lừa đảo trốn thuế trắng trợn lập tức người tiêu dùng bày tỏ thái độ phẫn nộ của mình với làn sóng tẩy chay sản phẩm của các doanh nghiệp nọ, thương hiệu kia... Ví như ở Anh, dù vụ kiện chuỗi cửa hàng cà phê lớn nhất thế giới Starbucks chuyển giá đã chưa thể buộc công ty này nộp thuế. Nhưng, hình phạt lớn nhất với hành động gian lận có hệ thống này là sự quay lưng của người tiêu dùng. Nhưng để cứu vãn tình thế sập tiệm, Starbucks đã tự nguyện xin nộp 32 triệu USD tiền thuế doanh nghiệp để kêu gọi sự quay lại của người tiêu dùng với sản phẩm của mình tại thị trường Anh. 

Người tiêu dùng Việt cũng đến lúc phải ứng xử phẫn nộ, nhất với sản phẩm thuộc lĩnh vực đồ uống, nước giải khát không phải chỉ có riêng một Coca-Cola, siêu thị không chỉ có một mình Metro một chợ.