Người tiêu dùng có thể khiếu nại

ANTĐ - Người dân sở hữu vàng đang chịu nhiều thiệt thòi sau khi Ngân hàng Nhà nước thông báo vàng SJC là nhãn hiệu quốc gia. Về việc này, PV ANTĐ đã có cuộc trao đổi với ông Vương Ngọc Tuấn - Phụ trách Văn phòng tư vấn khiếu nại (Hội Tiêu chuẩn và Bảo vệ người tiêu dùng Việt Nam - Vinastas).

- PV: Có trường hợp doanh nghiệp vàng phi SJC đã ép người dân để mua vào với giá thấp hơn giá niêm yết 1 triệu đồng/lượng. Vậy theo ông, Ngân hàng Nhà nước cần có giải pháp như thế nào để đảm bảo quyền lợi cho người tiêu dùng?

- Ông Vương Ngọc Tuấn: Vàng là vàng, dù có phải SJC hay không. Việc lấy vàng nhãn hiệu SJC làm “chuẩn” dẫn đến vàng nhãn hiệu khác dù là vàng như thế, chất lượng như thế lại không có giá trị như thế. Đây là việc cần xem xét lại vì ít nhiều tạo nên tính chất độc quyền của một nhãn hiệu, tạo lợi thế cho một doanh nghiệp, gây nên tâm lý người tiêu dùng cứ phải sử dụng loại vàng đó, vàng khác thì không giá trị bằng. Từ đó dẫn đến những lộn xộn, làm giả thương hiệu SJC. Người dân mua phải vàng nhái SJC, rồi phải cắt ra thành từng miếng vàng để kiểm định càng làm vàng mất giá trị và họ thêm thiệt thòi…

Theo tôi, thực hiện công bằng trên thị trường là việc của cơ quan quản lý nhà nước. Phải làm sao để người ta thấy vàng 98% phải có giá trị tương đương như nhau dù mang bất cứ thương hiệu nào hoặc ít nhất phải có đủ vàng nhãn hiệu SJC, cung cấp thuận lợi ở mọi nơi với cùng một giá, cho mọi người tiêu dùng có nhu cầu, cũng như những công ty kinh doanh vàng khác. 

- Báo ANTĐ nhận được phản ánh của người dân về việc, họ rút số vàng đã gửi từ một ngân hàng thương mại nhưng khi mang số vàng này đi thực hiện một giao dịch khác, số vàng này bị cho là nhái và bị niêm phong. Tuy nhiên, họ không có chứng cứ để chứng minh số vàng này đã rút ra từ ngân hàng?

- Việc giao dịch giữa ngân hàng với khách hàng chắc chắn phải có chứng từ, hóa đơn. Theo quy định của luật pháp và ngành ngân hàng thì mọi giao dịch đều có giấy tờ. Người tiêu dùng nên kiểm tra lại, nếu không thấy thỏa đáng có thể khiếu nại đến chính ngân hàng mà mình đã giao dịch hoặc nhờ các cơ quan chức năng liên quan vào cuộc điều tra.

- Nếu bị xâm hại quyền lợi trong các giao dịch vàng, người tiêu dùng có thể phản ánh với cơ quan nào, thưa ông?

- Hiện nay có 2 hệ thống cơ quan, tổ chức tham gia bảo vệ quyền lợi người tiêu dùng. Một là hệ thống các tổ chức xã hội như Vinastas với 44 hội thành viên trên toàn quốc. Hai là hệ thống cơ quan quản lý nhà nước liên quan đứng đầu là Bộ Công Thương, Cục Quản lý cạnh tranh, Sở Công Thương các tỉnh, thành phố. Ngoài ra, Tổng cục Tiêu chuẩn Đo lường Chất lượng cũng có trách nhiệm tiếp nhận các phản ánh từ người dân bị xâm hại quyền lợi.