"Người sắt" Đặng Ngọc Lâm: "Trên đường chạy, vô cùng nguy hiểm nếu không biết lắng nghe cơ thể mình"

ANTD.VN - Là một người giàu kinh nghiệm trên đường chạy, đặc biệt là từng trải qua ca thập tử nhất sinh vì sốc nhiệt, "Người sắt" Đặng Ngọc Lâm có những chia sẻ sau ca tử nạn đáng tiếc của chàng trai 24 tuổi Võ Văn Thơm ở HCMC Marathon 2019.

Như Báo ANTĐ đã đưa, trên đường chạy 42km giải HCMC Marathon, VĐV 24 tuổi Võ Văn Thơm đã kiệt sức và đột tử khi vừa tới km thứ 18 của hành trình. Khi được các bác sĩ tiếp cận, nạn nhân ở trong tình trạng ngưng tim. Dù các bác sĩ đã rất nỗ lực dùng mọi biện pháp như ép tim, sốc điện và dẫn thuốc vào mạch để hồi sức cho tim, nhưng chàng trai quê Bình Thuận đã không thể qua khỏi khi được đưa đến bệnh viện FV.

"Người sắt" Đặng Ngọc Lâm

Theo các bác sĩ, Thơm không có tiền sử về bệnh tim mạch và đã từng hoàn thành cự ly 42km trong những giải chạy năm 2018. Nguyên nhân tử vong, có khả năng do VĐV này hoạt động quá sức chịu đựng, dẫn đến trụy tim.

Các VĐV tham gia đường chạy Marathon HCMC 2019 nói riêng và những người yêu chạy bộ nói chung đã rất sốc trước thông tin này. Trao đổi với phóng viên ANTĐ, anh Đặng Ngọc Lâm, được mệnh danh là "Người sắt" khi từng vượt qua đường đua khắc nghiệt nhất thế giới “Đường đua nhiệt đới” Ironman Langkawi tại Malaysia (3 môn phối hợp với quãng đường 226 km), cho biết khi tham gia chạy marathon, các vận động viên cả chuyên nghiệp và phong trào đều phải hết sức cẩn trọng, vì nó ảnh hưởng trực tiếp đến tính mạng.

VĐV xấu số Võ Văn Thơm tử nạn sau cơn đột quỵ trên đường chạy 42km

Nhiều bạn trẻ có khát khao chính phục những cự ly lớn nhất như 42km, nhưng lại không được trang bị đầy đủ kiến thức, kỹ năng, dẫn tới những hậu quả vô cùng đáng tiếc như trường hợp của Võ Văn Thơm. 

“Tôi thật sự buồn khi nghe tin Võ Văn Thơm qua đời. Bản thân tôi cũng từng trải qua những giây phút thập tử nhất sinh trên đường chạy, nên rất hiểu. Khi bạn chinh phục được những cột mốc ban đầu như 5km hay 10km, bạn sẽ có một khát khao ghê gớm chinh phục những chặng dài hơn. Đó gần như một bản năng của người chạy marathon vậy.

Nhưng tôi nghĩ trong bất cứ trường hợp nào, người chạy bộ trước tiên phải biết lắng nghe cơ thể mình. Ngoài những chế độ ăn uống, luyện tập và kỹ năng trên đường chạy, nhất định không được hoạt động quá sức chịu đựng. Cơ thể của chúng ta dù khỏe đến đâu thì cũng luôn có giới hạn nhất định. Hãy biết lắng nghe nó để tránh những hậu quả đáng tiếc".