Người Nhật ngại sinh đẻ - ông bố có 4 con được làm bộ trưởng dân số

ANTĐ - Với việc lập ra hẳn một bộ mới trong cuộc cải tổ nội các, đồng thời bổ nhiệm người cha của 4 người con đứng đầu cơ quan chuyên trách về vấn đề dân số và an sinh xã hội này, Thủ tướng Shinzo Abe rõ ràng muốn “tuyên chiến” với cuộc khủng hoảng già hóa dân số của nước Nhật.
Người Nhật ngại sinh đẻ - ông bố có 4 con được làm bộ trưởng dân số ảnh 1

Cuộc khủng hoảng già hóa dân số đang đặt ra nhiều thách thức cần giải quyết cho nước Nhật

Trong cuộc cải tổ nội các thu hút sự quan tâm của dư luận, Thủ tướng Shinzo Abe ngày 7-10 đã lập thêm một chiếc ghế bộ trưởng mới phụ trách các vấn đề cải thiện xã hội. Nguyên Phó Chánh Văn phòng nội các Katsunobu Kato, ông bố có 4 con, đã được Thủ tướng Abe tin tưởng giao trọng trách đứng đầu cơ quan mới này với kỳ vọng ông sẽ giúp giải quyết cuộc khủng hoảng già hóa dân số ngày càng trầm trọng của nước Nhật.

Theo thống kê mới nhất công bố hồi tháng 7 vừa qua, dân số Nhật Bản tính đến ngày 1-1-2015 là 126,163 triệu người, giảm 271.058 người so với một năm trước đó và là mức giảm lớn nhất kể từ khi tiến hành điều tra dân số từ năm 1968. Tuy số cư dân nước ngoài ở Nhật Bản tăng thêm 59.528 người (tương đương 2,97%) lên 2.062.907 người, song tính chung tổng dân số Nhật Bản cộng với dân cư không phải công dân Nhật vẫn giảm 211.530 người, tương đương 0,16%.

Việc dân số Nhật Bản sụt giảm trong năm thứ sáu liên tiếp cho thấy tình trạng giảm dân số đang gia tăng một cách đáng lo ngại khi số lượng phụ nữ ở tuổi sinh đẻ giảm xuống, trong khi các phụ nữ sinh ra trong thời kỳ bùng nổ dân số hiện đã bước sang tuổi 40. Theo số liệu đăng ký dân cư do Bộ Nội vụ và Thông tin Nhật Bản cung cấp, số lượng sinh trong năm 2014 giảm xuống 1.003.554 người, mức thấp nhất kể từ năm 1979, trong khi số người chết tăng lên mức kỷ lục 1.270.311 người. 

Dường như, người Nhật đang ngại sinh con đẻ cái. Tỷ lệ sinh đẻ ngày càng giảm đã đẩy Nhật Bản tới cuộc khủng hoảng già hóa dân số trầm trọng bậc nhất thế giới. Số người từ 65 tuổi trở lên ở nước này đã chạm mốc gần 33 triệu người, chiếm khoảng 26% tổng dân số, trong đó nam giới là 14,21 triệu người và nữ giới là 18,75 triệu. Ngoài ra, số người từ 75 tuổi trở lên đã lần đầu tiên đạt mức 12,5% tổng dân số, tức là cứ 8 người thì có 1 người ở độ tuổi 75 trở lên.

Tốc độ già hóa dân số nhanh chóng đẩy Nhật Bản đứng trước nhiều thách thức gay gắt, đó là vấn đề thiếu hụt lực lượng lao động, khả năng chi trả thuế và các khoản bảo hiểm giảm... Lực lượng lao động vì thế sẽ càng phải gồng mình để gánh vác hệ thống thuế và an sinh xã hội. 

Để giải quyết cuộc khủng hoảng dân số tồi tệ, chính quyền Thủ tướng Abe đã triển khai một loạt biện pháp nhằm đối phó với tỷ lệ sinh thấp đến năm 2020, như thúc đẩy dịch vụ mai mối hôn nhân, tạo điều kiện cho nam giới tham gia chăm sóc trẻ và tăng hỗ trợ các gia đình có từ 3 con trở lên. Song chính quyền Thủ tướng Abe cho rằng, điều đó là chưa đủ để thực hiện chính sách Abenomics giai đoạn hai, nên đã lập hẳn một bộ mới chuyên trách về an sinh xã hội và thúc đẩy gia tăng dân số do một người cha có 4  con đứng đầu.

Với nhiều giải pháp đồng bộ, Chính phủ Nhật Bản hy vọng, nếu tăng tỷ lệ sinh lên 1,8 đến năm 2030 và 2,07 đến năm 2040, Nhật Bản có thể chặn đứng tình trạng dân số già hóa và giảm xuống dưới mức 100 triệu người vào năm 2060. Trong guồng quay bất tận của một xã hội công nghiệp với vô vàn sức ép, Chính phủ Nhật Bản đang tính đến những biện pháp hỗ trợ tối đa để có thể nhân lên giống nòi đang bị suy giảm về số lượng, khi lượng cư dân cứ bị ít đi vì người Nhật ngại sinh con đẻ cái.