Người hùng cứu sống 400 người trong cuộc diệt chủng ở Rwandan 25 năm trước

ANTD.VN - Damas Gisimba đã được Nhà nước Rwanda vinh danh khi cứu sống hơn 400 người trong cuộc diệt chủng năm 1994. Tuy vậy, người đàn ông kiên cường và đầy bản lĩnh đó lại rất khiêm tốn khi nhắc đến thời kỳ xảy ra cuộc tàn sát hàng loạt người dân tộc Tutsi 25 năm trước.

 Người hùng cứu sống 400 người trong cuộc diệt chủng ở Rwandan 25 năm trước ảnh 1Hiện giờ ông Damas Gisimba vẫn quan tâm chăm sóc những đứa trẻ thiệt thòi bằng các hoạt động sau giờ học

Tại Trung tâm tưởng niệm Gisimba ở ngoại ô Kigali, Rwanda, một nhóm trẻ con vẫn chơi bóng rổ mỗi buổi chiều. Đây vốn là một trại trẻ mồ côi được ông bà Peter và Dancilla Gisimba thành lập vào đầu những năm 1980, và hiện giờ trở thành trung tâm hoạt động sau giờ học dành cho trẻ em có hoàn cảnh khó khăn. Nhưng trên hết, đó là một nơi lưu giữ ký ức không quên đối với người Tutsi trong cuộc diệt chủng ở Rwandan.

Khi các vụ giết người hàng loạt bắt đầu xảy ra 25 năm trước, anh em Elvis, Jean Francois và Damas Gisimba, tộc người Hutu đang điều hành trại trẻ mồ côi do cha mẹ quá cố của họ để lại. Trong số đó, ông Damas được coi như một vị anh hùng khi đối mặt với đội quân xộc vào trung tâm với ý định giết hơn 400 người lớn và trẻ em Tutsi đang lánh nạn ở nơi này. 

Người hùng khiêm tốn

Ông Damas vẫn còn nhớ như in ký ức về thời kỳ diệt chủng và những khó khăn để đẩy đuổi những kẻ giết người ra khỏi trại trẻ mồ côi. “Tình hình rất kinh khủng. Tiếng khóc ở khắp mọi nơi, các vụ giết người diễn ra trên diện rộng. Cứ khi nào Interahamwe - Tổ chức bán quân sự người Hutu - và binh lính đến, chúng tôi lại đứng ra ngăn họ lại”.

Khi đó, khó khăn chồng chất do thiếu thức ăn, nước và điện nhưng ông vẫn hy vọng có thể bảo vệ được tất cả mọi người và trấn an họ vượt qua thử thách. “Thử tưởng tượng mọi chuyện sẽ thế nào, đặc biệt là đối với những đứa trẻ mới biết đi khi chúng không thể hiểu chuyện gì đang xảy ra. Một số trẻ không biết tại sao chúng không được ở cùng bố mẹ, trong khi những đứa trẻ khác bị thương sau khi chứng kiến cha mẹ chúng bị giết”.

Sau cuộc nội chiến, ông Damas đã được trao tặng Huân chương Tổng thống Umurinzi ghi nhận hành động dũng cảm. Mặc dù được nhiều người Rwanda coi là anh hùng nhưng Damas chỉ tự nhận mình là một người Hutu bình thường, bởi đơn giản đó là nghĩa vụ cần phải bảo vệ những người dễ bị tổn thương nhất vào thời điểm họ cần nhất. “Tôi đã nghe người ta gọi tôi là anh hùng vì những điều tôi đã làm được trong cuộc diệt chủng. Nhưng cá nhân tôi cảm ơn vì đã cho phép tôi làm những gì tôi đã làm. Tôi không mong đợi bất kỳ phần thưởng nào từ bất cứ ai. Đó chỉ là lòng trắc ẩn mà tôi nghĩ rằng những người khác cũng làm như vậy”.

Cùng chung suy nghĩ đã có rất nhiều người đấu tranh chống lại thời kỳ diệt chủng kinh hoàng ấy, em trai của Damas - Jean Francois Gisimba, người đang sống cùng gia đình ở thành phố Cologne của Đức cho rằng: “Thay vì nói về bản thân mình như những anh hùng, tôi nghĩ rằng chúng ta nên nghĩ nhiều hơn về những người như Carl Wilkens, người Mỹ duy nhất ở lại Rwanda trong thời kỳ đen tối đó. Ông ấy liều mạng mỗi ngày để mang thức ăn và nước uống cho mọi người”. 

Ký ức không bao giờ quên

Philbert Gakuba, người đang theo học tại thành phố Kiel của Đức khi cuộc diệt chủng bắt đầu, dù đã không còn người thân nào trong gia đình nhưng vẫn hết lời ca ngợi những người như anh em Gisimba, người đã đứng lên bảo vệ người Tutsi trong cuộc diệt chủng. Họ không chỉ lo cho nhu cầu cơ bản của trẻ em mồ côi mà còn dạy chúng không có tư tưởng phân biệt chủng tộc - một bài học quan trọng để chung sống hòa bình.

“Có những tổ chức và cá nhân người Hutu đã cứu mạng Tutsi cho đến khi cuộc diệt chủng kết thúc. Những người này không bao giờ nuôi dưỡng hệ tư tưởng diệt chủng. Thay vào đó, họ chọn cách che chở Tutsi trong nhà của họ. Những người này là anh hùng. Chúng tôi phải cảm ơn họ. Và chúng tôi sẽ luôn nhớ những người đã trả giá cho việc này”, ông Gakuba nói.  Mặc dù trại trẻ mồ côi không còn nữa, nhưng Trung tâm tưởng niệm Gisimba sẽ vẫn có một vị trí đặc biệt trong trái tim của nhiều người Rwanda.