Những cuộc diệt chủng thảm khốc nhất trong lịch sử nhân loại

ANTD.VN - 25 năm trước, ngày 7-4-1994, nạn diệt chủng Rwanda đã khiến cả nhân loại kinh hoàng khiến hơn 1 triệu người thiệt mạng. Đáng buồn thay, đây không phải thảm họa diệt chủng duy nhất từng xảy ra trong lịch sử.

Thảm họa diệt chủng Holocaust

Thảm họa diệt chủng Holocaust diễn ra vào Thế chiến II được xem là một trong những sự kiện tồi tệ nhất trong lịch sử nhân loại, với 11 triệu người, trong đó có 6 triệu người Do Thái thiệt mạng dưới tay Phát xít Đức.

Vụ diệt chủng Holocaust là vụ diệt chủng kinh hoàng nhất trong lịch sử nhân loại

Có đến một phần tư nạn nhân của thảm họa diệt chủng này bị giết hại dã man chỉ trong vòng 3 tháng, đánh dấu thời kỳ con người bị tàn sát thảm khốc nhất trong thế kỷ 20.

Cuộc diệt chủng này dựa trên luật Nuremberg – luật về bài trừ người Do Thái của Đức quốc xã – quy định những ai được cho là công dân Đức. Theo đó, quyền công dân chỉ được trao cho những người mang dòng máu Đức. Ngoài ra, luật cũng quy định những ai trong vòng ba đời huyết thống có người thân là người Do Thái (dù chỉ một người) sẽ bị tính là người Do Thái.

Trong hai ngày 29 và 30- 9-1941, quân Đức quốc xã đã hành quyết 33.771 người Do Thái tại hẻm núi Babi Yar gần Kiev. Vụ thảm sát tại Babi Ya cũng đánh dấu bước khởi đầu cho lịch sử Holocaust ở Ukraine khi hơn 1,5 triệu người Do Thái đã biến mất khỏi thế giới chỉ để thỏa mãn tham vọng của Adolf Hitler về một châu lục không có người Do Thái.

Tiếp đó, tháng 10-1941, hơn 50.000 người Do Thái bị quân đội Romania giết hại. Người ta còn gọi sự kiện này là "thảm sát Odessa". Vụ việc nằm trong chuỗi tội ác do Phát xít Đức và các nước cùng phe gây ra trong cuộc thảm sát chủng tộc Holocaust thời Thế chiến II.

Vụ thảm sát Nam Kinh

Thảm sát Nam Kinh, thường được gọi là vụ "Cưỡng hiếp Nam Kinh", là một tội ác chiến tranh do quân đội Nhật Bản tiến hành bên trong và xung quanh thành phố Nam Kinh, Trung Quốc sau khi thành phố này rơi vào tay Quân đội Thiên Hoàng Nhật Bản ngày 13-12-1937.

Hàng chục nghìn người Trung Quốc bị sát hại 

Trong khi chiếm đóng Nam Kinh, quân đội Nhật Bản đã thực hiện nhiều hành động tàn ác như hãm hiếp, cướp bóc, đốt phá và thậm chí chùng hành quyết cả những người bị coi là tù binh chiến tranh và thường dân. Tuy những vụ hành quyết diễn ra trong bối cảnh nhiều binh lính Trung Quốc giả dạng làm thường dân, song một số lớn dân thường vô tội đã bị quy là binh lính địch và bị giết hại tàn nhẫn. Một số thậm chí còn bị giết hại không lý do. Cả phụ nữ và trẻ em cũng không thoát khỏi những hành động tội ác của chúng. Đặc biệt, những vụ hãm hiếp và giết người ngày càng lan rộng ở cả những vùng ngoại ô Nam Kinh.

Con số thương vong cụ thể là một chủ đề được bàn cãi hết sức gay gắt giữa các nhà nghiên cứu. Các ước tính từ 40.000 lên đến 300.000 người. Con số 300.000 người lần đầu tiên được Harold Timperly, một nhà báo tại Trung Hoa trong thời gian này đưa ra vào tháng 1 năm 1938. Con số này có lẽ bao gồm cả những người bị thảm sát ở những vùng xung quanh thành phố Nam Kinh trong thời gian chiếm đóng của Nhật Bản.

Diệt chủng Campuchia

Cuộc diệt chủng Campuchia là cuộc diệt chủng mà chế độ Khmer Đỏ (Khmer Rouge) do Pol Pot lãnh đạo, thực hiện tại Campuchia từ giữa năm 1975 đến 1979.

Người dân Campuchia chạy sang Việt Nam lánh nạn diệt chủng của Khmer Đỏ

Đặc điểm kỳ dị của cuộc diệt chủng này nằm ở ý thức hệ của những kẻ lãnh đạo. Ý thức hệ đóng vai trò quan trọng trong cuộc diệt chủng này. Mong muốn của Khmer Đỏ khi ấy là đưa đất nước trở lại với "quá khứ huyền thoại", mong muốn ngăn chặn viện trợ từ nước ngoài, điều mà họ coi là một ảnh hưởng xấu, mong muốn khôi phục lại đất nước thành một xã hội nông nghiệp. Và cách thức mà họ sử dụng để đạt được mục tiêu này đã tạo ra nạn diệt chủng Campuchia. Một lãnh đạo Khmer Đỏ nói, phải "thanh lọc quần chúng", và các vụ giết người bắt đầu.

Các ước tính cho thấy có từ 500.000 đến 3 triệu người đã chết trong cuộc diệt chủng này. Cho đến nay, người ta đã phát hiện trên 20.000 ngôi mộ tập thể chôn lấp các nạn nhân của vụ thảm sát trên, những ngôi mộ này có tên gọi là  Cánh đồng chết.

Nạn diệt chủng Rwanda

Nạn diệt chủng Rwanda, còn được biết dưới tên gọi Diệt chủng người Tutsi, là vụ giết người hàng loạt bởi chính quyền Rwanda do đa số người Hutu lãnh đạo, nhắm tới sắc tộc Tutsi ở nước này. Ước chừng 500.000 tới 1.000.000 người Rwanda, tức 70% dân số người Tutsi, bị sát hại trong 100 ngày diễn ra nạn diệt chủng, từ 7-4 đến giữa tháng 7-1994.

Cuộc diệt chủng Rwanda để lại nỗi ám ảnh khôn nguôi với những người sống sót

Chỉ trong vòng 100 ngày, có tới trên 800.000 người Tutsi và hơn 200.000 người Hutu ôn hòa bị giết, ghi dấu ấn vào một trong những nạn diệt chủng kinh hoàng nhất trong lịch sử nhân loại.

Theo số liệu công bố của Liên Hợp Quốc, chỉ còn khoảng 300.000 đến 400.000 người Tutsi sống sót sau thảm họa diệt chủng nhờ chạy trốn sang các nước láng giềng Burundi, Tanzania và Uganda.