Người Hà Nội 'dài cổ' chờ xe đạp công cộng

0:00 / 0:00
0:00
  • Nam miền Bắc
  • Nữ miền Bắc
  • Nữ miền Nam
  • Nam miền Nam
ANTD.VN - Từ đầu năm 2022, Sở GTVT Hà Nội và Công ty CP Tập đoàn Trí Nam (nhà đầu tư) thí điểm mô hình xe đạp công cộng và đã được UBND TP Hà Nội thông qua. Song đến nay, người dân Thủ đô vẫn mòn mỏi chờ loại hình vận tải công cộng này xuất hiện.

Rậm rịch mãi mà chưa thấy xe đâu

Vào tháng 6/2022, thành phố Hà Nội chấp thuận để Sở GTVT và nhà đầu tư là Công ty CP Tập đoàn Trí Nam (Công ty Trí Nam) triển khai dự án xe đạp công cộng giai đoạn 1 tại một số quận nội thành.

Đối tượng phục vụ của dự án là người dân sử dụng dịch vụ vận tải hành khách công cộng, học sinh - sinh viên, khách du lịch… Xe đạp công cộng sẽ giúp đi lại trong nội đô Hà Nội, kết nối giữa bến xe buýt, nhà ga đường sắt đô thị, các khu đô thị, mua sắm…

Đến tháng 12/2022, UBND TP Hà Nội đã thống nhất về chủ trương triển khai thí điểm dịch vụ xe đạp đô thị trên địa bàn TP theo đề xuất của Sở GTVT, thời gian thí điểm 12 tháng khi đảm bảo điều kiện về mặt bằng, phương tiện và các quy định có liên quan.

Giai đoạn 1 của dự án, nhà đầu tư sẽ đầu tư 1.000 xe đạp, trong đó có 50% là xe đạp điện, bố trí tại các quận trung tâm là Ba Đình, Tây Hồ, Đống Đa, Thanh Xuân, Hai Bà Trưng, Hoàn Kiếm.

Mô hình xe đạp công cộng mà Công ty Trí Nam sẽ đưa vào vận hành ở Hà Nội

Mô hình xe đạp công cộng mà Công ty Trí Nam sẽ đưa vào vận hành ở Hà Nội

Để có điểm kết nối giữa xe đạp công cộng với người dân, dự án đề nghị các quận bố trí trên 90 điểm đỗ trên vỉa hè hoặc công viên, mỗi điểm đỗ cần diện tích từ 120 đến 150 m để làm “Trạm dừng Xe đạp công cộng”.

Dù vậy đến nay, đầu tháng 7/2023, dự án xe đạp công cộng của Công ty CP Tập đoàn Trí Nam vẫn chưa thể đưa vào triển khai.

Đại diện Sở GTVT Hà Nội cho biết, hiện dự án xe đạp công cộng không còn gặp khó khăn gì về thủ tục cũng như mặt bằng làm trạm dừng đỗ.

Về nguyên nhân khiến xe đạp công cộng chưa thể hoạt động trên đường, đại diện Sở GTVT Hà Nội cho hay, là do số lượng xe Công ty Trí Nam nhập để vận hành tại 90 điểm ở các quận nội thành giai đoạn 1 khá lớn, lên đến 1.000 xe, đặc biệt trong đó có 500 xe đạp điện.

Đây là loại xe đạp có động cơ lần đầu tiên được nhà đầu tư triển khai ở Việt Nam nên cần huy động nguồn vốn lớn và thời gian chờ để được nhà sản xuất cung cấp đủ xe.

Một trạm tập kết, cho thuê xe đạp công cộng trên đường Đào Tấn

Một trạm tập kết, cho thuê xe đạp công cộng trên đường Đào Tấn

Chậm trễ do lỗi kỹ thuật

Thông tin về sự chậm trễ này, ông Đỗ Bá Dân, Chủ tịch HĐQT, Công ty CP Tập đoàn Trí Nam lý giải, nguyên nhân hàng đầu gây chậm trễ triển khai đề án xe đạp công cộng là do lỗi kỹ thuật.

Theo đó, tại các địa phương khác, Trí Nam chỉ triển khai xe đạp cơ, còn tại Hà Nội Trí Nam đưa vào 50% xe đạp cơ, 50% là xe đạp điện công cộng nên thời gian để xử lý yêu cầu về kỹ thuật lâu hơn.

“Mô hình xe đạp điện công cộng trên thế giới cũng không nhiều thành phố triển khai. Nguyên do bởi thiết kế 1 chiếc xe đạp điện để ngoài trời mưa nắng, cùng với quá trình sử dụng công cộng khá phức tạp, làm sao phải có phương án tối ưu nhất.

Đặc biệt trong bối cảnh khí hậu ở Hà Nội nóng ẩm, rất dễ gây hư hỏng pin”- ông Dân lý giải, đồng thời cho biết, hiện sau 4 lần đưa xe về vận hành thử đến nay đã gần như hoàn thiện.

Trong tháng 7 này, Công ty Trí Nam sẽ nhập về 100 xe đạp điện đầu tiên, và khoảng cuối tháng 8, đầu tháng 9 sẽ đưa số xe này cùng với 500 xe đạp cơ vào vận hành giai đoạn 1.

Sau đó, qua thực tế đánh giá sẽ có cải tiến thêm cho phù hợp và tiếp tục đưa vào vận hành 400 xe đạp điện còn lại, nâng tổng số xe đạp lên 1.000 chiếc như Đề án đưa ra.

Số xe đạp này sẽ được Công ty phân bổ tại 79 điểm cho thuê xe đạp trên địa bàn các quận.

Ông Dân cũng khẳng định, tiến độ nói trên sẽ là tiến độ cuối cùng, xe đạp điện công cộng sẽ ra mắt người dân Thủ đô trước ngày 2/9 vì hiện tại mọi thứ đã gần như hoàn tất, không còn lý do gì để trì hoãn.

Lãnh đạo Công ty Trí Nam cũng chia sẻ thêm một số cải tiến khi đưa xe đạp điện công cộng vào vận hành. Cụ thể như, 79 điểm cho thuê xe đạp công cộng đều được bố trí tại các điểm dễ dàng tiếp cận giao thông, đầu mối xe buýt, metro, trung tâm thương mại hay khu tập trung các trường học lớn… trên địa bàn Thủ đô.

Đặc biệt, người dân có nhu cầu thuê xe đạp công cộng sẽ không cần phải đặt cọc. Chỉ cần nạp từ 5.000-10.000 đồng… tùy theo thời gian đi lại của người dân.

Thậm chí, ông Dân cho biết, Công ty đang nghiên cứu cả phương án cho người dân nợ… cước có thể trả vào lần thuê sau. Giá cho thuê phía Công ty Trí Nam đưa ra ở mức 5.000 đồng/30 phút với xe đạp cơ và 10.000 đồng/30 phút với xe đạp điện.

“Sẽ cải tiến tối ưu mọi thứ để làm sao người dân thấy thoải mái nhất khi đến với dịch vụ. Dịch vụ công cộng không thể chỉ đề phòng một vài người có ý đồ xấu mà gây bất lợi, khó khăn cho hàng nghìn, thậm chí hàng triệu người sử dụng”- ông Dân chia sẻ.