Người dân tăng gửi tiền ở ngân hàng, doanh nghiệp lại rút ra

0:00 / 0:00
0:00
  • Nam miền Bắc
  • Nữ miền Bắc
  • Nữ miền Nam
  • Nam miền Nam
ANTD.VN - Trong khi tiền gửi của người dân vào hệ thống ngân hàng liên tục tăng trong quý I/2023 thì các doanh nghiệp lại có xu hướng rút tiền ra.

Theo số liệu của Ngân hàng Nhà nước, tiền gửi khu vực dân cư vào hệ thống ngân hàng liên tục tăng khá mạnh kể từ đầu năm đến nay.

Trong đó, tăng mạnh nhất là trong tháng 1/2023, với hơn 177.000 tỷ đồng được gửi thêm vào các ngân hàng so với tháng 12/2022. Tiếp theo là tháng 2 với gần 137.000 tỷ và tháng 3 là hơn 100.000 tỷ.

Như vậy, tính chung 3 tháng đầu năm, lượng tiền gửi dân cư vào hệ thống ngân hàng đã tăng khoảng 415.000 tỷ đồng – mức cao nhất trong hơn 10 năm qua. Bình quân của 7-8 năm gần đây, lượng tiền gửi của dân cư gửi thêm vào hệ thống ngân hàng trong quý đầu năm chỉ khoảng 150.000 tỷ đồng.

Tính đến cuối tháng 3 tiền gửi dân cư tại các tổ chức tín dụng đạt 6,28 triệu tỷ đồng, tăng 7% so với đầu năm.

Lượng tiền gửi dân cư cư vào hệ thống ngân hàng tăng mạnh trong quý I/2023

Lượng tiền gửi dân cư cư vào hệ thống ngân hàng tăng mạnh trong quý I/2023

Trên thực tế, mặt bằng lãi suất tăng nóng trong khoảng cuối năm 2022. Bước sang đầu năm 2023, lãi suất có giảm nhiệt trước những chỉ đạo quyết liệt của Chính phủ và Ngân hàng Nhà nước, song mặt bằng lãi suất vẫn ở mức rất cao. Nhiều người dân đã tranh thủ gửi tiền trước khi lãi suất giảm mạnh kể từ đầu quý 2 đến nay. Đây cũng là thời điểm hầu hết các kênh đầu tư khác như chứng khoán, bất động sản, vàng... đều gặp khó khăn.

Trái ngược với xu hướng của dân cư, lượng tiền gửi của các tổ chức kinh tế tại ngân hàng vào cuối quý I giảm gần 4,9% so với đầu năm, xuống còn 5,66 triệu tỷ đồng. Tiền gửi tổ chức kinh tế chững đà tăng trong suốt năm ngoái, gần như chỉ đi ngang, trước khi suy giảm kể từ đầu năm nay.

Nguyên nhân có thể do nhiều doanh nghiệp gặp khó khăn nên có xu hướng rút tiền về để trang trải các chi phí.

Xu hướng trái chiều giữa tiền gửi của dân cư và doanh nghiệp khiến tổng lượng tiền gửi chảy vào hệ thống ngân hàng chỉ tăng khoảng 1% kể từ đầu năm, tương đương tăng gần 150.000 tỷ đồng.

Tuy nhiên hiện nay, thanh khoản của hệ thống ngân hàng vẫn đang dư thừa trong bối cảnh tăng trưởng tín dụng thấp chưa từng có trong nhiều năm qua. Điều này xảy ra trong bối cảnh các doanh nghiệp bất động sản gặp loạt vướng mắc pháp lý, không thể triển khai dự án mới, trong khi nhóm doanh nghiệp sản xuất kinh doanh cũng thiếu đơn hàng, phải thu hẹp quy mô.

Lãnh đạo Ngân hàng Nhà nước và các ngân hàng thương mại đều cho rằng, trong bối cảnh thanh khoản dư thừa, các ngân hàng cũng đang “đỏ mắt” tìm doanh nghiệp để cho vay.