Ngòi nổ Syria-Thổ Nhĩ Kỳ

ANTĐ - Vụ chiếc máy bay do thám “Con ma” F-4 của không lực Thổ Nhĩ Kỳ bị bắn rơi trên vùng trời thuộc hải phận Syria có nguy cơ trở thành ngòi nổ trong mối quan hệ vốn đã rất căng thẳng giữa Ankara và Damascus.

Đồ họa vị trí chiếc máy bay F-4 bị bắn hạ

Căng thẳng sau vụ lực lượng phòng không Syria bắn rơi chiếc máy bay chiến đấu F-4 biệt danh Phantom (Con ma) của không quân Thổ Nhĩ Kỳ trên vùng trời thuộc vùng biển của Syria ngày 22-6 vẫn đang tiếp tục leo thang. Tổng thống Thổ Nhĩ Kỳ Abdullah Gul ngày 23-6 tuyên bố nước này “không thể bỏ qua” việc Syria đã bắn hạ một máy bay tiêm kích của Thổ Nhĩ Kỳ.

Chiếc F-4 “Con ma” bị bắn rơi được phía Thổ Nhĩ Kỳ cho biết là đã cất cánh từ căn cứ không quân Erhac của nước này lúc 10h28 ngày 22-6 (giờ địa phương). Không lực Thổ Nhĩ Kỳ đã mất liên lạc với chiếc chiến đấu cơ do hai phi công điều khiển lúc 11h58 khi nó bay qua không phận tỉnh Hatay của nước này.

Trong khi đó, phía Syria tuyên bố chiếc máy bay chiến đấu F-4 của Thổ Nhĩ Kỳ đã xâm phạm không phận của Syria lúc 11h40 ngày 22-6. Lực lượng phòng không Syria đã bắn hạ chiếc máy bay F-4 ở vị trí cách bờ biển 1km và nó rơi xuống vùng biển cách Om al - Tuyour khoảng 10km.

Ngoài khẳng định chiếc F-4 bị bắn hạ vì nó xâm phạm không phận Syria, Damascus không cho biết thêm thông tin chi tiết song giới chuyên gia quân sự cho rằng Syria đã dùng tên lửa phòng không tầm ngắn Buk-M2 (còn được gọi là SA-11) nhập khẩu từ Nga để bắn rơi chiếc “Con ma”. Buk-M2 được biết tới như là một trong những tên lửa phòng không tầm ngắn hiện đại do Nga sản xuất có thể bắn hạ các mục tiêu trên không ở cự ly 14km.

Phía Thổ Nhĩ Kỳ cũng không cung cấp thông tin về nhiệm vụ của chiếc F-4 “Con ma” bị bắn rơi. Tuy nhiên, các chuyên gia quân sự cho rằng chiếc máy bay này có nhiệm vụ trinh sát tình hình bên trong Syria. 

Thổ Nhĩ Kỳ và Syria vốn là đồng minh, song mối quan hệ này đã xấu đi nhanh chóng kể từ khi Ankara lên tiếng chỉ trích Damascus đàn áp các cuộc biểu tình của phe đối lập bùng phát tháng 3-2011 khiến ít nhất 15 người thiệt mạng. Cùng với sự gia tăng căng thẳng giữa hai nước, Thổ Nhĩ Kỳ cũng bắt đầu cho máy bay chiến đấu tuần tra, trinh sát dọc biên giới với Syria.

Bất chấp việc hai nước hiện đang hợp tác để tìm kiếm 2 phi công chiếc F-4 đang bị mất tích, Tổng thống Thổ Nhĩ Kỳ Abdullah Gul vẫn tuyên bố cứng rắn rằng nước này sẽ có “hành động cần thiết” chống Syria. 

Trước căng thẳng leo thang giữa hai nước láng giềng Thổ Nhĩ Kỳ - Syria, Ngoại trưởng Iraq Hoshyar Zebari nhận định, đây là “một hành động leo thang nghiêm trọng” có thể gây ra một tác động xấu tới toàn khu vực. Ông Zebari lo ngại: “Cuộc khủng hoảng tại Syria có nguy cơ lan ra các nước láng giềng, và không nước nào miễn dịch khỏi nguy cơ này”. 

Tổng Thư ký LHQ Ban Ki-moon ngày 23-6 cũng đã bày tỏ “lo ngại sâu sắc” về tác động của vụ Syria bắn rơi một máy bay chiến đấu của Thổ Nhĩ Kỳ. Ông kêu gọi Thổ Nhĩ Kỳ kiềm chế trong phản ứng của mình, đồng thời hy vọng hai bên giải quyết vụ việc bằng các biện pháp ngoại giao.