“Ngòi nổ” Crimea: Nước xa khó cứu lửa gần

ANTĐ - Bán đảo Crimea của Ukraine về cơ bản đã không còn nằm trong tầm kiểm soát của Kiev. Vùng đất du lịch nổi tiếng thanh bình giờ đây trở thành “ngòi nổ’ không chỉ bên trong Ukraine, trong quan hệ Nga – Ukraine, mà còn cả trong quan hệ quốc tế.  

Xe tăng quân đội Nga áp sát biên giới Ukraine

Chỉ một ngày sau khi Thượng viện Nga “bật đèn xanh” cho việc sử dụng quân đội Nga trên lãnh thổ Ukraine để đối phó với tình hình bất ổn gia tăng tại bán đảo Crimea, hàng loạt các động thái mạnh đã được Matxcơva đưa ra. Những chiếc tàu ngầm của Nga đã xuất  hiện ngoài khơi Crimea, quân nhân Nga đã thu gom vũ khí ở một căn cứ radar và cơ sở huấn luyện hải quân của Ukraine và chính quyền Crimea về thực chất đã nằm trong tay những người thân Nga. 

Đây có thể coi là các biện pháp khẩn cấp của Nga sau khi nhận được đề nghị của Thủ tướng nước cộng hòa tự trị Crimea S. Aksenov yêu cầu Tổng thống V. Putin “giúp đảm bảo hòa bình và ổn định tại vùng lãnh thổ Crimea” trước mối đe dọa từ những kẻ cực đoan ở Kiev. Đa số người dân Crimea ủng hộ cựu Tổng thống Ukraine V. Yanukovych và tin rằng ông là nạn nhân của một cuộc đảo chính. Suy nghĩ này đã dẫn đến các nỗ lực của quốc hội Crimea muốn đẩy nhanh một cuộc bỏ phiếu về việc liệu vùng đất này có nên tách khỏi Ukraine hay không, bất chấp sự ngăn cản và đe dọa của Kiev.

Tuy nhiên, động thái của Nga không chỉ xuất phát từ tình hình căng thẳng ở Crimea mà còn từ những vấn đề lịch sử phức tạp của vùng đất này. Kể từ năm 1783, Nga đã kiểm soát hoàn toàn bán đảo Crimea. Tuy nhiên, năm 1954, dưới thời lãnh đạo của ông N. Khrushchev (người Ukraine), Crimea được chuyển giao cho Ukraine quản lý. Sau khi Liên bang Xô Viết tan rã năm 1991, Nga và Ukraine thỏa thuận biến Crimea thành khu tự trị thuộc Ukraine.

Dù thuộc Ukraine nhưng người Nga chiếm tới 58% trong tổng số 2,3 triệu cư dân Crimea so với 24% là người Ukraine. Tiếng Nga là ngôn ngữ mẹ đẻ của ba phần tư dân số Crimea, trong khi chỉ có 10% người dân Crimea tuyên bố tiếng mẹ đẻ của mình là tiếng Ukraine. Các thủ tục hành chính công ở Crimea vẫn được thực hiện bằng tiếng Nga. Thêm vào đó, thành phố Sevastopol của Crimea là nơi đồn trú của Hạm đội Biển Đen có vai trò chiến lược với Nga.

Chính vì thế, Nga hoàn toàn có thể can dự vào Ukraine mà trước hết là bán đảo Crimea để bảo vệ an toàn cho người Nga ở vùng đất này. Luật Quốc phòng của Nga cho phép hành động quân sự ở hải ngoại để “bảo vệ các công dân Nga”. Nga thậm chí có thể đưa quân tới các khu vực có nhiều người Nga sinh sống ở đông Ukraine nếu sự an toàn của họ bị đe dọa. 

Sự xuất hiện của binh lính Nga tại Crimea dưới lý do bảo vệ người Nga đương nhiên bị Ukraine coi là hành động xâm phạm chủ quyền và toàn vẹn lãnh thổ nước này. Nhưng Kiev khó có thể hành động mạnh tay với Crimea bởi quá khứ cho thấy việc Gruzia, năm 2008 bất ngờ tiến đánh Nam Ossetia, vùng đất đang đòi li khai khỏi Gruzia, đã dẫn đến việc Nga đưa quân vào đánh bại Gruzia. Kết quả là về thực chất Gruzia đã mất kiểm soát Nam Ossetia.

Mỹ và phương Tây tuy lớn tiếng cảnh báo hành động của Nga và đe dọa sẽ có biện pháp trả đũa cứng rắn, nhưng họ cũng khó có thể “động thủ” với bất cứ hành động quân sự chóng vánh nào địch lại Nga vì khu vực này quá xa nước Mỹ và quá gần nước Nga. Nước xa khó cứu lửa gần. Mỹ và phương Tây từng can thiệp quân sự vào nhiều nước nhưng dưới cái cớ mà thế giới phản đối  như “bảo vệ quyền con người”, ngăn độc tài…Trong khi đó mối đe dọa với người Nga ở Ukraine là có thật và Matxcơva đương nhiên không thể làm ngơ. Bán đảo Crimea vì thế đã trở thành điểm nóng va chạm giữa Đông và Tây về lợi ích quốc gia, lợi ích dân tộc.