"Nghèo như... bóng đá"

ANTĐ - Khi V-League trôi qua được 2 vòng đầu, Chủ tịch VFF Nguyễn Trọng Hỷ đã “ cảnh tỉnh” rằng sẽ có đội bỏ cuộc. Chuyện này đang hiện hữu. Đó là việc do bức xúc chuyện tiền bạc, cầu thủ K.Kiên Giang đồng lòng… đình công không ra sân, sau nhiều “ đối thoại” , “ thông cảm lẫn nhau” các cầu thủ chấp nhận thi đấu với điều kiện trước trận đấu vòng 16 gặp HN.T&T (ngày 20-7), lãnh đạo K.KG phải thanh toán 50% số tiền chuyển nhượng của mỗi cầu thủ. Và lãnh đạo CLB đã hứa chắc chắn sẽ thực hiện đúng yêu cầu này. Công ty VPF đơn vị tổ chức giải - sẽ cung cấp một khoản tiền cho CLB này, tuy không thể đủ ngay được theo nhu cầu của các cầu thủ nhưng cũng tạm để CLB thực hiện nốt nhiệm vụ của giải đấu. 

Ban tổ chức cứu viện để CLB chơi hết giải vì tránh tiếng “giải không thành công” (do có đội bỏ cuộc). Còn phía đội bóng? Nếu bỏ giải năm nay bóng đá Kiên Giang sẽ phải thi đấu từ giải hạng Ba, tức là làm lại từ đầu. 5 năm trước, họ phải mượn đội U21 của Bình Định để đá hạng Nhì. Bây giờ, đội bóng của họ vẫn toàn chỉ là cầu thủ ngoại tỉnh. 5 năm qua, dù thăng hạng Nhất rồi V-League nhưng Kiên Giang vẫn chỉ sống dựa trên những đôi chân của người khác. Có cố đá cho hết mùa cũng khó thoát cảnh xuống hạng Nhất. Nhưng tình thế hiện nay thì họ không còn cách nào khác nếu muốn tiếp tục tồn tại.

Lại nói chuyện giải hạng Nhất vừa kết thúc, có 3 đội bóng sẽ được thăng hạng là QNK Quảng Nam, Than Quảng Ninh, Hùng Vương An Giang. Có thể coi đây là 3 đội bóng lần đầu tiên được đá ở hạng cao nhất dù An Giang - đội bóng miền Tây này đã 16 năm rồi mới được trở lại với đỉnh cao. Nhưng điều đáng nói hơn là bên cạnh niềm vui được thăng hạng thì các đội này lại có thể xuống hạng ngay khi họ tiến lên V-League cùng mối lo mà ngay từ hồi còn đá hạng Nhất, họ vẫn đã lo, ấy là tiền. Ngay cả Quảng Nam, đội bóng được cho là có bầu Hiển “chống lưng” thì sự thăng hạng của họ lại còn khiến người ta lo hơn về quy định “ông chủ và 2 đội bóng” là mối quan hệ gần như là lệ thuộc của họ và SHB Đà Nẵng. Trong khi đó, các đội bóng như An Giang, Than Quảng Ninh thì bao lâu nay cứ nhấp nha, nhấp nhổm muốn thăng hạng lắm nhưng cũng vì không đủ tiềm lực (tài chính) nên cứ chuẩn bị lên, lại… xuống. Cứ đá tưng bừng giải đoạn 1 lấy lương thưởng, rồi xỉu dần ở đoạn sau vì “ai cho lên mà lên”(?) cũng giống như các CLB vừa được quyền thăng hạng nhưng đa số các đội cũng chẳng biết rõ mình cần gì, phải làm gì để trụ lại hạng mùa giải sau. Sẽ không có sự đời dễ dàng như ở giải hạng Nhất đá có 14 trận mà hết phân nửa số đó là đá với các đội sẵn sàng thua trận vì không có mục tiêu. 

Chuyện lên hạng quá dễ dàng như vậy khiến “giấy phép chuyên nghiệp” của 3 đội bóng từ giải hạng Nhất vừa được “cấp ” có giúp họ trở thành một đội chuyên nghiệp được không? Khi mà CLB cứ sốt vố lo “chạy” tiền, còn cầu thủ cứ “chờ có lương mới đá” thì không phải bóng đá chuyên nghiệp rồi.