Nghề săn tiền thưởng ở Hàn Quốc

ANTĐ - Đối tượng của họ không phải các ngôi sao giải trí, chính trị gia, hoặc thậm chí là những tên tội phạm. Thay vào đó, họ lùng sục khắp thành phố, lén ghi lại hình ảnh những người dân bình thường vi phạm pháp luật rồi cung cấp cho nhà chức trách để lấy thưởng.

Thầy giáo Moon Seong-ok đang hướng dẫn thao tác nghiệp vụ cho các "thợ săn"


Nghề kiếm khá

Với khoản nợ lớn và tiền lương thì không đủ trả lãi, Im Hyung-seok quyết định tìm một công việc mới. Tay gia sư tiếng Anh nền tính này đã gia nhập vào đội ngũ những tay săn tiền thưởng. Được gọi là "tay săn ảnh", những người giống như Im vác chiếc máy ảnh đi khắp nơi để "săn mồi".

"Một số người ghét chúng tôi", Im phân trần. "Nhưng chúng tôi chỉ làm điều mà luật pháp khuyến khích". Cơ hội cho Im ở khắp mọi nơi: một nhà máy thải chất thải công nghiệp xuống sông, một chủ tòa nhà khóa chặt cửa thoát hiểm, bác sỹ và luật sư không đưa hóa đơn khi thanh toán phí dịch vụ để trốn thuế thu nhập. "Tôi kiếm được gấp ba lần so với hồi làm gia sư tiếng Anh", Im năm nay 30 tuổi nói. Anh đã bắt đầu công việc này cách đây 7 năm và cho biết mỗi năm kiếm khoảng 85.000 USD.

Cùng với đà suy thoái kinh tế, việc đi săn tiền thưởng càng trở nên phổ biến ở xứ sở Kim chi. Các tay săn ảnh nói rằng hầu hết đồng nghiệp của họ đã mất việc do suy thoái và họ lao theo nghề này sau khi có tin hai công dân Hàn Quốc kiếm được hàng chục nghìn USD mỗi năm nhờ tố giác các  hành vi phạm tội.

Moon Seong-ok, 64 tuổi, mở một trường đào tạo những tay săn lĩnh thưởng. Tính thiếu kiên nhẫn và nôn nóng trong những lúc vội vã của người Hàn khiến họ thường xuyên vi phạm pháp luật như vượt đèn đỏ, chuyển  làn đường, quay đầu xe không theo quy định, ném mẩu thuốc lá khi đang lái xe" - ông Moon Seong-ok nói. Miễn là "tính cách Hàn" này còn tồn tại, thì những tay "thợ săn" vẫn còn có “đất sống”.

Với các cơ quan chính quyền Hàn Quốc, việc này giúp tiết kiệm chi phí trả lương cho các nhân viên cảnh sát và số tiền phạt thu từ những người vi phạm thường nhiều gấp bội số tiền phải thưởng cho người tố giác. Ví du, tiền thưởng cho thông tin người vứt rác sai nơi quy định là khoảng 40 USD trong khi tiền phạt người vứt rác gấp 10 lần như thế.

Trong hầu hết các trường hợp, tiền thưởng có thể từ khoảng 5 USD (tin người vứt thuốc lá) đến khoảng 850 USD (tố cáo người bán gia súc không giấy phép). Nhưng cũng có những vụ “ăn đậm”, ví dụ như chính quyền thành phố Seoul hứa sẽ thưởng 1,7 triệu USD cho thông tin về hành vi tham nhũng của bất kỳ ai trong số công chức thành phố.

Dư luận trái chiều

Ở một đất nước mà chuyện tố giác các tập đoàn là điều hy hữu - hành động đó sẽ bị xem là phản bội - việc chỉ điểm hàng xóm của mình cũng bị xã hội khinh khi.

Bang Jae-won, 56 tuổi, một người đã có 8 năm trong nghề, nói rằng: “Tôi không kể cho hàng xóm nghe mình làm việc gì bởi điều đó có thể khiến họ nghi ngại không cần thiết", ông nói. "Nhưng nói chung tôi không xấu hổ về việc mình làm. Đối với những ai gọi chúng tôi là chỉ điểm, tôi sẽ đáp lại là tại sao các vị không tuân thủ pháp luật".

Những người chỉ trích, tuy nhiên lại cho rằng việc treo thưởng cho người tố giác đã phá hoại niềm tin xã hội. "Bản thân ý tưởng này là tốt nhưng khi người ta biến việc săn tiền thưởng thành một nghề kiếm sống thì nó lại tư nhân hóa hoạt động công quyền và làm dấy lên các khúc mắc về mặt đạo đức", Lee Yoon-ho, Giáo sư khoa Quản lý trị an  -Đại học Dongguk ở Seoul nói.

Một ví dụ, các tay săn ảnh đã áp dụng một chiến thuật đặc biệt trong trường hợp theo dõi các trường tư thục, hét mức học phí cao hơn giá do chính phủ đặt ra. Từ năm 2009, Bộ Giáo dục Hàn Quốc từng phải trả 2,9 triệu USD khi họ bắt đầu nhờ cậy đến lực lượng này giúp kiểm soát tình hình chi phí giáo dục tăng vọt và trở thành gánh nặng cho các công dân tại đất nước vốn xem giáo dục là một tiêu chí đánh giá thành công. Họ đã hóa thân thành các bậc cha mẹ học sinh và đến gặp Ban giám hiệu trường và hỏi thẳng chuyện tiền nong. Một camera đã được giấu kín và ghi lại toàn bộ cuộc đối thoại.

Các hiệu trưởng trường tư thục căm ghét họ. "Chính phủ đơn phương đặt ra mức học phí không thực tế và rồi thuê người theo dõi", Cho Young-hwan, Phó Chủ tịch Hiệp hội các trường tư thục than phiền. Tuy nhiên, Ju Myong-hyun, quan chức Bộ Giáo dục lại phản bác: "Chúng tôi không nói rằng đây là cách tiếp cận tối ưu trong một nền giáo dục dân chủ. Nhưng chúng tôi sẽ tiếp tục làm việc này cho đến khi các trường tư thục minh bạch hơn".

Dĩ nhiên cũng có các sai lệch. Hyung-seok Im kể có một số doanh nghiệp đã muốn anh tố cáo đối thủ cạnh tranh. Ví dụ như trường hợp một nhà thuốc đã muốn anh tố cáo đối thủ thuê dược sỹ không có bằng. "Một lần khác có người bảo tôi tố cáo một nhà hàng tại công viên quốc gia", anh nói. "Hóa ra tay này là chủ một nhà hàng bất hợp pháp ngay bên cạnh".