Ngày mai (14-1-2019): CPTPP chính thức có hiệu lực

ANTD.VN - Với những cam kết mang tính toàn diện, tiêu chuẩn cao và cân bằng, Hiệp định Đối tác Toàn diện và Tiến bộ xuyên Thái Bình Dương (CPTPP) sẽ giúp tăng cường mối liên kết cùng có lợi giữa các nền kinh tế thành viên và thúc đẩy thương mại, đầu tư và tăng trưởng kinh tế trong khu vực châu Á – Thái Bình Dương.

CPTPP chính thức có hiệu lực đối với Việt Nam từ ngày mai 14-1-2019

Ngày 8-3-2018, Việt Nam đã cùng 10 nước gồm Australia, Brunei, Canada, Chile, Nhật Bản, Malaysia, Mexico, New Zealand, Peru và Singapore chính thức ký kết Hiệp định Đối tác Toàn diện và Tiến bộ xuyên Thái Bình Dương (CPTPP) tại Chile.

Hiệp định CPTPP đã chính thức có hiệu lực từ ngày 30-12-2018 đối với nhóm 6 nước đầu tiên hoàn tất thủ tục phê chuẩn Hiệp định gồm: Mexico, Nhật Bản, Singapore, New Zealand, Canada và Australia. 

Đối với Việt Nam, Quốc hội đã thông qua Nghị quyết về việc phê chuẩn Hiệp định CPTPP và các văn kiện có liên quan vào ngày 12-11-2018. Theo đó, Hiệp định sẽ có hiệu lực đối với Việt Nam từ ngày mai, 14-1-2019. 

Cam kết thuế nhập khẩu của các nước CPTPP đối với Việt Nam

Các nước CPTPP cam kết xóa bỏ hoàn toàn từ 97% đến 100% số dòng thuế nhập khẩu đối với hàng hóa có xuất xứ từ Việt Nam, tùy theo cam kết của từng nước. Gần như toàn bộ hàng hóa xuất khẩu của Việt Nam vào các nước CPTPP khác sẽ được xóa bỏ thuế nhập khẩu hoàn toàn ngay khi Hiệp định có hiệu lực hoặc theo lộ trình.

Cụ thể, một số cam kết thuế nhập khẩu của các đối tác CPTPP như sau:

Canada cam kết xoá bỏ thuế nhập khẩu cho 95% số dòng thuế và 78% kim ngạch xuất khẩu của Việt Nam sang Canada ngay khi Hiệp định có hiệu lực. Trong đó, 100% kim ngạch xuất khẩu thủy sản và 100% kim ngạch xuất khẩu gỗ được xóa bỏ thuế quan ngay khi Hiệp định có hiệu lực.

Nhật Bản cam kết xóa bỏ thuế ngay khi Hiệp định có hiệu lực đối với 86% số dòng thuế (tương đương 93,6% kim ngạch xuất khẩu của Việt Nam sang Nhật Bản), và gần 90% số dòng thuế sau 5 năm. Trong Hiệp định CPTPP, Nhật Bản lần đầu tiên cam kết xóa bỏ hoàn toàn thuế nhập khẩu cho đại đa số nông, thủy sản xuất khẩu của ta.

Peru cam kết xóa bỏ 80,7% số dòng thuế ngay khi Hiệp định có hiệu lực, tương đương 62,1% kim ngạch nhập khẩu từ Việt Nam và sẽ xóa bỏ thuế quan đối với 99,4% số dòng thuế vào năm thứ 17 kể từ khi Hiệp định có hiệu lực.

Mexico cam kết xóa bỏ 77,2% số dòng thuế ngay khi Hiệp định có hiệu lực, tương đương 36,5% kim ngạch nhập khẩu từ Việt Nam và sẽ xóa bỏ thuế quan đối với 98% số dòng thuế vào năm thứ 10 kể từ khi Hiệp định có hiệu lực.

Chile cam kết xóa bỏ 95,1% số dòng thuế ngay khi Hiệp định có hiệu lực, tương đương 60,2% kim ngạch nhập khẩu từ Việt Nam và sẽ xóa bỏ thuế quan đối với 99,9% số dòng thuế vào năm thứ 8 kể từ khi Hiệp định có hiệu lực.

Australia cam kết cắt giảm 93% số dòng thuế, tương đương 95,8% kim ngạch xuất khẩu của Việt Nam sang thị trường này (khoảng 2,9 tỷ USD) ngay khi thực hiện Hiệp định. Các sản phẩm còn lại sẽ được xóa bỏ thuế với lộ trình cắt giảm cuối cùng tối đa vào năm thứ 4.

New Zealand cam kết xóa bỏ 94,6% số dòng thuế ngay khi Hiệp định có hiệu lực, tương đương 69% kim ngạch xuất khẩu của Việt Nam sang thị trường này (khoảng 101 triệu USD). Vào năm thứ 7 kể từ khi thực hiện Hiệp định, các dòng thuế còn lại sẽ dần được xóa bỏ hoàn toàn.

Singapore cam kết xóa bỏ hoàn toàn thuế quan đối với tất cả các mặt hàng ngay khi thực hiện Hiệp định.

Malaysia cam kết xóa bỏ 84,7% số dòng thuế ngay khi Hiệp định có hiệu lực và xóa bỏ dần có lộ trình đối với các dòng thuế còn lại. Vào năm thứ 11, số dòng thuế cam kết cắt giảm của Ma-lai-xi-a lên tới 99,9%.

Brunei cam kết xóa bỏ 92% số dòng thuế đối với hàng hóa nhập khẩu từ Việt Nam (tương đương 7.639 dòng) ngay khi Hiệp định có hiệu lực, xóa bỏ tới 99,9% vào năm thứ 7 và xóa bỏ hoàn toàn thuế nhập khẩu vào năm thứ 11.

Cơ hội cho các doanh nghiệp Việt Nam

Theo Vụ Chính sách thương mại đa biên (Bộ Công Thương), việc các nước, trong đó có các thị trường lớn như Nhật Bản và Canada giảm thuế nhập khẩu về 0% cho hàng hóa của ta sẽ tạo ra những tác động tích cực trong việc thúc đẩy kim ngạch xuất khẩu.

Doanh nghiệp Việt Nam khi xuất khẩu hàng hóa sang thị trường các nước thành viên Hiệp định CPTPP sẽ được hưởng cam kết cắt giảm thuế quan rất ưu đãi.

"Về cơ bản, các mặt hàng xuất khẩu có thế mạnh của ta như nông thủy sản, điện, điện tử đều được xóa bỏ thuế ngay khi Hiệp định có hiệu lực. Với mức độ cam kết như vậy, theo nghiên cứu chính thức của Bộ Kế hoạch và Đầu tư, xuất khẩu của Việt Nam có thể sẽ tăng thêm 4,04% đến năm 2035"- đại diện Vụ Chính sách thương mại đa biên cho biết.

Bên cạnh đó, việc có quan hệ FTA với các nước CPTPP sẽ giúp ta có cơ hội cơ cấu lại thị trường xuất nhập khẩu theo hướng cân bằng hơn.

Theo một nghiên cứu của Ngân hàng Thế giới được công bố vào tháng 3-2018, dự báo đến năm 2030, xuất khẩu của Việt Nam sang các nước CPTPP sẽ tăng từ 54 tỷ USD lên 80 tỷ USD, chiếm 25% tổng lượng xuất khẩu.

Ngoài ra, CPTPP cũng mang lại cơ hội để doanh nghiệp Việt Nam tham gia chuỗi cung ứng khu vực và toàn cầu, mang lại lợi ích cho từng ngành cụ thể, tăng thêm việc làm, thúc đẩy cải cách thể chế cho Việt Nam...

Tuy nhiên, bên cạnh những cơ hội, CPTPP đặt ra cho Việt Nam không ít thách thức, trong đó, lo ngại hàng hóa các nước CPTPP tận dụng ưu đãi thuế quan tràn vào Việt Nam khiến việc cạnh tranh của doanh nghiệp Việt Nam trở nên khó khăn hơn là mối lo lớn nhất.

Ngoài ra, những thách thức về thể chế, thu ngân sách... cũng đặt ra với Việt Nam khi CPTPP chính thức có hiệu lực.