Ngăn thảm họa nhân đạo ở Dải Gaza

0:00 / 0:00
0:00
  • Nam miền Bắc
  • Nữ miền Bắc
  • Nữ miền Nam
  • Nam miền Nam
ANTD.VN - Xung đột leo thang giữa Israel và lực lượng Hamas đang tàn phá nghiêm trọng nhiều nhà cửa, hạ tầng thiết yếu ở Dải Gaza. Cùng với đó, lệnh phong tỏa toàn diện mảnh đất này của Israel đang đẩy hơn 2,4 triệu người Palestine tới bờ vực một thảm họa nhân đạo khi vừa thiếu điện, thiếu nước trầm trọng vừa cạn kiệt lương thực, thuốc men…
Những chuyến hàng cứu trợ ít ỏi được đưa vào Dải Gaza những ngày qua

Những chuyến hàng cứu trợ ít ỏi được đưa vào Dải Gaza những ngày qua

Nguy cơ một cuộc khủng hoảng nhân đạo chưa từng thấy

Cao ủy Liên hợp quốc về nhân quyền Volker Turk ngày 23-10 đã kêu gọi một lệnh ngừng bắn ngay lập tức tại Dải Gaza trong bối cảnh xung đột giữa Phong trào Hồi giáo Hamas và quân đội Israel chưa có dấu hiệu hạ nhiệt. Ông Volker Turk nhấn mạnh trong một tuyên bố, bước đầu tiên phải là “một lệnh ngừng bắn nhân đạo ngay lập tức, cứu sống dân thường thông qua việc cung cấp viện trợ nhân đạo nhanh chóng và hiệu quả”.

Theo người đứng đầu cơ quan Cao ủy Liên hợp quốc về nhân quyền, đã có quá nhiều dân thường từ cả hai phía Palestine và Israel bị cướp đi mạng sống do những hành động xung đột, trong số đó nhiều nạn nhân là trẻ em. Ông Volker Turk nêu rõ, tình hình bạo lực này sẽ không bao giờ chấm dứt, nếu các nhà lãnh đạo không đưa ra những lựa chọn dũng cảm và nhân đạo để đáp ứng nhu cầu tối thiểu của người dân. Tuyên bố của Cao ủy Liên hợp quốc về nhân quyền được đưa ra khi mà con số thương vong của hai phía trong cuộc xung đột đang gia tăng nhanh, đặc biệt là thường dân. Sau gần 20 ngày kể từ khi xung đột giữa lực lượng Hamas và Israel bùng phát ngày 7-10, chiến sự giữa hai bên đã khiến hơn 6.400 người thiệt mạng, khoảng 20.000 người bị thương ở cả hai bên. Theo các số liệu, phía Israel có ít nhất 1.405 người thiệt mạng, 5.431 người bị thương; phía người Palestine có ít nhất 5.087 người thiệt mạng, trong đó có 2.055 trẻ em và 1.119 phụ nữ, cùng 15.273 người bị thương. Đồng thời với sự đáp trả khốc liệt cuộc tấn công bất ngờ rạng sáng 7-10 của lực lượng Hamas, Israel đã siết phong tỏa, triển khai hàng chục nghìn binh sĩ cùng vũ khí hàng nặng đến biên giới với Dải Gaza và yêu cầu hơn một triệu người ở miền Bắc khu vực này sơ tán về miền Nam, tuyên bố chuẩn bị mở chiến dịch nhằm vào Hamas. Những đòn không kích, đột kích dữ dội của Israel cùng lệnh phong tỏa toàn diện đã đẩy khoảng 2,4 triệu người Palestine sinh sống tại Dải Gaza vào cuộc khủng hoảng nhân đạo ngày càng trầm trọng.

Israel trong suốt gần 3 tuần qua đã phong tỏa hoàn toàn Dải Gaza, cắt nguồn cung nhu yếu phẩm và năng lượng cho vùng đất này, khiến tình hình nhân đạo tại đây xuống cấp nghiêm trọng. Các cơ quan cứu trợ cũng liên tục cảnh báo về một thảm họa nhân đạo tồi tệ, khi nguồn lực tại các bệnh viện ở Dải Gaza gần như cạn kiệt. Theo ước tính, với 2,4 triệu người dân Palestine đang mắc kẹt và hơn 40% số ngôi nhà ở Gaza đã bị hư hại hoặc phá hủy do xung đột… Phát biểu trong cuộc họp báo cùng ngày tại Thủ đô Cairo của Ai Cập vừa qua, Tổng thư ký Liên hợp quốc Antonio Guterres đã kêu gọi mở hành lang chở hàng cứu trợ nhân đạo tới khu vực Dải Gaza hiện bị phong tỏa. Ông nêu rõ, trong gần 2 tuần qua, người dân ở Dải Gaza đối mặt với tình cảnh bị cắt đứt nguồn cung năng lượng, thực phẩm, thuốc men và nhiều mặt hàng thiết yếu khác. Họ sống trong cảnh bệnh dịch lan tràn, nguồn cung đang dần cạn kiệt, nhiều người thiệt mạng. Theo người đứng đầu tổ chức Liên hợp quốc, đây là thời khắc khủng hoảng trầm trọng, không giống bất cứ cuộc khủng hoảng nào từng ghi nhận tại khu vực này trong nhiều thập kỷ qua.

Ngừng giao tranh, đưa hàng cứu trợ vào Dải Gaza

Đứng trước cuộc khủng hoảng nhân đạo ngày càng xấu đi, 5 cơ quan của Liên hợp quốc gồm Chương trình phát triển Liên hợp quốc (UNDP), Quỹ Dân số Liên hợp quốc (UNFPA), Quỹ Nhi đồng Liên hợp quốc (UNICEF), Chương trình Lương thực thế giới (WFP) và Tổ chức Y tế thế giới (WHO) đã ra tuyên bố chung báo động tình trạng nhân đạo ngày càng “thảm khốc” ở Dải Gaza. Người dân Palestien ở Dài Gaza hiện cần ít nhất 500 xe tải chở nhiên liệu, thực phẩm, thuốc men và nước hàng ngày, nhu cầu trước mắt bây giờ là 7.000 xe tải viện trợ ngay lập tức. Trong khi đó, Israel chỉ cho phép 3 đoàn xe với tổng cộng 55 xe tải chở vật tư y tế và viện trợ nhân đạo vào Dải Gaza trong những ngày qua thông qua cửa khẩu Rafah của Ai Cập.

Hiện còn rất nhiều xe chở hàng cứu trợ quốc tế đang xếp hàng dài ở biên giới Ai Cập để chờ vào Dải Gaza. Liên hợp quốc cho biết, cần ít nhất khoảng 100 xe tải mỗi ngày để đáp ứng nhu cầu cấp bách nhất của người Palestine tại Dải Gaza. Chính vì thế, cộng đồng quốc tế đang kêu gọi mở hành lang nhân đạo để đưa hàng viện trợ tới Dải Gaza để ngăn một thảm họa nhân đạo. Ngày 23-10, Đại diện cấp cao về chính sách an ninh và đối ngoại của Liên minh châu Âu (EU) Josep Borrell hy vọng các nhà lãnh đạo của Liên minh ủng hộ lời kêu gọi tạm ngừng giao tranh để cho viện trợ vào Dải Gaza. Cùng ngày, Trong cuộc điện đàm với Thủ tướng Israel Benjamin Netanyahu, Tổng thống Mỹ Joe Biden đã nhấn mạnh, sự cần thiết phải duy trì “dòng viện trợ nhân đạo liên tục” vào Gaza. Các nỗ lực tiếp tế hàng viện trợ tới Dải Gaza đang tiếp tục được triển khai. Theo cơ quan nhân đạo Liên hợp quốc, trong ngày 23-10, 20 xe tải chở hàng viện trợ thiết yếu đã đến Gaza thông qua cửa khẩu Rafah với Ai Cập. Đây là chuyến xe viện trợ thứ ba đến Dải Gaza trong vòng 3 ngày qua.

Thủ tướng Anh Rishi Sunak cùng ngày thông báo nước này sẽ viện trợ thêm 20 triệu bảng Anh (tương đương 24 triệu USD) để hỗ trợ người dân ở Dải Gaza, nâng tổng số tiền mà nước Anh cam kết dành cho vùng lãnh thổ Palestine kể từ khi xung đột bùng phát lên 30 triệu bảng. Anh đã chuyển 10 triệu bảng trong số này tới Dải Gaza vào tuần trước. Đồng thời với đòi hỏi bức thiết của việc mở hành lang nhân đạo đưa hàng cứu trợ tới Dải Gaza, điều cấp bách không kém là thúc đẩy đàm phán về lệnh ngừng bắn tại đây. Bộ trưởng Ngoại giao Trung Quốc Vương Nghị trong cuộc điện đàm với Ngoại trưởng Palestine Riad al-Maliki đã nhấn mạnh, cách duy nhất để giải quyết vấn đề Palestine nằm ở việc thực hiện “Giải pháp hai Nhà nước”, đồng thời kêu gọi triệu tập một hội nghị hòa bình quốc tế và thúc đẩy nối lại các cuộc đàm phán hòa bình.

Tổng thống Pháp Emmanuel Macron ngày 24-10 tới Israel nhằm kêu gọi “nối lại tiến trình hòa bình thực sự” để thành lập một Nhà nước Palestine, cũng như đưa ra các đề xuất và thúc đẩy một lệnh ngừng bắn nhân đạo bất chấp một cuộc tấn công trên bộ sắp diễn ra tại Dải Gaza. Theo các cố vấn của Tổng thống Macron, nhà lãnh đạo Pháp muốn đưa ra “những đề xuất thực tiễn nhất có thể” để ngăn chặn xung đột leo thang, thúc đẩy việc giải phóng con tin, đảm bảo an ninh của Israel và nỗ lực hướng tới giải pháp hai Nhà nước. Trong khi đó, Đại hội đồng Liên hợp quốc sẽ nhóm họp ngày 26-10 để thảo luận tình hình xung đột hiện nay giữa Phong trào Hồi giáo Hamas và Israel. Đến nay, Hội đồng Bảo an Liên hợp quốc vẫn chưa đạt được đồng thuận về một nghị quyết liên quan cuộc xung đột giữa lực lượng Hamas và Israel. Tuy nhiên, một số quốc gia do Jordan thay mặt làm đại diện đã chính thức đề nghị Chủ tịch Đại hội đồng Liên hợp quốc tổ chức quốc họp ngày 26-10 để tìm tiếng nói chung trong nỗ lực kêu gọi ngăn ngừa thảm họa nhân đạo ở Dải Gaza cũng như đạt được một thỏa thuận ngừng bắn.