Ngăn sở hữu chéo, rót vốn "sân sau" tại các ngân hàng: Siết hàng loạt giới hạn

0:00 / 0:00
0:00
  • Nam miền Bắc
  • Nữ miền Bắc
  • Nữ miền Nam
  • Nam miền Nam
ANTD.VN - Ngân hàng Nhà nước dự kiến sẽ siết chặt các quy định để ngăn chặn tình trạng sở hữu chéo, rót vốn sân sau tại các ngân hàng.

Trong Dự thảo Luật các tổ chức tín dụng sửa đổi mà Ngân hàng Nhà nước đang lấy ý kiến, rất nhiều quy định mới được sửa đổi, bổ sung nhằm siết chặt hơn giới hạn về cho vay và tỷ lệ sở hữu cổ phần của một hoặc một nhóm cổ đông tại ngân hàng.

Theo đó, dư nợ cấp tín dụng tối đa đối với một khách hàng dự kiến giảm từ mức 15% như hiện hành xuống còn 10%, tính trên vốn tự có nhà băng.

Tổng dư nợ cấp tín dụng đối với một khách hàng và người có liên quan không được vượt quá 15% vốn tự có của ngân hàng thương mại, giảm so với quy định hiện hành là 25%.

Dự thảo cũng rút tỷ lệ sở hữu vốn điều lệ ngân hàng của một cá nhân từ mức 5% hiện nay xuống còn 3%. Một cổ đông là tổ chức không được sở hữu vượt quá 10% vốn điều lệ của một tổ chức tín dụng (hiện tại là 15%), trừ ngân hàng bị kiểm soát đặc biệt hoặc sở hữu của nhà nước tại ngân hàng.

Tỷ lệ sở hữu tối đa của nhóm cổ đông và người liên quan cũng được đề xuất giảm từ 20% xuống 15%.

Hàng loạt quy định mới được đề xuất để ngăn sở hữu chéo, rót vốn sân sau tại các ngân hàng

Hàng loạt quy định mới được đề xuất để ngăn sở hữu chéo, rót vốn sân sau tại các ngân hàng

Đồng thời, Ngân hàng Nhà nước cũng quy định tỷ lệ mức góp vốn, mua cổ phần của một ngân hàng thương mại hoặc một ngân hàng thương mại và các công ty con, công ty liên kết của ngân hàng thương mại đó vào một doanh nghiệp không được vượt quá 11% vốn điều lệ của doanh nghiệp nhận vốn góp.

Theo Ngân hàng Nhà nước, các quy định siết chặt tại Luật các tổ chức tín dụng được đề xuất nhằm thực hiện chỉ đạo của Chính phủ về việc cần thiết kế các công cụ để bảo đảm an toàn hệ thống các tổ chức tín dụng;

Có công cụ kiểm soát của Chính phủ; tăng cường các biện pháp thanh tra giám sát của Ngân hàng Nhà nước Việt Nam, đồng thời có tham gia của Thanh tra Chính phủ để quản lý, kiểm soát hoạt động tín dụng, chống thao túng, lợi ích nhóm, sở hữu chéo, kịp thời phát hiện và có chế tài xử lý nghiêm các vi phạm, bao gồm cả quản lý, phê duyệt nhân sự lãnh đạo của các ngân hàng thương mại cổ phần Ngân hàng Nhà nước đã sửa đổi, bổ sung dự thảo Luật theo hướng điều chỉnh quy định về hạn chế cấp tín dụng, giới hạn cấp tín dụng, quy định về giới hạn góp vốn, mua cổ phần của TCTD cho rõ ràng, phù hợp.

Về quy định giảm giới hạn cấp tín dụng, nhiều ngân hàng thương mại cho rằng, các quy định trên là quá chặt và có thể làm ảnh hưởng đến dòng chảy vốn đến nền kinh tế.

Tuy vậy, ông Tạ Quang Đôn, Vụ trưởng Vụ Pháp chế (Ngân hàng Nhà nước) cho biết, đề xuất giảm giới hạn cho vay là nhằm tăng cường tính đại chúng của ngân hàng, chống sở hữu chéo, chống thao túng, chống lạm quyền cấp tín dụng và gia tăng khả năng tiếp cận vốn ngân hàng cho người dân.

Theo nhiều đánh giá, việc siết chặt các giới hạn tỷ lệ nêu trên là cần thiết trong bối cảnh tình trạng sở hữu chéo, thao túng ngân hàng đã gây nhiều hệ lụy thời gian qua.

Chuyên gia kinh tế, TS. Lê Xuân Nghĩa cho rằng sở hữu chéo là tồn tại lâu đời của hệ thống ngân hàng Việt Nam, cũng là cội nguồn của mọi cuộc khủng hoảng tiền tệ ở nước ta.

Mặc dù đã có các quy định về cho vay với người liên quan, song việc phát hiện sở hữu chéo không hề đơn giản. Có hiện tượng sở hữu chéo thanh tra ngân hàng có thể nhìn thấy, song cũng có những biểu hiện thì chỉ khi cơ quan an ninh điều tra mới phát hiện ra được.

Thống đốc Ngân hàng Nhà nước Nguyễn Thị Hồng cũng thừa nhận thực tế việc xử lý vấn đề sở hữu vượt mức quy định và sở hữu chéo vẫn rất khó khăn trong trường hợp cổ đông lớn và người có liên quan của cổ đông lớn cố tình che giấu, nhờ cá nhân/tổ chức khác đứng tên hộ số cổ phần sở hữu để lách quy định của pháp luật về sở hữu chéo/sở hữu vượt mức quy định.

Việc này chỉ có thể được phát hiện và nhận diện thông qua điều tra, xác minh của cơ quan điều tra theo quy định của pháp luật.