Ngân hàng thừa vốn nhưng chưa được “nới room”, lãi suất liên ngân hàng giảm

0:00 / 0:00
0:00
  • Nam miền Bắc
  • Nữ miền Bắc
  • Nữ miền Nam
  • Nam miền Nam
ANTD.VN - Các ngân hàng thương mại đều đã hết room tín dụng trong khi Ngân hàng Nhà nước vẫn chưa thực hiện nới room đã khiến cho tín dụng không đẩy thêm được ra ngoài.

Theo thống kê của Ngân hàng Nhà nước, trong tuần từ 23 đếm 27/05, lãi suất bình quân liên ngân hàng có xu hướng giảm. Các kỳ hạn chủ chốt như qua đêm, 01 tuần và 01 tháng lần lượt là 0,89%/năm; 1,44%/năm và 2,72%/năm.

So với tuần trước đó, lãi suất kỳ hạn qua đêm đã giảm mạnh 0,83% (trong tuần trước kỳ hạn này là 1,72%/năm); kỳ hạn 1 tuần giảm 0,65%; trong khi kỳ hạn 1 tháng tăng nhẹ 0,12%.

Đáng nói, theo tìm hiểu của phóng viên, tính đến thời điểm 2/6, lãi suất bình quân liên ngân hàng kỳ hạn qua đêm thậm chí còn giảm mạnh xuống 0,45%/năm; các kỳ hạn 1 tuần, 1 tháng lần lượt là 1,07%/năm và 2,27%/năm.

Lãi suất liên ngân hàng giảm mạnh do tín dụng bị chững lại

Lãi suất liên ngân hàng giảm mạnh do tín dụng bị chững lại

Theo Chứng khoán Bảo Việt (BVSC), tăng trưởng tín dụng tới ngày 27/5/2022 đạt 7,75%, mức cao nhất trong 10 năm qua, đồng thời gấp đôi mức tăng trưởng trong cùng kỳ năm ngoái.

Dù vậy, việc các ngân hàng thương mại đều đã hết room tín dụng trong khi Ngân hàng Nhà nước vẫn chưa thực hiện nới room đã khiến cho tín dụng không đẩy thêm được ra ngoài trong những ngày cuối tháng 5.

Diễn biến này chính là nguyên nhân khiến cho lãi suất trên thị trường liên ngân hàng giảm mạnh.

Mặt khác, gói hỗ trợ lãi suất 2% với quy mô 40 nghìn tỷ (tương đương số vốn 2 triệu tỷ lãi suất thấp) đã chính thức được thông qua trong tháng 5 vừa qua và đã được Ngân hàng Nhà nước bắt đầu triển khai thực hiện với các ngân hàng thương mại.

Trong nửa sau của năm, khi Ngân hàng Nhà nước thực hiện nới room tín dụng cho các ngân hàng thương mại, gói cấp bù lãi suất này sẽ là động lực giúp tín dụng tiếp tục tăng trưởng mạnh.

Trên thị trường ngoại tệ, trong tháng 5, đồng VND giảm 0,99% so với đồng USD. So với cuối năm 2021, đồng VND cũng đã giảm 1,62%. Trong khi đó, trên thị trường thế giới, chỉ số DXY – thước đo sức mạnh của đồng bạc xanh - giảm 1,17% trong tháng 5 nhưng vẫn đang tăng 6,36% so với hồi đầu năm.

Trong tháng 5, Cục Dự trữ liên bang Mỹ (Fed) chính thức nâng lãi suất thêm 0,5 điểm %, lần đầu tiên kể từ năm 2000 tới nay. Dù vậy, quyết định này của Fed có sự đồng nhất với những phát biểu trước đó cũng như kỳ vọng của nhà đầu tư và không còn khiến chỉ số DXY tăng mạnh như thời gian trước nữa.

Trong khi đó, Ngân hàng Nhà nước đã nâng tỷ giá bán ra USD, từ mức 23.050 thêm 200 đồng, lên 23.250 VND/USD, lần đầu tiên kể từ tháng 1/2022.

Với diễn biến hạ nhiệt của chỉ số DXY kể từ nửa đầu tháng 5 trong khi Việt Nam vẫn duy trì được nền kinh tế vĩ mô ổn định và nguồn dự trữ ngoại hối lớn, BVSC cho rằng biến động của tỷ giá trong thời gian sắp tới sẽ không quá lớn, cả năm dao động quanh mức +/-2%.