Ngân hàng tăng lãi suất huy động: Ai mừng? Ai lo?

ANTĐ - Một số ngân hàng trong thời gian gần đây đồng loạt tăng lãi suất huy động, và mới đây nhất là “ông lớn” VietinBank cũng nhập cuộc. Đây là tín hiệu mừng đối với người dân có tiền nhàn rỗi, nhưng lại dấy lên nỗi lo của người đi vay vốn, nhất là các doanh nghiệp cần tiền để sản xuất, kinh doanh dịp cuối năm. Liệu lãi suất huy động tăng có dẫn đến tăng lãi suất cho vay?
Ngân hàng tăng lãi suất huy động: Ai mừng? Ai lo? ảnh 1

Người gửi nên lựa chọn ngân hàng nào

Đến thời điểm này, nhiều ngân hàng đều đã nâng trần lãi suất huy động tiền gửi. Từ 28-10, Ngân hàng Bản Việt tăng lãi suất gửi tiền đồng thêm 0,2%/năm cho nhiều kỳ hạn. Đặc biệt với loại hình tiền gửi online, kỳ hạn từ 1-5 tháng lĩnh lãi cuối kỳ, người gửi còn được cộng thêm 0,1% mỗi năm so với thông thường. Trước đó, ngày 21-10, NH này cũng đã điều chỉnh tăng lãi suất tiền gửi các kỳ hạn 7-11 tháng với mức tăng 0,2% mỗi năm ở mỗi kỳ hạn. Như vậy, chỉ chưa đầy 7 ngày, NH này đã tăng hai lần lãi suất huy động.

Cùng ngày, Ngân hàng Đông Á (DongA Bank) cũng công bố biểu lãi suất huy động tiền đồng mới với bước tăng khá mạnh, lên tới 0,5%. Theo đó, lãi suất huy động kỳ hạn 3 tháng được điều chỉnh lên 5,2%, kỳ hạn 6 tháng lên 6% mỗi năm (tăng 0,5%); kỳ hạn 9 tháng, 10 tháng, 11 tháng cũng tăng thêm 0,2% lên 6,2% mỗi năm. Với kỳ hạn từ 18 tháng trở lên, lãi suất huy động lên tới 7,2%/năm. 

Khảo sát mặt bằng lãi suất hiện nay, nhóm các NH quốc doanh là những NH trả lãi thấp nhất trong tất cả các kỳ hạn từ 36 tháng trở xuống. Nhóm NH cổ phần tư nhân, chỉ có VIB là có mức lãi suất thấp tương tự. Trong khi đó, hầu hết các NH cổ phần tư nhân như Bac A Bank, VietCapital Bank, NCB, đều niêm yết biểu lãi suất cao nhất trên thị trường hiện nay. Và một điểm dễ dàng nhận thấy, những NH vừa được mua lại 0 đồng, những NH bị kiểm soát đặc biệt đều đẩy lãi suất lên mức cao và luôn nằm trong top 5 các ngân hàng có mức lãi suất hấp dẫn nhất hiện nay. Có thể dễ dàng lý giải, vì đây đều là những NH này đang ở tình trạng khát vốn và muốn tạo dựng niềm tin từ phía khách hàng.

Tăng lãi suất huy động có thể là một tin vui cho người dân có tiền nhàn rỗi. Bởi ở thời điểm cuối năm, các kênh đầu tư khác vẫn chưa nhìn thấy lãi rõ ràng. Chứng khoán có khởi sắc nhưng cũng không có gì đảm bảo sẽ chắc chắn. Đầu tư vàng, USD độ rủi ro càng cao vì tình trạng lên xuống thất thường, chưa thấy rõ xu hướng cho dài hạn. Bởi vậy có thể tăng lãi suất sẽ là một động thái giúp NH thu hút thêm dòng tiền nhàn rỗi trong dân. Tuy nhiên, với những niềm tin đối với khách hàng lại đang là điểm yếu của những NH này, vì vậy làn sóng gửi tiền vào NH nhỏ dịp cuối năm liệu có diễn ra? 

Lãi suất cho vay sẽ khó tăng

Nhìn vào hiện tượng tăng lãi suất huy động thời gian qua sẽ thấy việc tăng lãi suất chủ yếu diễn ra ở một số NH cổ phần, đặc biệt các NH nhỏ, thậm chí là các NH nhóm, NH thuộc diện kiểm soát đặc biệt, hoặc đang bị dư luận đặt vấn đề về “sức khỏe”. Với những NH này, nguồn tiền gửi luôn có nguy cơ dịch chuyển sang các NH lớn, hoặc các kênh đầu tư khác, trong khi đó phần vốn góp của các doanh nghiệp Nhà nước đang hao hụt do các doanh nghiệp này thoái vốn. Vì vậy, có thể thấy việc tăng lãi suất chủ yếu là do các vấn đề nội tại của NH, một phần để giữ chân khách hàng, một phần để bù đắp rủi ro tăng thêm cho khách hàng do uy tín ngân hàng thấp. 

Câu hỏi đặt ra là, liệu hàng loạt NH, trong đó có cả “ông lớn” như VietinBank đồng loạt tăng lãi suất là phản ứng tự nhiên mang tính “mùa vụ” hay do thanh khoản ở một số NH có vấn đề? TS. Cấn Văn Lực, chuyên gia NH cho rằng, hiện nay về cơ bản thanh khoản của hệ thống NH vẫn được đảm bảo. Điều này được thể hiện qua tỷ lệ cho vay trên vốn huy động khoảng 82%, thấp hơn so với thời kỳ năm 2011 khoảng 103% và năm 2012 là 100%. Như vậy có thể thấy so với trước đây, tình hình thanh khoản hiện nay đã tốt lên.

Bên cạnh đó, tỷ lệ sử dụng vốn ngắn hạn cho vay trung dài hạn thấp cũng cho thấy các NH biểu hiện còn dư địa nguồn vốn, khi NHNN cho phép các NHTM sử dụng 60% vốn ngắn hạn cho vay trung và dài hạn nhưng hiện nay các NHTM gần như không dùng hết tỷ lệ này. Nhìn chung, các chuyên gia kinh tế đều cho rằng hiện tượng tăng lãi suất huy động chỉ diễn ra có tính mùa vụ và cũng tùy “thể trạng”, chiến lược của mỗi NH. 

Về việc tăng lãi suất huy động có dẫn đến tăng lãi suất cho vay, theo đánh giá với mức tăng không quá đột biết như thế này sẽ khó mà ảnh hưởng mặt bằng lãi suất cho vay. Dù áp lực tăng lãi suất cũng có nhưng trong điều kiện các doanh nghiệp khó mà chịu đựng được mức lãi suất cao hơn nữa thì giải pháp của các NH này là đẩy mạnh cho vay tiêu dùng và cho vay bất động sản. Những đối tượng này mới là những người có thể chấp nhận mức lãi suất cao hơn để được vay tiền. 

Trả lời trên báo chí, Phó giám đốc Ngân hàng Nhà nước chi nhánh TP HCM, ông Nguyễn Hoàng Minh cũng khẳng định việc lãi suất huy động trên thị trường dân cư tăng thời gian gần đây, chỉ là động thái mang tính cục bộ của một số ngân hàng muốn đẩy mạnh huy động vốn, nhằm chuẩn bị nguồn tiền dồi dào phục vụ nhu cầu vay vốn tăng cao của doanh nghiệp trong những tháng cuối năm. Động thái này không tác động nhiều đến lãi suất đầu ra của ngân hàng. Mặt khác, chủ trương của Ngân hàng Nhà nước là sẽ tiếp tục duy trì mặt bằng lãi suất ổn định và theo xu hướng giảm trong thời gian tới nhằm hỗ trợ hoạt động sản xuất kinh doanh của doanh nghiệp.

Đã đến lúc giảm lãi suất?

Dù khả năng tăng lãi suất trên mặt bằng chung là ít xảy ra, nhưng thông tin về việc các NH tăng lãi suất huy động cũng khiến không ít DN lo lắng. Ông Nguyễn Văn Hồng, Phó Giám đốc một doanh nghiệp tư nhân trên địa bàn Hà Nội cho biết do nhu cầu vốn sản xuất, kinh doanh cuối năm rất lớn nên mới đây doanh nghiệp của ông đã làm thủ tục vay ngân hàng 5 tỷ đồng làm nguồn vốn lưu động, lãi suất vay là 9%/năm nhưng sẽ được điều chỉnh sau 3 tháng. Chưa kể hiện doanh nghiệp này cũng đang nợ ngân hàng một khoản vay trung dài hạn không nhỏ với lãi suất 11% năm. “Tôi đang lo với đà tăng lãi suất huy động như thế này thì khả năng những tháng tới lãi suất cho vay cũng sẽ tăng. Với DN nhỏ như chúng tôi lãi suất hiện nay đã là khó khăn, huống hồ tăng thêm thì sẽ gây rất nhiều áp lực”. 

TS Vũ Tiến Lộc, Chủ tịch Phòng Thương mại và công nghiệp Việt Nam (VCCI) cho rằng, lãi suất thời gian qua dù giảm nhưng vẫn là gánh nặng với các DN, nhất là trong bối cảnh cạnh tranh hiện nay. Nếu so với mức lạm phát chưa tới 2%, thì mức cho vay hiện nay từ 7% đến 10%/năm, thậm chí một số khoản vay DN phải gánh lãi suất 10% - 12%/năm là quá cao. Dù dự đoán của một số chuyên gia kinh tế lãi suất sẽ khó giảm, nhưng kỳ vọng của cộng đồng DN vẫn là cân nhắc giảm thêm lãi suất.

Trước dự báo lạm phát sẽ thấp nhất trong một thập kỷ qua chỉ tăng 2%, có khuyến nghị NHNN cần những bước tiến trong điều hành để tính tới giảm lãi suất. Phó trưởng đoàn đại biểu Quốc hội TP.HCM, TS Trần Du Lịch khẳng định sẽ kiến nghị NHNN, Hội đồng tư vấn Tài chính tiền tệ quốc gia nghiêm túc xem xét việc giảm thêm 2% lãi suất cho vay từ năm 2016. Theo ông Lịch, các doanh nghiệp cho rằng, lạm phát kỳ vọng năm nay dưới 2%, lãi cho vay trung và dài hạn vẫn 9-10%/năm thì không thể tái cơ cấu được.

Trao đổi với báo chí, ông Trần Hoàng Ngân (thành viên Hội đồng tư vấn chính sách tài chính - tiền tệ quốc gia) cũng cho rằng lạm phát hiện nay ở mức thấp hơn mức bình quân chung của khu vực châu Á, trong khi lãi suất ở Việt Nam vẫn đang ở mức cao. Mặt khác, hiện ngoại tệ đang đổ vào Việt Nam và tỷ giá USD/VND lại đang ổn định với chiều hướng đi xuống nên rất cần đặt ra vấn đề hạ lãi suất cho vay.

“Số liệu thống kê 10 tháng đầu năm cho thấy vốn FDI thực hiện ước đạt 11,8 tỉ USD, tăng 16,3% so với cùng kỳ năm trước. Tổng vốn đăng ký ước đạt trên 19,29 tỉ USD, tăng 40,8% so với cùng kỳ năm trước (cùng kỳ giảm 28,8%)… Ngoại tệ đang đổ vào, trong khi đó tỉ giá không lên mà lại đang xuống. Đây là cơ hội để Ngân hàng Nhà nước điều hành giảm lãi suất mà không sợ ảnh hưởng của tỉ giá” - ông Ngân cho biết.

Báo cáo về kinh tế vĩ mô - triển vọng kinh tế vĩ mô Việt Nam số tháng 11-2015 của Khối Nghiên cứu kinh tế của Ngân hàng HSBC vừa công bố lại nhận định, cho đến thời điểm này, lạm phát thấp và triển vọng thuận lợi đối với giá cả năng lượng toàn cầu sẽ cho phép NHNN giữ lãi suất ổn định. Tuy nhiên, nhìn trong dài hạn, HSBC cho rằng, một khi áp lực giá cả tăng lên trong năm tới, NHNN có thể tăng lãi suất thêm 0,5%/năm trong quý III/2016, đưa mức lãi suất thị trường mở từ 5%/năm hiện nay lên 5,5%/năm.