Ngân hàng rục rịch gỡ khó cho tín dụng bất động sản

0:00 / 0:00
0:00
  • Nam miền Bắc
  • Nữ miền Bắc
  • Nữ miền Nam
  • Nam miền Nam
ANTD.VN - Thông tin về 2 gói tín dụng liên quan đến bất động sản dự kiến sẽ kích hoạt đang được kỳ vọng sẽ phần nào sẽ gỡ nút thắt về nguồn vốn cho thị trường này…

Đồng loạt các giải pháp

Tại Dự thảo Nghị quyết về một số giải pháp tháo gỡ và thúc đẩy thị trường bất động sản phát triển lành mạnh, bền vững của Chính phủ, nhiều giải pháp quan trọng được đưa ra với mục đích tháo gỡ khó khăn về thể chế, nguồn vốn và nguồn cung cho thị trường, thúc đẩy nhà ở xã hội.

“Hệ sinh thái” liên quan đến bất động sản là rất lớn, trong đó bất động sản - ngân hàng có thể ví như đang ngồi chung trên một chiếc thuyền

“Hệ sinh thái” liên quan đến bất động sản là rất lớn, trong đó bất động sản - ngân hàng có thể ví như đang ngồi chung trên một chiếc thuyền

Theo đó, Nghị quyết đề xuất Quốc hội, Chính phủ dành gói tín dụng khoảng 110.000 tỷ đồng (tương đương khoảng 10% nhu cầu vốn của giai đoạn 2022 - 2030) cấp cho các ngân hàng thương mại để các dự án nhà ở xã hội, nhà ở công nhân vay theo phương thức tái cấp vốn (giống gói 30.000 tỷ đồng đã thực hiện rất tốt trong giai đoạn 2013 - 2016 trước đây). Trong đó, dành khoảng 50% gói tín dụng (tương đương 55.000 tỷ đồng) cho chủ đầu tư dự án nhà ở xã hội, nhà ở công nhân vay ưu đãi. Khoảng 50% còn lại sẽ dành cho khách hàng cá nhân là người mua, thuê nhà ở xã hội, nhà ở công nhân.

Chính phủ cũng yêu cầu Ngân hàng Nhà nước Việt Nam (NHNN) rà soát việc cho vay tín dụng đối với các doanh nghiệp bất động sản và có giải pháp phù hợp, hiệu quả, góp phần tháo gỡ khó khăn, thúc đẩy phát triển thị trường bất động sản an toàn, lành mạnh, hiệu quả, bền vững. Đồng thời, xem xét, đề xuất phương án tín dụng phù hợp để hỗ trợ cho nền kinh tế trong năm 2023 và các năm tiếp theo; xem xét chỉ đạo, hướng dẫn giãn nợ gốc, lãi vay cho các doanh nghiệp bất động sản khó khăn (doanh nghiệp, dự án bất động sản phục vụ tiêu dùng, sản xuất, công nghiệp, du lịch, nghỉ dưỡng...); chỉ đạo, hướng dẫn các tổ chức tín dụng tạo điều kiện cho các doanh nghiệp, người mua nhà và nhà đầu tư được tiếp cận nguồn vốn tín dụng.

Bên cạnh đó, Ngân hàng Nhà nước phải chỉ đạo, phối hợp, hướng dẫn các địa phương, các tổ chức tín dụng cho vay, giải ngân nhanh chóng, đúng trọng tâm, trọng điểm, đúng đối tượng đối với các doanh nghiệp, dự án bất động sản đủ điều kiện theo đúng quy định của pháp luật; ưu tiên cho vay các dự án nhà ở xã hội, nhà ở công nhân, nhà ở thương mại với giá phù hợp, khả thi của thị trường và các loại hình bất động sản phục vụ mục đích sản xuất, kinh doanh, an sinh xã hội có hiệu quả cao, có khả năng trả nợ và phát triển.

Không chỉ tham gia vào gói tín dụng 110.000 tỷ đồng, Thống đốc NHNN Nguyễn Thị Hồng cũng cho biết, 4 ngân hàng thương mại Nhà nước (Agribank, Vietcombank, VietinBank, BIDV) cũng đang xây dựng chính sách cho gói vay 120.000 tỷ đồng cho nhà ở xã hội, nhà ở công nhân và người thu nhập thấp. Thậm chí, theo lãnh đạo NHNN gói vay này có thể lớn hơn vì các ngân hàng khác cũng đang đăng ký tham gia. Được biết, đây là gói tín dụng độc lập với gói 110.000 tỷ đồng nêu trên. Lãi suất cho vay với người xây dựng và người mua nhà sẽ thấp hơn 1,5 - 2% lãi suất cho vay bình quân của các ngân hàng trên thị trường trong từng thời kỳ.

Trước đó, tại Hội nghị tín dụng bất động sản mới đây, Thống đốc Nguyễn Thị Hồng cũng cho biết, định hướng năm 2023, NHNN sẽ chỉ đạo các ngân hàng thương mại tiết giảm tối đa chi phí, cũng như giảm lãi suất huy động đầu vào, từ đó tạo dư địa cho vay cho doanh nghiệp, cũng như làm cơ sở để giảm lãi suất cho vay.

Cần gỡ vướng tổng thể

Theo thống kê, hiện nay có tới 70% người mua nhà phải vay vốn tại ngân hàng. Lãi suất cho vay mua nhà đang lên tới 12% đối với ngân hàng quốc doanh và khoảng 13 - 14% đối với nhóm ngân hàng tư nhân. Theo các chuyên gia, nhu cầu vay mua nhà của người dân đang rất lớn. Vì vậy, nếu tiếp cận được nguồn vốn tín dụng lớn với lãi suất rẻ hơn từ các ngân hàng thì có thể khai thông một kênh dẫn vốn cho thị trường bất động sản. Ngay sau động thái của Chính phủ và NHNN, một số ngân hàng thương mại đã rục rịch giảm lãi suất ở cả 2 chiều huy động và cho vay. Theo đó, lãi suất huy động đã kéo giảm xuống mức không quá 9,5%/năm theo thống nhất của tất cả các ngân hàng thương mại.

Với lãi suất vay bất động sản, Agribank mới đây đã công bố sẽ giảm tối đa 3%/năm so với lãi suất cho vay đang áp dụng, đối với nhóm khách hàng là doanh nghiệp, cá nhân kinh doanh bất động sản. Đồng thời, ngân hàng cũng sẽ có giải pháp tháo gỡ khó khăn cho khách hàng (cho vay bổ sung, cơ cấu lại thời hạn trả nợ…). Ngoài giảm lãi suất, Agribank cũng sẽ tiếp tục xem xét cấp tín dụng mới đối với các dự án bất động sản khả thi, đầy đủ pháp lý, có khả năng tiêu thụ sản phẩm tốt, đảm bảo khả năng trả nợ vay.

Tiếp theo là BIDV công bố gói tín dụng 100.000 tỷ đồng cho vay phục vụ nhu cầu đời sống và sản xuất kinh doanh, trong đó có vay mua nhà. Theo đó lãi suất cho vay mua nhà ở sẽ ở mức 10,9%/năm trong 18 tháng giải ngân đầu tiên. Ngoài ra, BIDV cũng áp dụng giảm thêm 0,2 - 0,4% cho khách vay mua nhà đáp ứng một số điều kiện như trả lương qua BIDV, mua nhà tại Hà Nội, TP.HCM.

Theo ông Nguyễn Văn Đính - Phó Chủ tịch Hiệp hội Bất động sản Việt Nam, Chủ tịch Hội Môi giới bất động sản Việt Nam, với việc bung ra các gói tín dụng và hạ lãi suất cho vay sẽ giúp giảm áp lực, căng thẳng cho doanh nghiệp, giảm áp lực vay mua nhà cho người dân, từ đó thị trường có xu hướng tích cực hơn. Việc giảm lãi suất càng nhiều sẽ càng kích thích thị trường.

Chuyên gia kinh tế, PGS.TS Đinh Trọng Thịnh cũng cho rằng, các gói tín dụng này cùng với sự quyết tâm của Chính phủ, các địa phương và sự vào cuộc của các chủ đầu tư lớn, thị trường bất động sản sẽ được tái cấu trúc nhanh nhất, đáp ứng nhu cầu ở thực của đại đa số người dân. Vị chuyên gia cũng cho rằng, các cơ quan chức năng cần nhanh chóng làm rõ các gói tín dụng này lấy nguồn vốn từ đâu, từ ngân sách Nhà nước hay từ các ngân hàng thương mại. Bởi khi làm rõ được nguồn vốn sẽ có cách giải ngân được hiệu quả.

Có thể thấy, những động thái mới của Chính phủ và ngành ngân hàng được xem là một tín hiệu lạc quan cho ngành bất động sản nói riêng và nền kinh tế nói chung. Tuy nhiên, những giải pháp này mới chỉ gỡ được 1 nút thắt, trong khi thị trường bất động sản đang tắc nghẽn ở rất nhiều khâu. Trong các hội nghị bàn giải pháp tháo gỡ khó khăn cho thị trường này, hàng loạt vướng mắc khác đã được chỉ ra, trong đó tín dụng chỉ là một trong những khó khăn. Tất nhiên, để xảy ra tình trạng này có một phần lớn trách nhiệm ở các doanh nghiệp bất động sản khi để phát triển quá nóng, tập trung vào phân khúc mang đầu cơ, đầu tư mà ít tập trung vào nhu cầu thực, trong khi năng lực hạn chế, dựa quá lớn vào đòn bẩy.

Dù vậy, “hệ sinh thái” liên quan đến bất động sản là rất lớn, trong đó bất động sản - ngân hàng có thể ví như đang ngồi chung trên một chiếc thuyền. Vì vậy, việc các ngân hàng phải “xắn tay” cùng giải quyết những khó khăn với doanh nghiệp là điều không khó hiểu. Các doanh nghiệp vẫn đang rất trông đợi cơ quan quản lý nhanh chóng vào cuộc tháo gỡ những vướng mắc về pháp lý, về thị trường trái phiếu doanh nghiệp, miễn giảm lãi phí, chính sách với bất động sản du lịch, phát triển nhà ở xã hội…