Ngân hàng Nhà nước: Tín dụng tăng 4,73%, mặt bằng lãi suất giảm khoảng 1% trong 6 tháng đầu năm

0:00 / 0:00
0:00
  • Nam miền Bắc
  • Nữ miền Bắc
  • Nữ miền Nam
  • Nam miền Nam
ANTD.VN - Sáng nay (15/7), Ngân hàng Nhà nước (NHNN) tổ chức Hội nghị sơ kết hoạt động ngân hàng 6 tháng đầu năm và triển khai nhiệm vụ 6 tháng cuối năm 2023. Thủ tướng Chính phủ Phạm Minh Chính tới dự và chỉ đạo Hội nghị.

Theo Thống đốc NHNN Nguyễn Thị Hồng, ngành ngân hàng nửa đầu năm nay đối mặt với nhiều khó khăn thách thức. Tình hình kinh tế thế giới và trong nước tiếp tục diễn biến phức tạp, khó lường, các NHTW trên thế giới tiếp tục thắt chặt chính sách tiền tệ để kiểm soát lạm phát, khiến mặt bằng lãi suất trên thế giới tăng cao, cùng đó là xung đột Nga – Ukraina chưa có hồi kết, sự đổ vỡ của một số ngân hàng ở Mỹ và châu Âu đầu năm...

Trong nước, thị trường trái phiếu, bất động sản gặp nhiều khó khăn càng đặt áp lực, rủi ro đối với hoạt động ngân hàng.

Cùng với đó, hoạt động sản xuất, kinh doanh của doanh nghiệp, người dân suy giảm, nợ xấu tăng cao trong khi yêu cầu thực hiện các giải pháp tháo gỡ khó khăn cho doanh nghiệp, người dân vẫn được đặt ra.

Thống đốc Ngân hàng Nhà nước Nguyễn Thị Hồng

Thống đốc Ngân hàng Nhà nước Nguyễn Thị Hồng

Trong bối cảnh đó, ngành Ngân hàng được giao các nhiệm vụ tại Nghị quyết của Chính phủ, Quốc hội làm thế nào điều hành chính sách tiền tệ kiểm soát lạm phát, ổn định kinh tế vĩ mô, ổn định thị trường tiền tệ, ngoại hối.

Song song với đó, điều hành chính sách tiền tệ đảm bảo có thể giảm lãi suất trong khi phải ổn định tỷ giá, thực hiện các giải pháp tháo gỡ khó khăn cho nền kinh tế.

Đặc biệt, thực hiện các chỉ đạo của Chính phủ để cân bằng giữa tăng trưởng và lạm phát, tỷ giá và lãi suất, chính sách tiền tệ và tài khoá, giữa tình hình bên trong và bên ngoài, theo Thống đốc, đây là yêu cầu vô cùng khó, nhất là khi dư địa chính sách tiền tệ rất hạn hẹp, tín dụng/GDP đã ở mức cảnh bảo, thị trường tiền tệ, ngoại hối thường chịu tác động của tâm lý kỳ vọng...

NHNN đã xác định các vấn đề, chủ trương lớn, quan trọng, nhạy cảm để chỉ đạo, điều hành.

Nửa đầu năm nay, chính sách tiền tệ đã giúp kiểm soát lạm phát, ổn định kinh tế vĩ mô, thị trường ngoại hối và đảm bảo an toàn hệ thống ngân hàng. Việc tái cơ cấu các TCTD gắn với xử lý nợ xấu nhất là các ngân hàng yếu kém tiếp tục được triển khai quyết liệt.

Dù vậy, bên cạnh những kết quả đạt được, hoạt động ngân hàng cũng tồn tại những khó khăn do nguyên nhân cả chủ quan lẫn khách quan như nợ xấu gia tăng, tăng trưởng tín dụng thấp.

Báo cáo cụ thể hơn về kết quả điều hành chính sách tiền tệ nửa đầu năm, Phó Thống đốc Đào Minh Tú cho hay, nửa đầu năm nay, điều hành chính sách tiền tệ chắc chắn, linh hoạt, chủ động, kịp thời, hiệu quả, góp phần kiểm soát lạm phát, ổn định kinh tế vĩ mô và hỗ trợ, ưu tiên thúc đẩy tăng trưởng.

Về lãi suất, NHNN đã liên tục điều chỉnh giảm 4 lần các mức lãi suất với mức giảm 0,5-2,0%/năm.

Đến cuối tháng 6/2023, lãi suất tiền gửi và cho vay bình quân của các giao dịch phát sinh mới bằng VND của các ngân hàng thương mại (NHTM) giảm khoảng 1,0%/năm so với cuối năm 2022; các NHTM đã chủ động điều chỉnh và triển khai các chương trình/gói tín dụng ưu đãi để giảm lãi suất cho vay với mức giảm khoảng 0,5-3,0%/năm tùy đối tượng khách hàng đối với các khoản vay mới.

Về điều hành tỷ giá, NHNN đã bám sát tình hình thị trường để điều hành tỷ giá linh hoạt, phù hợp, phối hợp đồng bộ các công cụ chính sách tiền tệ để ổn định thị trường ngoại tệ, góp phần kiểm soát lạm phát và ổn định kinh tế vĩ mô.

Thị trường ngoại tệ trong nước và tỷ giá diễn biến tương đối ổn định, thanh khoản thị trường thông suốt, các nhu cầu ngoại tệ hợp pháp được đáp ứng đầy đủ. NHNN mua được ngoại tệ từ TCTD bổ sung dự trữ ngoại hối nhà nước.

Về điều hành tín dụng, ngay từ đầu năm, NHNN đã phân bổ chỉ tiêu tăng trưởng tín dụng cho các TCTD và chỉ đạo các TCTD hướng tín dụng vào các lĩnh vực sản xuất kinh doanh, lĩnh vực ưu tiên và các động lực tăng trưởng nền kinh tế theo chủ trương của Chính phủ, kiểm soát chặt chẽ tín dụng vào các lĩnh vực tiềm ẩn rủi ro, thực hiện các giải pháp tạo điều kiện thuận lợi cho khách hàng trong tiếp cận vốn tín dụng…

NHNN cũng đã chủ động triển khai đồng bộ, quyết liệt nhiều giải pháp cụ thể nhằm góp phần tháo gỡ khó khăn cho doanh nghiệp, người dân.

Đến ngày 30/6/2023, dư nợ tín dụng nền kinh tế đạt trên 12,49 triệu tỷ đồng, tăng 4,73% so với cuối năm 2022.

Trong đó, cơ cấu tín dụng tiếp tục tập trung vốn cho lĩnh vực sản xuất kinh doanh, lĩnh vực ưu tiên, theo chủ trương của Chính phủ, đóng góp tích cực vào tăng trưởng GDP cả nước.

Tín dụng đối với các lĩnh vực tiềm ẩn rủi ro được kiểm soát.