Ngân hàng Nhà nước không nới room tín dụng, nỗ lực giảm lãi suất

0:00 / 0:00
0:00
  • Nam miền Bắc
  • Nữ miền Bắc
  • Nữ miền Nam
  • Nam miền Nam
ANTD.VN - Ngân hàng Nhà nước không nới thêm room tín dụng, yêu cầu các ngân hàng chọn lọc, thẩm định, cho vay các dự án hiệu quả, có khả năng trả nợ, đóng góp tích cực vào quá trình phục hồi và phát triển kinh tế.

Đây là thông điệp được Ngân hàng Nhà nước (NHNN) đưa ra tại Hội nghị Sơ kết hoạt động 6 tháng đầu năm và triển khai nhiệm vụ 6 tháng cuối năm 2022, ngày 15/7.

Không nới room tín dụng cả năm

Theo Thống đốc NHNN Nguyễn Thị Hồng, các thách thức của ngành ngân hàng trong bối cảnh hiện nay là rất lớn: lạm phát tăng phi mã, các nước đua thắt chặt chính sách tiền tệ, trong nước chính sách lại phải gánh nhiều nhiệm vụ nặng nề.

Trong đó, Quốc hội đã giao nhiệm vụ cho NHNN phấn đấu điều hành giảm mặt bằng lãi suất từ 0,5-1% trong 2 năm; ổn định tỷ giá khi giá cả hàng hoá tăng cao, sản xuất trong nước phụ thuộc nhiều vào nhập khẩu; kiểm soát lạm phát bình quân 4% trong bối cảnh lạm phát trên thế giới tăng cao…

Đặc biệt, việc triển khai gói cấp bù lãi suất với lượng tiền lớn khi lạm phát đang tăng cũng đặt ra những thách thức nhất định. Ngoài ra, thị trường chứng khoán, trái phiếu doanh nghiệp, bất động sản có nhiều biến động trong thời gian qua cũng sẽ tác động đến ngành Ngân hàng.

Với các thách thức trong nước cũng như quốc tế, Ngân hàng Nhà nước tiếp tục khẳng định mục tiêu tăng trưởng tín dụng định hướng năm nay là 14%, không “nới” thêm như kỳ vọng của các ngân hàng thương mại trước đó.

Room tín dụng toàn ngành ngân hàng năm nay sẽ vẫn giữ mức 14%

Room tín dụng toàn ngành ngân hàng năm nay sẽ vẫn giữ mức 14%

Bà Hà Thu Giang, Phó Vụ trưởng phụ trách Vụ Tín dụng các ngành kinh tế (NHNN) cho biết, đến ngày 30/6/2022, tín dụng toàn nền kinh tế đạt trên 11,42 triệu tỷ, tăng 9,35% (cùng kỳ năm 2021 tăng 6,47%). Cơ cấu tín dụng tập trung theo đúng định hướng điều hành của NHNN.

Về tăng trưởng tín dụng 6 tháng cuối năm, bà Giang đề nghị các tổ chức tín dụng cần chọn lọc, thẩm định, cho vay các dự án hiệu quả, có khả năng trả nợ, đóng góp tích cực vào quá trình phục hồi và phát triển kinh tế.

Đối với tín dụng lĩnh vực tiềm ẩn rủi ro, tiếp tục quán triệt tinh thần không hạn chế tín dụng đối với các lĩnh vực này, song cần kiểm soát rủi ro để đảm bảo an toàn hệ thống.

Các tổ chức tín dụng cần có đánh giá đối với các khoản vay đã kết thúc thời hạn cơ cấu, thực hiện phân loại nợ sau thời gian cơ cấu theo đúng quy định; đồng thời tiếp tục thực hiện trích lập dự phòng bổ sung đối với các khoản nợ theo đúng lộ trình quy định tại Thông tư 01, 03, 14.

Với tín dụng lĩnh vực bất động sản, Phó Thống đốc Thường trực NHNN Đào Minh Tú nhấn mạnh, các ngân hàng cần kiểm soát chặt chẽ rủi ro; kiểm soát mức độ tập trung tín dụng vào một số khách hàng, nhóm khách hàng lớn, dự án quy mô lớn, phân khúc cao cấp…

Đồng thời, tập trung tín dụng vào việc phát triển các dự án nhà ở xã hội, nhà ở công nhân, cải tạo chung cư cũ, nhà ở giá rẻ…

Nỗ lực giảm lãi suất cho vay, bình ổn tỷ giá

Về điều hành lãi suất, Phó Thống đốc Phạm Thanh Hà nhận định, bối cảnh thị trường tài chính toàn cầu thời gian qua và tới đây tiếp tục có nhiều diễn biến phức tạp, xu hướng tăng lãi suất trên toàn thế giới vẫn đang diễn ra, mục tiêu giảm lãi suất cho vay theo chủ trương của Quốc hội, Chính phủ tiếp tục gặp khó khăn, thách thức.

Trước tình hình đó, NHNN nước tiếp tục giữ lãi suất điều hành ở mức thấp trong 6 tháng đầu năm để tạo điều kiện cho tổ chức tín dụng tiếp cận nguồn vốn chi phí thấp từ NHNN.

Phó thống đốc yêu cầu các tổ chức tín dụng quyết tâm cùng toàn ngành ủng hộ chủ trương của Quốc hội, Chính phủ trong việc ổn định, giảm lãi suất cho vay, hỗ trợ quá trình phục hồi kinh tế.

Về điều hành tỷ giá, ông Phạm Chí Quang, Phó Vụ trưởng phụ trách Vụ Chính sách tiền tệ cho biết, trong 6 tháng đầu năm, điều hành tỷ giá và thị trường ngoại tệ gặp nhiều áp lực do thị trường quốc tế diễn biến phức tạp, khó lường, trong nước cân đối cung - cầu ngoại tệ khó khăn, hệ thống tổ chức tín dụng thường xuyên bán ròng ngoại tệ cho khách hàng.

Trong bối cảnh đó, NHNN điều hành tỷ giá chủ động, phù hợp, phối hợp đồng bộ với các công cụ chính sách tiền tệ khác nhằm ổn định tỷ giá và thị trường ngoại tệ.

Trong 6 tháng cuối năm, NHNN sẽ theo dõi sát diễn biến thị trường trong và ngoài nước để điều hành tỷ giá biến động linh hoạt, phù hợp với điều kiện thị trường thông qua việc phối hợp đồng bộ các biện pháp và công cụ chính sách tiền tệ.

Với dự trữ ngoại hối được tích lũy nhiều năm qua, NHNN khẳng định đủ tiềm lực sẵn sàng can thiệp thị trường khi cần thiết để bình ổn thị trường và tỷ giá, góp phần kiểm soát lạm phát và ổn định kinh tế vĩ mô đồng thời hỗ trợ thực hiện Chương trình phục hồi và phát triển kinh tế, xã hội.